Tiếng Việt | English

01/12/2018 - 16:46

Nhiều vấn đề chia rẽ "phủ bóng" Hội nghị thượng đỉnh G20

Hội nghị kéo dài 2 ngày lần này đang phải đối mặt với những rạn nứt nghiêm trọng nhất kể từ khi G20 tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên cách đây 10 năm.

Các nhà lãnh đạo G20 chụp ảnh chung tại Hội nghị ở Buenos Aires, Argentina, ngày 30/11. (Nguồn: THX/TTXVN)

Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) với sự có mặt của lãnh đạo các cường quốc hàng đầu thế giới, cũng như nhiều đại diện tổ chức quốc tế và khu vực đã chính thức khai mạc ngày 30/11 tại thủ đô Buenos Aires của Argentina.

Tuy nhiên, với những bất đồng liên quan đến thương mại, biến đổi khí hậu, hay cuộc đối đầu mới đây giữa Nga và Ukraine trên Eo biển Kerch, hội nghị kéo dài 2 ngày lần này đang phải đối mặt với những rạn nứt nghiêm trọng nhất kể từ khi G20 tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên cách đây 10 năm.

Trước khi hội nghị thượng đỉnh G20 lần này diễn ra, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trở thành tâm điểm của sự công kích, theo đó, đa phần các ý kiến chỉ trích cho rằng ông chính là người phá đi tính thống nhất trước đây của G20 về thương mại và biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump đã "gỡ được thế bí" khi ký kết Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada (USMCA), phiên bản mới của Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), cũng như đưa ra "các tín hiệu tốt" trước bữa ăn tối 30/11 với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Dẫu vậy, nhiều nhà lãnh đạo G20 vẫn không thể không bày tỏ quan ngại tác động tiêu cực về cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đối với nền kinh tế thế giới.

Về phần mình, trong bài phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã cảnh báo các nhà lãnh đạo G20 về việc gia tăng các nguy cơ đối với nền kinh tế toàn cầu, đồng thời tái khẳng định cam kết của Bắc Kinh trong việc cải cách kinh tế, theo đó gia tăng nỗ lực bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và nhập khẩu nhiều hơn.

Bên cạnh đó, ông cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo G20 "theo đuổi sự mở cửa" cũng như "chèo lái kinh tế thế giới một cách có trách nhiệm."

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ trích việc áp đặt "sai trái" các biện pháp trừng phạt và chủ nghĩa bảo hộ thương mại.

Tổng thống Putin nêu rõ: "Hành động xấu xa trở lại với các biện pháp trừng phạt đơn phương, bất hợp pháp cũng như các biện pháp bảo hộ đang được lan truyền, bỏ qua Hiến chương Liên hợp quốc, nguyên tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các tiêu chuẩn pháp lý được quốc tế công nhận."

Theo ông, điều này gây ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần hợp tác quốc tế, cản trở hoạt động thương mại quốc tế.

Tuyên bố của nhà lãnh đạo Nga dù không nêu đích danh, song trên thực tế có thể thấy rõ những tuyên bố này ám chỉ trực tiếp đến Tổng thống Donald Trump - người vừa hủy cuộc gặp đã lên kế hoạch với Tổng thống Putin bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Buenos Aires vì vụ "đụng độ trên Eo biển Kerch" mới đây giữa hải quân Nga và Ukraine.

Tổng thống Trump cũng bị chỉ trích là đã phá hủy sự ổn định mà G20 đã thúc đẩy 1 thập kỷ trước. Hiện Mỹ - cường quốc số 1 thế giới đang đơn phương áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào một loạt nước như Iran, Nga, Cuba, Venezuela... và cũng là nước "châm ngòi" cho cuộc chiến về thuế với các đối tác thương mại lớn với chính sách "Nước Mỹ trước tiên."

Bên cạnh đó, hội nghị thượng đỉnh lần này cũng trở thành diễn đàn để các nhà lãnh đạo bàn luận một loạt vấn đề từ cái chết của nhà báo Saudi Arabia Jamal Khashoggi tại lãnh sự quán ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) đến vụ đối đầu giữa Nga và Ukraine hay cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Với một loạt vấn đề đang "phủ bóng" hội nghị, không ai có thể dám chắc liệu G20 có thể ra tuyên bố chung hay không, nhất là khi Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2018 vừa diễn ra hồi tháng trước cũng lần đầu tiên không thể đưa ra tuyên bố chung trong lịch sử./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết