Tiếng Việt | English

27/02/2021 - 06:00

Những “chiến binh” thầm lặng trên tuyến đầu chống dịch

Đã từ lâu, hình ảnh người thầy thuốc trở nên quen thuộc với mọi nhà, mọi người. Ngay từ trong bụng mẹ, lúc cất tiếng khóc chào đời, trở thành đứa bé, đến khi tuổi cao, sức yếu, chúng ta luôn được người thầy thuốc quan tâm, chăm sóc sức khỏe cho đến cuối cuộc đời. Sứ mệnh cao cả của người thầy thuốc chính là bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho mọi người mà không phân biệt giàu, nghèo,…

Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, hình ảnh người “chiến binh áo trắng” thầm lặng càng thân thiết, cao đẹp hơn! Nhiều thầy thuốc quên đi những lo lắng, riêng tư, đi vào vùng dịch, khu cách ly, khu điều trị, ngày đêm trên tuyến đầu chống dịch. Họ tạm thời quên đi gia đình, người thân, lặng nhìn mùa xuân, ngày tết qua khung kính, tập trung công tác chuyên môn, nỗ lực hết mình giành sự sống cho bệnh nhân. Nơi ấy, chỉ một chút sơ suất, họ có thể trở thành bệnh nhân, sức khỏe, tính mạng có thể bị uy hiếp. Nhiều người phải thức trắng đêm, ngày qua ngày khoanh vùng, truy vết, lấy mẫu, xét nghiệm, dập dịch,...

Nhưng vượt lên tất cả, với tấm lòng “thầy thuốc như mẹ hiền”, mỗi người một vai trò, vị trí, tất cả cùng nỗ lực, tận tụy, phát huy cao độ y thuật, y đức, chăm lo sức khỏe nhân dân. Với nghề Y, các thầy thuốc phải nỗ lực học tập và học tập suốt đời, không ngừng cập nhật phương pháp, kiến thức mới. Tất cả chỉ vì muốn làm tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, tạo sự hài lòng cho bệnh nhân, mang lại niềm vui, hạnh phúc cho người dân.

Nghề nào cũng có khó khăn, áp lực nhưng với nghề Y, áp lực rất cao bởi phía sau những buổi hội chẩn, báo động đỏ, ca phẫu thuật, mũi tiêm,… chính là 
sức khỏe, tính mạng của con người nên không thể chủ quan, lơ là trong thực hiện nhiệm vụ. Các thầy thuốc luôn vượt qua áp lực, khó khăn, bởi ngoài tay nghề chuyên môn còn có y đức soi sáng. “Lương y như từ mẫu” là thế!

Long An

Chia sẻ bài viết