Cứ đến mùng 10 tháng 3 Âm lịch thì mỗi người con đất Việt dù đang sinh sống ở nơi đâu cũng luôn nhớ đến ngày Quốc lễ Giỗ Tổ Hùng Vương.
Nghĩ về ngày Giỗ Tổ cũng là nghĩ về sự tiếp nối của truyền thống lịch sử, để làm sao người Việt Nam mỗi thế hệ sẽ góp phần nối dài thêm truyền thống và làm phong phú hơn cho tương lai của dân tộc, của đất nước. Đó cũng là ngày để những người dân Việt Nam hiểu hơn về giá trị của sự bình yên hôm nay có được chính là nhờ sự vun đắp không ngừng nghỉ của cha ông suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm.
Tháng 9/1954, trong buổi gặp mặt, nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong (Sư đoàn 308, Quân đoàn 1) trước khi về tiếp quản Thủ đô Hà Nội tại Đền Giếng trong Khu di tích Đền Hùng, Bác Hồ đã căn dặn: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Lời dạy của Bác tuy dung dị nhưng vô cùng sâu sắc, không chỉ khẳng định công lao to lớn dựng nước và giữ nước của các vua Hùng, của các thế hệ cha ông mà còn là lời nhắc nhở toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta về sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Khắc ghi lời căn dặn của Người, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta kiên quyết giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ Nhân dân; giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta lại càng thấm thía hơn lời căn dặn của Người. “Cùng nhau giữ lấy nước” không chỉ có nghĩa là ra trận chống giặc ngoại xâm mà còn là sự chia sẻ, đoàn kết, “tương thân, tương ái”, cùng nhau vượt qua khó khăn, thiên tai, dịch bệnh để xây dựng đất nước phồn vinh và phát triển bền vững hơn.
Trải qua hàng ngàn năm với những thời kỳ lịch sử khác nhau, Việt Nam - một dân tộc nhỏ bé, đất ít, người cũng không nhiều nhưng đã đánh thắng nhiều kẻ thù xâm lược hùng mạnh.
Và trong những cuộc chiến cam go ấy, có thể thấy, dân tộc ta tuy yếu về lực lượng nhưng lại có sự đoàn kết chặt chẽ - đây là yếu tố quan trọng giúp khơi nguồn sức mạnh Việt Nam.
Nhìn từ thực tiễn, trong những ngày qua, nắng nóng, hạn, xâm nhập mặn xảy ra trên diện rộng khắp các tỉnh, thành phố Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có tỉnh Long An. Lúc này, nước ngọt trở thành thứ quý giá nhất đối với người dân nơi đây. Ngoài những nỗ lực của địa phương nhằm đưa nước sinh hoạt đến người dân, thì những chuyến xe chở nước ngọt miễn phí của các nhà hảo tâm cũng góp phần làm dịu mát tâm hồn của người dân vùng hạn, mặn. Càng trong gian khó, tinh thần đoàn kết của dân tộc càng được thể hiện rõ nét và phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Dù rằng, mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau thì những đòi hỏi, mục tiêu mà chúng ta hướng tới cũng khác nhau nhưng chỉ có tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc thì thời nào cũng thế và ngày càng được củng cố, phát huy. Nhìn về quá khứ để xây đắp hiện tại và hướng tới tương lai.
Vào những ngày này, với mỗi người Việt Nam là dịp để lắng lại và nhớ về nguồn cội, từ đó ra sức học tập, lao động, cống hiến, để xứng đáng với công lao, sự hy sinh của những người đi trước.
Thực hiện lời dạy “cùng nhau giữ lấy nước” của Bác, hiện nay, bên cạnh việc cảnh giác, đề phòng giặc ngoại xâm, kiên quyết đánh trả và chiến thắng mọi kẻ địch; đồng thời, còn phải ra sức đấu tranh với “giặc nội xâm”, đó là nạn tham nhũng, lãng phí, thoái hóa, biến chất của một số cán bộ, đảng viên. Hướng về nguồn cội, tưởng nhớ công ơn của các bậc tiền nhân, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục phát huy truyền thống hào hùng của dân tộc, đoàn kết bảo vệ vững chắc Tổ quốc, xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh.
Nhớ đến ngày Giỗ Tổ, chúng ta càng nhớ đến công ơn “các vua Hùng đã có công dựng nước”, càng thêm tự hào về dòng giống con Lạc, cháu Hồng. Hướng về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là hướng về tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc - yếu tố tạo nên sức mạnh nội sinh của dân tộc trong suốt cuộc trường chinh dựng nước, giữ nước hôm qua, hôm nay và mãi mãi về sau. Hướng về ngày Giỗ Tổ còn góp phần bồi đắp và làm sáng ngời chân lý: “Nước Việt Nam là một. Dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn song chân lý đó không bao giờ thay đổi” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói./.
Hoàng Trà