Tiếng Việt | English

17/08/2023 - 09:23

Nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp bền vững

Tỉnh Long An có quy mô kinh tế đứng đầu Vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Công nghiệp chế biến, chế tạo luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu ngành Công nghiệp. Tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp tái cơ cấu ngành Công nghiệp nhằm phát triển bền vững và có tính đột phát.

Tỉnh đang tập trung thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo

Công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng lớn

Công nghiệp là ngành kinh tế chủ lực, tốc độ tăng trưởng của ngành duy trì ở mức cao. Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 13,4%/năm giai đoạn 2011 - 2015 và tăng trung bình 14,1%/năm giai đoạn 2016 - 2020; giá trị tăng thêm của ngành Công nghiệp tăng bình quân lần lượt là 14,8%/năm, 14,4%/năm giai đoạn 2011 - 2015 và 2016 - 2020.

Giai đoạn 2021 - 2022, sản xuất công nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, chỉ số sản xuất công nghiệp bình quân giai đoạn này tăng thấp, đạt 3,95%/năm. 6 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp (theo giá năm 2010) đạt 146.158 tỉ đồng, tăng 3,82% so cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất, tăng 3,8%. Trong các giai đoạn qua, cơ cấu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo luôn chiếm tỷ trọng từ 97% - 98% trong cơ cấu ngành Công nghiệp của tỉnh.

Hiện nay, quy mô công nghiệp của tỉnh từng bước phát triển, đứng thứ nhất trong Vùng Đồng bằng sông Cửu Long và đứng thứ 5 trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bên cạnh đó, ngành Công nghiệp của tỉnh có sự gia tăng về số lượng doanh nghiệp (DN) và lao động làm việc trong ngành.

Các DN sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tập trung chủ yếu ở vùng phát triển đô thị và công nghiệp gồm các huyện: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước, một phần huyện Tân Trụ, TP.Tân An, một phần huyện Thủ Thừa và Châu Thành.

Theo đánh giá của Sở Công Thương, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh phần lớn còn mang tính đơn giản, chưa đáp ứng các yêu cầu về công nghệ, mẫu mã và chưa có tính cạnh tranh cao do các cơ sở có quy mô lớn, công nghệ tiên tiến còn hạn chế. Đối với ngành dệt may và da giày, các sản phẩm hỗ trợ chủ yếu phần lớn còn nhập từ nước ngoài. Hiện tỉnh có ít dự án FDI có quy mô lớn và công nghệ không cao.

Phát triển bền vững ngành công nghiệp

Mục tiêu của Long An là trở thành tỉnh phát triển công nghiệp của khu vực phía Nam. Hiện nay, tổng diện tích được quy hoạch để phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh là 15.000ha với 37 khu công nghiệp (KCN) và 59 cụm công nghiệp (CCN) được phê duyệt. Theo định hướng và quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, toàn tỉnh có 51 KCN với tổng diện tích 12.433ha; tỉnh cũng quy hoạch mới 28 CCN, tổng số CCN là 72, tổng diện tích 3.989ha.

Trong quy hoạch tỉnh được phê duyệt, tỉnh đề ra mục tiêu trở thành trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả và bền vững của khu vực phía Nam, cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cụ thể, giai đoạn 2021 - 2030, tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 9-9,5%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa; quy mô nền kinh tế đến năm 2030 gấp 2 - 2,5 lần so với năm 2021. 

Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh để tăng tốc phát triển nhanh và bền vững, nhất là ngành Công nghiệp, tỉnh đang tập trung cơ cấu lại ngành Công nghiệp. Trong đó, tỉnh tập trung phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo (chế biến sâu sản phẩm nông, thủy sản như đóng hộp, nước ép, sấy); công nghệ bảo quản sau thu hoạch, công nghiệp năng lượng.

Tỉnh đang thực hiện nhiều biện pháp xúc tiến đầu tư, thu hút và hỗ trợ cho các dự án đầu tư trọng điểm; ưu tiên thu hút công nghiệp hỗ trợ, công nghệ mới, công nghệ cao thân thiện với môi trường; phát triển nhanh các ngành công nghiệp có giá trị tăng cao. Tỉnh cũng đang tham gia thực hiện các đề án, dự án liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính trong công nghiệp, sản xuất sạch hơn trong công nghiệp và phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo nhằm giảm nhẹ rủi ro và các tác động của biến đổi khí hậu. Qua đó, góp phần bảo đảm sử dụng hiệu quả tài nguyên và tăng cường khả năng chống chịu của người dân với rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu.

Đối với các CCN, tỉnh đang hỗ trợ các CCN đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải; mời gọi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng CCN và thương mại, nhất là đầu tư vào các CCN sẵn có; xây dựng và triển khai, thực hiện phương án phát triển CCN thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, tỉnh tập trung rà soát, cập nhật tiến độ thực hiện các CCN đã đi vào hoạt động và đang triển khai, thực hiện; tìm hiểu và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư.

Sở Công Thương chủ động phối hợp sở, ngành, địa phương tham mưu đề xuất UBND tỉnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn, cơ chế, chính sách nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư các CCN theo chủ trương phê duyệt, tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư CCN, nâng cao tỷ lệ lấp đầy.

Đối với chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2025, tỉnh tập trung thực hiện đồng bộ các chương trình hỗ trợ DN (Chương trình đổi mới công nghệ, áp dụng quản lý chất lượng, xây dựng thương hiệu,...); chú trọng thu hút đầu tư các tập đoàn Quốc tế, có sản phẩm thương hiệu mạnh để tạo điều kiện thúc đẩy liên kết phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, hình thành chuỗi sản xuất, cung ứng ổn định, bền vững.

 Ngoài ra, tỉnh tăng cường phát triển các ngành công nghiệp theo hướng liên kết, nâng cao tính ổn định, bền vững trong chuỗi liên kết sản xuất hàng hóa, từng bước nâng lên thành cụm liên kết ngành công nghiệp theo lợi thế cạnh tranh, chuyên môn hóa và chuỗi giá trị; khuyến khích hình thành các cụm liên kết ngành; ưu tiên, mời gọi, bố trí các dự án đầu tư có tính liên kết sử dụng sản phẩm của nhau; hỗ trợ DN trong nước liên kết phát triển thành DN vệ tinh trong chuỗi sản xuất của các tập đoàn nước ngoài; điều chỉnh phân bố không gian công nghiệp bảo đảm phù hợp định hướng phát triển giữa các vùng trong tỉnh; giải quyết tình trạng mật độ công nghiệp cao ở một số khu vực phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH của tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh nhằm phát triển kinh tế hiệu quả, bảo vệ môi trường và tái cơ cấu ngành. Các đơn vị quản lý nhà nước thường xuyên phổ biến nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững cho DN trong CCN. Tỉnh đang xây dựng mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững; phổ biến, nhân rộng các mô hình về sản xuất sạch hơn, các mô hình về sản xuất và tiêu dùng bền vững; tiếp tục triển khai Kế hoạch bảo vệ môi trường ngành Công Thương giai đoạn 2020 - 2025; phối hợp xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường để thực hiện các nhiệm vụ được giao và các mục tiêu bảo vệ môi trường ngành Công Thương hàng năm.

Trên lĩnh vực năng lượng, tỉnh đang triển khai, thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, xét đến năm 2045. UBND tỉnh giao Sở Công Thương đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn, trọng điểm như dự án Nhà máy Nhiệt điện LNG Long An I, II tại huyện Cần Giuộc và các dự án điện mặt trời. Đồng thời, Sở Công Thương tiếp tục hỗ trợ phát triển hạ tầng điện, ưu tiên đầu tư các công trình quan trọng đáp ứng nhu cầu điện phục vụ sản xuất, kinh doanh, nhất là những địa bàn phát triển “nón” về công nghiệp, phục vụ các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nâng cấp hệ thống điện bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, an toàn, đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất và sinh hoạt dân cư./.

Gia Hân

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích