1. Mùa lũ, nhìn hình ảnh người trai trẻ dong thuyền dọc theo kênh 79, gần khu nhà tập thể để giăng lưới bắt cá vào buổi chiều, ít ai nghĩ đó là một giáo viên. Vì công tác ở vùng sông nước nên sau khi hết giờ lên lớp, thầy Nguyễn Thanh Phong - giáo viên Trường THCS Vĩnh Đại, xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng trở về cuộc sống đời thường với công việc đánh bắt con cá, con tôm, cải thiện bữa ăn hàng ngày. “Đi dạy cả ngày nên tôi ít có thời gian ra chợ. Hôm nào, có xe chở thực phẩm vào bán thì tôi mua. Cũng có hôm, sau giờ lên lớp, tôi giăng lưới bắt cá, mang về nấu ăn với anh đồng nghiệp ở cùng phòng tập thể” - thầy Phong chia sẻ.
Dù còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng thầy Nguyễn Thanh Phong luôn cố gắng giảng dạy thật tốt để các em học tập hiệu quả
Căn phòng tập thể của thầy Phong và đồng nghiệp vỏn vẹn 20m2. Trong phòng, tài sản không có gì ngoài sách, tài liệu, chiếc bàn đặt máy vi tính để soạn giáo án, chiếc giường ngủ và gian bếp nhỏ. Đó là căn phòng tận dụng lại từ những phòng học cũ của trường để các giáo viên ở xa - tỉnh Đồng Tháp, có nơi ăn, chốn ở, thuận lợi trong việc giảng dạy. Dù điều kiện vật chất thiếu thốn nhưng tình thương của các thầy dành cho học trò vùng sâu và tâm huyết với nghề thì luôn đong đầy.
Thầy Phong kể: “Những năm lũ lớn, thầy trò lội nước bì bõm đến trường nhưng vẫn vui. Niềm vui ấy là khi các em chịu khó đến trường, bảo đảm sĩ số lớp. Còn khi trong lớp trống một chỗ ngồi, giáo viên lại buồn. Lúc đó, tôi phải đến nhà vận động học sinh trở lại lớp, tiếp tục học chữ, rèn người. Nhưng ở địa bàn vùng sâu, chuyện đi vận động không dễ dàng, thuận lợi. Chính tình yêu nghề, thương trò là động lực, sức mạnh vượt qua khó khăn”.
Trường hợp bỏ học mà thầy Phong nhắc đến là em N.M.K, học sinh lớp 9/1, do thầy chủ nhiệm. Nhà K. ruộng đất bao la, gia đình khá giả nên ba mẹ muốn em gác chuyện học hành, ở nhà phụ gia đình làm ruộng. Thấy mấy ngày liền, K. không đến lớp, thầy Phong cùng đoàn vận động đến nhà tìm hiểu, động viên để em tiếp tục việc học. “Nhà K. ở ấp Cả Sậy, cách trường 6km, mùa nước nổi phải đi vận động bằng xuồng. Đi lần một không xong, tôi và đoàn trở lại lần hai thì cha mẹ mới đồng ý cho em đi học tiếp. Vận động thành công một học sinh bỏ học quay lại lớp, tôi và cả đoàn đều rất mừng” - thầy Phong kể tiếp.
Ngoài cố gắng duy trì sĩ số lớp, thầy Phong luôn mong muốn học trò học tập hiệu quả. Là giáo viên chủ nhiệm, thầy thường trao đổi với giáo viên bộ môn những trường hợp học sinh học yếu để có hướng khắc phục, giúp các em tiến bộ. Khi quản lý học sinh trong lớp, thầy lưu ý 2 nhóm. “Đó là nhóm học sinh chơi game và nhóm có hoàn cảnh khó khăn. Đây là những em có nguy cơ bỏ học cao nên phải chia nhóm để theo dõi, kịp thời động viên các em cố gắng vươn lên trong học tập. Như vừa rồi, em H.P.S mê chơi game, qua nhiều lần tôi phối hợp gia đình nhắc nhở, em chú tâm vào chuyện học. Còn với học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tôi và nhà trường vận động Hội Phụ huynh học sinh tặng quần áo, sách vở, tạo điều kiện cho các em đến lớp” - thầy Phong chia sẻ.
Còn trong công tác giảng dạy, là giáo viên môn Địa lý, thầy ứng dụng công nghệ thông tin vào bài giảng để tạo hứng thú cho các em trong tiết học. Đặc biệt, thầy thường đặt những câu hỏi nâng cao cho học sinh khá giỏi trả lời, mở rộng kiến thức. Các tiết học cũng trở nên sôi nổi khi được áp dụng phương pháp hoạt động nhóm. Vì vậy, các em thích thú khi học môn Địa lý. Năm học 2015-2016, có 1 học sinh được chọn thi học sinh giỏi môn Địa lý, được thầy Phong tận tình hướng dẫn và đoạt giải 3 cấp huyện.
Thầy Nguyễn Hữu Hùng thường xuyên hỏi thăm em NTĐ - một học sinh từng bỏ học và trở lại lớp sau nhiều lần vận động
2. “Nay em học hành sao rồi? Kết quả học tập đạt tốt chứ?” - thầy Nguyễn Hữu Hùng - giáo viên phổ cập của xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng vẫn thường hỏi thăm em N.T.Đ - học sinh lớp 9, Trường THCS Hưng Điền như thế mỗi khi gặp mặt. Đ. là một trong những trường hợp bỏ học mà phải gian nan, vất vả lắm, thầy Hùng và đoàn mới vận động được em trở lại lớp. Nhà Đ. có điều kiện kinh tế nên ba mẹ lo làm ăn, ít khi quan tâm đến chuyện học hành của con. Thế rồi, em sa đà chơi game, sao lãng chuyện học khi vừa hết chương trình lớp 8.
“Thấy Đ. không đến lớp, tôi cùng đoàn đến nhà vận động. Đến nơi, chỉ có mẹ Đ. tiếp chuyện, còn ba em không ra nói chuyện với đoàn vì ông khăng khăng giữ ý định cho con nghỉ học. Sau gần 10 lần đến nhà, ba mẹ cũng đồng ý cho Đ. trở lại lớp, tiếp tục việc học. Bây giờ, Đ. học rất giỏi. Ba mẹ em còn là nhà tài trợ nước uống hợp vệ sinh cho toàn trường” - thầy Hùng cho biết.
Ở vùng sâu, vùng biên giới, vì trình độ dân trí chưa cao, nhận thức về tầm quan trọng của việc học còn hạn chế nên phụ huynh sẵn sàng cho con nghỉ học giữa chừng. Thầy Hùng kể: “Có gia đình, thấy đoàn vận động đến nhà liền khoát tay bảo rằng, tôi không cho con đi học nữa, thầy cô đừng đến vận động làm gì!”. Chính suy nghĩ này là cái khó cho những người làm công tác phổ cập, vận động học sinh ra lớp. Dù biết khó nhưng thầy Hùng chưa bao giờ nản lòng, vẫn kiên trì năm lần bảy lượt đến nhà vận động, thuyết phục phụ huynh và học sinh. Bởi với thầy, sau hơn 10 năm gắn bó với vùng biên giới Tân Hưng, niềm vui của chàng trai quê xứ Nghệ là được nhìn thấy các em đến trường, học hành chăm chỉ và lớp học luôn đủ sĩ số. Nhưng trong niềm vui vẫn có nỗi buồn. “Sau nhiều lần vận động, dù làm hết lương tâm, trách nhiệm nhưng các em vẫn không quay lại lớp, tôi thấy ray rứt không nguôi” - thầy Hùng nói với giọng buồn buồn.
Năm 2003, khi mới về Trường THCS Hưng Điền công tác, thầy Hùng là giáo viên dạy môn Tin học. Từ năm 2013, thầy chuyển sang làm công tác phổ cập - một công việc khó khăn vì địa bàn rộng, đi lại vất vả, xa xôi. Nhưng những khó khăn ấy, thầy đều cố gắng vượt qua và vận động, mở 4 lớp phổ cập THCS với 28 học viên, 5 lớp phổ cập tiểu học với 21 học viên trong năm học 2015-2016.
“Những lớp phổ cập này thường dạy vào ban đêm vì đa số học viên là lao động chính trong gia đình nên ban ngày bận chuyện mưu sinh. Mấy năm nay, các lớp phổ cập dạy gần trung tâm xã nên đỡ vất vả. Còn những năm trước, tôi xuống tận nhà trưởng ấp ở ấp Gò Chuối, ấp Tre Một,... cách trung tâm xã 5km để đứng lớp phổ cập. Nếu không xuống tận nơi thì lớp phổ cập khó duy trì bởi đường xa, học viên ngại đến lớp. Có trường hợp, tôi đến tận nhà đưa các em đi chụp hình để làm hồ sơ thi và chở đi thi để các em hoàn thành đến nơi, đến chốn những gì đã học” - thầy Hùng bộc bạch.
Biết rằng, gieo chữ ở vùng sâu là đối mặt với khó khăn, vất vả nhưng đã chọn nghiệp “trồng người” ở nơi này thì giáo viên luôn cố gắng làm tròn trách nhiệm. Mỗi năm học, các em lên lớp, tiếp tục con đường học tập là những nhọc nhằn của giáo viên vùng sâu cũng nhẹ, vơi dần./.
Thuỳ Hương