Tiếng Việt | English

11/08/2022 - 12:30

Nhiều lợi ích khi tham gia Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Được chuyển giao khoa học - kỹ thuật (KHKT); hỗ trợ giống; xây dựng thương hiệu sản phẩm; tăng sức cạnh tranh trên thị trường; giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận;... là những lợi ích khi người dân tham gia Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.

“Tiếp sức” cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Thực hiện theo Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND, ngày 17/8/2021 của HĐND tỉnh về Quy định chính sách hỗ trợ Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2021-2025, trong năm 2022, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục triển khai nhiều mô hình, dự án trên 4 cây (lúa, rau, thanh long, chanh) và 2 con (bò thịt và tôm) nhằm khuyến khích hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, nông dân tham gia Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.

Lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo tỉnh đến tham quan Hợp tác xã Nông nghiệp Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Phước Thịnh, xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc

Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh - Dương Văn Tuấn cho biết: “Đối với cây lúa, mục tiêu đến năm 2025 sẽ xây dựng được 60.000ha lúa ƯDCNC. Theo đó, ngay khi các chủ trương, chính sách được ban hành, Trung tâm tiến hành xây dựng các mô hình vùng lúa ƯDCNC đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu theo chuỗi giá trị và mô hình điểm ƯDCNC.

Cụ thể, vụ Đông Xuân 2021-2022, Trung tâm xây dựng được 4 mô hình Vùng lúa ƯDCNC đạt tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu tại các huyện: Mộc Hóa, Tân Thạnh, Tân Hưng, Vĩnh Hưng. Khi tham gia mô hình, các chủ thể sẽ được hỗ trợ 70% giá giống lúa từ cấp xác nhận trở lên nhưng không quá 1,2 triệu đồng/ha/vụ; hỗ trợ 50% giá thuê máy móc, thiết bị cơ giới, tự động hóa, công nghệ số,... phục vụ sản xuất, không quá 5 triệu đồng/ha/vụ hoặc hỗ trợ 40% chi phí mua máy móc, thiết bị cơ giới, tự động hóa, công nghệ số,... phục vụ sản xuất, không quá 150 triệu đồng/máy hoặc thiết bị”.

Qua tổng kết, về kỹ thuật, nông dân thấy được hiệu quả của việc dùng giống lúa xác nhận, áp dụng sạ hàng, sạ thưa giúp lúa cứng cây đẻ nhánh khỏe, ít sâu, bệnh, giảm chi phí sản xuất; ứng dụng phân hữu cơ vi sinh cho bón lót giúp cải tạo đất, tăng hiệu quả bón phân, giảm phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật; ứng dụng cơ giới hóa vào đồng ruộng, khắc phục được tình trạng thiếu hụt lao động hiện nay. Về hiệu quả kinh tế, lợi nhuận trong mô hình cao hơn ngoài mô hình từ 2,7-4 triệu đồng/ha.

HTX Hương Trang (huyện Mộc Hóa) là một trong những HTX được chọn để triển khai, thực hiện mô hình Vùng lúa ƯDCNC đạt tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu. Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Hương Trang - Trần Văn Sữa cho hay: “Vụ lúa Đông Xuân 2021-2022, HTX có 200ha với 38 hộ tham gia mô hình Vùng lúa ƯDCNC đạt tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu. Chi phí sản xuất trong mô hình khoảng 20,6 triệu đồng/ha, thấp hơn ngoài mô hình khoảng 2 triệu đồng/ha do giảm lượng giống gieo sạ, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và công lao động. Năng suất bình quân trong mô hình khoảng 8,2 tấn/ha, cao hơn ngoài mô hình khoảng 200kg/ha và chi phí sản xuất thấp hơn nên lợi nhuận bình quân tăng 4 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình”.

Cùng với cây lúa, con bò thịt cũng được ngành Nông nghiệp triển khai các chính sách hỗ trợ. Ông Nguyễn Thanh Sử (xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa) chia sẻ: “Vừa qua, HTX được ngành Nông nghiệp tỉnh hỗ trợ 70% tiền mua bò giống với 17 con, trong đó gia đình tôi được hỗ trợ 10 con bò. Khi chưa tham gia HTX, tôi xây dựng chuồng trại đơn sơ và chưa quan tâm nhiều đến chất lượng bò giống,... Còn hiện nay, khi tham gia nuôi bò theo hướng ƯDCNC, tôi chú trọng đến việc chọn con giống chất lượng, rõ nguồn gốc và xây dựng chuồng sạch sẽ, thoáng mát. Hơn hết, tôi còn được ngành Nông nghiệp các cấp thường xuyên tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn, dạy nghề về kỹ thuật chăn nuôi bò, nhất là ngành Nông nghiệp tỉnh còn cử cán bộ xuống trực tiếp hướng dẫn tôi cách gieo tinh và phòng, chống bệnh cho bò”.

Thay đổi tư duy sản xuất

Nghề trồng rau được người dân xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc phát triển từ những năm 1980 với phương thức sản xuất riêng lẻ, khai thác tối đa độ phì của đất, phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, sử dụng phân hóa học nên chất lượng và đầu ra không ổn định, từ đó thu nhập bấp bênh. Xác định được tiềm năng, lợi thế của cây rau trên địa bàn xã, ngành Nông nghiệp, UBND huyện đã xây dựng vùng rau ƯDCNC tại xã Phước Hậu.

Bí thư Đảng ủy xã Phước Hậu - Lê Hồng Sơn thông tin: “Được tỉnh, huyện chọn xây dựng vùng sản xuất rau trọng điểm của tỉnh, người dân xã Phước Hậu bắt tay phát triển mạnh mẽ vùng rau chuyên canh, tăng cường ứng dụng các công nghệ mới, các tiến bộ KHKT vào sản xuất. Kết quả, đến nay, xã có 18,3ha nhà màng, nhà lưới; 88,8ha có hệ thống tưới tự động, nhỏ giọt và gần 300ha sử dụng công nghệ giống, phân hữu cơ vi sinh”.

Vụ Đông Xuân 2021-2022, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh xây dựng được 4 mô hình Vùng lúa ứng dụng công nghệ cao đạt tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu

Theo Giám đốc HTX Nông nghiệp Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Phước Thịnh (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc) - Đặng Duy Dũng, tham gia mô hình trồng rau ƯDCNC, HTX được hỗ trợ 1,5 tỉ đồng để mở rộng quy mô sản xuất, 500 triệu đồng từ Liên minh HTX để tăng vốn điều lệ. Điều quan trọng khi tham gia HTX, các thành viên được chuyển giao KHKT trồng rau, mạnh dạn đầu tư kinh phí lắp đặt nhà màng, hệ thống tưới tự động,... Qua đó, bảo đảm được chất lượng rau, tăng năng suất, lợi nhuận trên cùng diện tích canh tác.

Ông Huỳnh Văn Sang (xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc) nói: “Trước đây, tôi trồng 2ha rau theo phương pháp truyền thống với các loại rau ăn lá như cải, húng lủi, ngò rí,... Qua các lớp tập huấn, tôi biết đến trồng rau ƯDCNC sẽ tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nhất là giảm được chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận. Từ đó, tôi đầu tư nhà màng, áp dụng các biện pháp tưới tự động, hạn chế phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,... Qua thời gian thực hiện, mô hình mang về lợi nhuận gấp 1,5 lần so với trồng rau theo phương pháp truyền thống”.

“Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền; xây dựng vùng nguyên liệu xuất khẩu; tiếp tục hỗ trợ phát triển các HTX, tổ hợp tác nâng cao năng lực, chủ động liên kết sản xuất theo chuỗi sản xuất có địa chỉ, truy xuất nguồn gốc; duy trì, nhân rộng diện tích doanh nghiệp tham gia cánh đồng lớn theo hình thức liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản. Đồng thời, ngành triển khai xây dựng mô hình ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa, mô hình giảm lượng phân bón vô cơ trong sản xuất; đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp ƯDCNC. Bên cạnh đó, ngành tiếp tục thực hiện công tác xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm của tỉnh; tập trung lồng ghép các nguồn vốn để đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi đang triển khai trên địa bàn các huyện để phục vụ vùng sản xuất ƯDCNC” - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền thông tin.

Khi tham gia chương trình nông nghiệp ƯDCNC, người dân thay đổi tập quán sản xuất từ truyền thống sang hiện đại, ứng dụng các tiến bộ KHKT tiên tiến nhất, góp phần tăng năng suất và lợi nhuận trên cùng diện tích canh tác. Đây chính là tiền đề, “chìa khóa” cho ngành Nông nghiệp tỉnh phát triển theo hướng xanh, bền vững./.

Tính đến tháng 6/2022, nuôi tôm ƯDCNC 10ha; vùng lúa ƯDCNC 29.341ha; rau ƯDCNC 1.829ha; vùng thanh long ƯDCNC 4.019ha; chanh ƯDCNC 345ha.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết