Tiếng Việt | English

23/12/2018 - 14:03

Nhìn lại thị trường dầu mỏ thế giới đầy biến động trong năm 2018

Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Trong năm 2018, việc giá dầu mỏ biến động liên tục đã và đang tác động trực tiếp về nhiều mặt đến nền kinh tế của cả các nước xuất khẩu và nhập khẩu loại nhiên liệu được coi là “huyết mạch” này.

Dao động chưa từng có

Tiến sỹ Bùi Ngọc Sơn thuộc Viện Kinh tế và Chính trị thế giới cho biết giá dầu thế giới năm nay có đặc trưng là thời gian dao động khá ngắn, khoảng 1-2 tháng, trong đó có những lúc xuống thấp kỷ lục như từ 76 USD/thùng trong các phiên đầu tháng 10/2018 xuống hơn 50 USD/thùng như phiên 14/12, thậm chí hạ xuống 45,88 USD/thùng ghi nhận trong phiên 20/12. Giá dầu bốc hơi gần 40% trong chưa đầy hai tháng là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử.

Theo nhìn nhận của các chuyên gia, sự biến động đảo chiều liên tục của giá dầu thế giới trong thời gian qua bắt nguồn từ các yếu tố địa chính trị. Giám đốc mảng thị trường dầu mỏ của Công ty Tư vấn IHS Markit (Anh) Spencer Welch chỉ ra một trong những nguyên nhân khiến giá dầu giảm là sự thay đổi chính sách của Mỹ.

Bên cạnh đó, yếu tố cung cầu cũng là nguyên nhân quan trọng khiến giá dầu biến động. Bằng chứng rõ nét nhất về sự biến động mạnh của giá dầu là khi Nga và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) ra tín hiệu gia hạn thoả thuận cắt giảm sản lượng và khi Tổng thống Donald Trump cảnh báo thực hiện lệnh cấm vận đối với Iran khiến nguồn cung ra thị trường có thể giảm mạnh. Giá dầu thế giới đã đảo chiều đi xuống và mất hơn 34% giá trị tính đến hết tháng 11/2018, khi nhu cầu dầu mỏ trên thế giới dự kiến sụt giảm do nguy cơ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung gia tăng, cộng với việc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kinh tế thế giới đi xuống. 

Thêm vào đó, theo ông Sơn, thị trường dầu mỏ năm 2018 biến động mạnh còn là do đã có sự thay đổi trên thương trường khi OPEC đánh mất vị thế độc quyền về nguồn cung và quyền ấn định giá dầu thế giới, trong khi thị trường năng lượng được đa dạng hoá với vô vàn yếu tố cạnh tranh. Giá dầu năm 2018 đảo chiều liên tục còn do công nghệ khai thác dầu phát triển mạnh mẽ, trong đó công nghệ khai thác dầu khí đá phiến của Mỹ góp phần giúp giảm giá thành sản xuất dầu mỏ.

Tác động hai mặt đến nền kinh tế

Theo Tiến sỹ Bùi Ngọc Sơn, sự biến động của giá dầu trong năm 2018 đã gây ra sự xáo trộn trong hoạt động sản xuất của nước xuất khẩu dầu và kế hoạch nhập khẩu dầu của các nước nhập khẩu. Rất nhiều nước, trong đó có Nga, Saudi Arabia, Qatar…, cần giá dầu ở mức trên 100 USD/ thùng để có thể cân bằng ngân sách thì giá “vàng đen” lại rơi xuống mức khoảng 50 USD/ thùng như thời gian qua. Với những nước xuất khẩu dầu mà ngân sách lệ thuộc vào nguồn thu từ dầu, mức giá như vậy được nhận định là mang đến nhiều khó khăn. 

Ở chiều hướng ngược lại, mức giá khoảng 50 USD/ thùng đem tới lợi ích cho các nước nhập khẩu dầu. Các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), châu Âu và cả Việt Nam năm nay được hưởng lợi nhiều từ giá dầu thấp, ông Sơn cho biết. Đồng quan điểm này, Tiến sỹ Nguyễn Văn Lịch - Trưởng khoa Kinh tế quốc tế, Học viện Ngoại giao - cho rằng giá dầu thấp giúp nền kinh tế Việt Nam hưởng lợi.

Theo các số liệu thống kê mới nhất, xuất khẩu dầu thô của Việt Nam chỉ bằng 50% sản lượng nhập khẩu dầu. Vì vậy tính về tổng thể, với vị thế là nước nhập khẩu dầu, giá dầu cao sẽ tạo ra áp lực tăng chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam. Trong khi đó, chỉ số lạm phát yên ổn mới khiến các chỉ số khác yên ổn.

Các kịch bản giá dầu 2019

Dự báo cho năm 2019, Tiến sỹ Bùi Ngọc Sơn cho rằng giá dầu sẽ theo chiều hướng thấp đi. Hiện dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới bị điều chỉnh giảm do ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Trong đó Trung Quốc, một trong những nước tiêu thụ dầu mỏ nhiều nhất thế giới, tăng trưởng chậm lại sẽ đẩy nhu cầu tiêu thụ dầu đi xuống.

Trong khi đó, việc Mỹ, với nguồn cung dầu dồi dào luôn “trực chiến,” tìm cách tranh giành thị phần với các nước OPEC khiến các nỗ lực tổ chức này và Nga tiếp tục cắt giảm sản lượng dầu nhiều nhất cũng chỉ duy trì được giá dầu ở mức trung bình khoảng 50 USD/thùng.

Nhận định xu hướng giá dầu năm 2019 cũng đã được ông Scott Darling, Trưởng Bộ phận dầu khí châu Á - Thái Bình Dương của JPMorgan, đưa ra hồi cuối tháng 11 vừa qua. Theo đó, JPMorgan hạ dự báo giá dầu Brent xuống mức trung bình 73 USD/thùng, thấp hơn nhiều so với dự báo trước đó là 83,5 USD/thùng. JPMorgan còn cho rằng giá dầu Brent sẽ trở về mốc 64 USD/thùng trong năm 2020./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết