Tiếng Việt | English

19/05/2023 - 08:30

Nhớ những ngày về thăm quê Bác

Cách nay khoảng 20 năm, trên đường ra Thủ đô Hà Nội dự hội nghị, vì chưa đến thời gian diễn ra sự kiện nên khi đến tỉnh Nghệ An, chúng tôi được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An mời thăm quê Bác. Chúng tôi rất phấn khởi và được các hướng dẫn viên của địa phương đưa đi tham quan một số địa điểm để hiểu biết thêm về gia đình, quê hương của Người.

Ảnh: Internet

Trước hết, chúng tôi được dẫn đến ngã ba Mậu Tài (tên xưa là làng Sài) - quê hương của cụ Hà Thị Hy, bà nội của Bác. Cách đó khoảng 1km là làng Hoàng Trù (còn gọi là làng Chùa) - quê ngoại của Bác, ở đây có nhà cụ Hoàng Đường và cụ Nguyễn Thị Kép, ông ngoại và bà ngoại của Bác; gần đó là ngôi nhà tranh 3 gian do cụ Hoàng Đường dựng cho hai người con là Nguyễn Sinh Sắc và Hoàng Thị Loan - thân sinh của Bác - làm nơi ở riêng sau ngày cưới. Nơi đây còn rất nhiều kỷ vật liên quan đến thời thơ ấu của Bác như chiếc giường nhỏ là nơi Bác Hồ cất tiếng khóc chào đời, kế đó là khung cửi mà thân mẫu của Bác từng ngồi dệt vải thâu đêm để nuôi các con khôn lớn,… Ba gian nhà trống, nồm đưa võng/ Một chiếc giường tre, chiếu mỏng manh (Tố Hữu).

Cách làng Hoàng Trù khoảng 2km, chúng tôi được hướng dẫn đến làng Sen, nơi Bác đã sống những ngày niên thiếu. Đây là ngôi nhà gỗ lợp tranh 5 gian cất trên mảnh đất vườn rộng trên 4 sào. Lúc chúng tôi đến thì hình dáng cũ vẫn còn nguyên, nơi đây có bàn thờ của bà Hoàng Thị Loan đặt bên cạnh tấm biển, cờ của vua ban cho cụ Nguyễn Sinh Sắc trước đây,... Chúng tôi bước chầm chậm, lặng lẽ ngắm nhìn các hiện vật trong nhà liên quan đến gia đình Bác mà lòng vô cùng xúc động, bâng khuâng nghĩ đến cuộc đời của Người thuở còn niên thiếu.

Tiếp sau đó, chúng tôi được hướng dẫn đến thăm mộ của bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu của Bác Hồ. Được biết, bà Hoàng Thị Loan mất ở Huế, lúc bấy giờ, ông Nguyễn Sinh Khiêm định đưa mẹ về quê nhưng lúc đó do điều kiện, hoàn cảnh của gia đình còn quá khó khăn nên phải đợi mãi đến năm 1939, ông mới thực hiện được tâm nguyện ấy. Trong khoảng thời gian này, Bác Hồ còn bôn ba ở nước ngoài tìm đường cứu nước, mãi đến mùa xuân năm 1941, Bác mới về nước lãnh đạo cách mạng, giải phóng dân tộc thoát khỏi ách xích xiềng, nô lệ của bọn phong kiến, ngoại bang.

Mộ bà Hoàng Thị Loan được đặt trên mảnh đất nhỏ bằng phẳng, sau lưng là dãy Bạch Tượng sừng sững cao vút. Từ đây, nhìn về phía trước có một quả đồi tròn, người dân địa phương gọi là đồi mâm xôi; chếch về phía phải là làng Kim Liên, nhìn về phía trái là thành phố Vinh; xa xa là dòng sông Lam xanh ngát, hiền hòa. Chúng tôi đứng mải mê ngắm nhìn phong cảnh hữu tình của quê hương Bác mà nhớ đến Người.

Tháng 5 về, hồi tưởng những ngày được về thăm quê hương, gia đình của Bác Hồ kính yêu, chúng con Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi/ Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn (Tố Hữu)./.

Võ Thanh Nghị

Chia sẻ bài viết