Suốt ngày, chẳng mấy khi ông Trần Văn Xanh có mặt ở nhà, không đi vận động thì đi mời họp, tập huấn, giám sát các công trình đang thi công trong ấp, đôi khi là tăng cường lực lượng phát quang, trồng hoa tại các ấp khác trong xã (Ảnh: Ông Xanh hướng dẫn xe xúc dọn dẹp tuyến đường chuẩn bị trồng hoa chào mừng đại hội)
Đồng lòng vì xã hội
Ông Trần Văn Xanh (Trưởng ấp Bình Nam, xã Bình Tâm, TP.Tân An, tỉnh Long An) có dáng người nhỏ, nhanh nhẹn. Giọng nói của ông luôn tạo cho người đối diện cảm giác gần gũi. Suốt ngày, chẳng mấy khi ông có mặt ở nhà, không đi vận động thì đi mời họp, tập huấn, giám sát các công trình đang thi công trong ấp, đôi khi là tăng cường lực lượng phát quang, trồng hoa tại các ấp khác trong xã.
Những ngày chuẩn bị Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, ông còn tham gia trực đêm cùng lực lượng công an xã để bảo đảm an ninh, trật tự tại địa phương. Mỗi ngày, vợ chồng ông chỉ gặp nhau trong bữa cơm chung. Có vẻ ông là người của công việc và xã hội.
Bà Trương Thị Nhi (vợ ông Xanh) cười nói: “Thực ra ông ấy rất quan tâm tới gia đình. Mấy mươi năm nay, ông là người trách nhiệm và yêu thương vợ con”. Mắt bà lấp lánh niềm vui khi kể về việc năm nào gia đình cũng tổ chức tiệc kỷ niệm ngày cưới và sinh nhật cho các thành viên trong nhà.
Bà nói thêm: “Hồi đó giờ, hễ ông ấy có đi đâu, ăn được món gì ngon đều mua về cho cả nhà. Và đặc biệt, ông đi xa về thì vợ con đều có quà!”. Niềm vui hiện trên nụ cười và ánh mắt của bà.
Ông Xanh là Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Bình Nam, công an viên phụ trách ấp Bình Nam, tính ông nhiệt tình, nghĩ nhiều cho người khác nên lúc nào cũng bận rộn và luôn “rộng rãi” với mọi người. Hỏi bà Nhi có khi nào cảm thấy chạnh lòng vì điều đó, bà cười: “Tui với ổng như tay phải tay trái, đồng thuận cùng nhau làm, vui vẻ ủng hộ nhau”. Bà Nhi hiện là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Bình Nam, y tế ấp và cộng tác viên dân số, cũng là người nhiệt tình với công tác xã hội, muốn đem đến niềm vui cho người khác.
Chính vì điều đó, ông bà luôn là mạnh thường quân tích cực của địa phương. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2020 đến nay, gia đình ông tổ chức 5 đợt tặng quà với tổng kinh phí gần 40 triệu đồng. Đó là những phần quà dành tặng trẻ em dịp Trung thu, người khó khăn trong đợt cách ly xã hội do dịch bệnh Covid-19, người cao tuổi,…Hiện nhà ông vẫn đang trữ sẵn đường, sữa chuẩn bị cho đợt tặng quà sắp tới.
Nói về những đóng góp của mình, ông Xanh bộc bạch: “Vợ chồng tôi vốn vất vả từ nhỏ, giờ đây, cuộc sống ổn định nên cũng muốn giúp đỡ người khác. Nhờ có một ít đất thuộc diện quy hoạch nên sau khi nhận đền bù, tôi gửi số tiền đó vào ngân hàng, dùng tiền lãi hàng tháng gom góp giúp đỡ được ai thì giúp”. Còn vợ chồng ông với chút tiền phụ cấp nho nhỏ cho các công việc đang đảm nhiệm đã gọi là đầy đủ.
Đang trò chuyện, nhìn đồng hồ thấy đến giờ phát thanh, ông nhắc bà xuống đọc thông báo nhắc người dân treo cờ. Trước đây, khi UBND xã vận động người dân hiến đất làm trạm phát thanh, vợ chồng ông đã tình nguyện hiến đất và nhận nhiệm vụ bật đài phát thanh mỗi ngày. Khi nào có thông báo đột xuất như thông báo treo cờ vào Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh, bà Nhi sẽ trực tiếp đọc thông báo trên đài. Ông Xanh hào hứng kể: “Bà ấy ngày xưa làm thuyết minh cho xưởng phim nên giọng hay lắm!”.
Bà Nhi đọc thông báo treo cờ chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh
Gìn giữ nền tảng gia đình
Ông Xanh và bà Nhi có 3 người con gái, các chị đều có công việc và gia đình ổn định, là niềm tự hào của vợ chồng ông. Ông Xanh vui vẻ kể, dù cuộc sống vất vả nhưng các con ông đều tốt nghiệp đại học, con rể ông có người là đảng viên. Bà Nhi nói thêm: “Mấy đứa rất quan tâm tới cha mẹ. Lâu lâu tập trung về ăn bữa cơm chung, sinh nhật hay ngày kỷ niệm đều mua hoa, mua bánh về cho cha mẹ. Thực ra, tuổi già chỉ cần như thế để thấy được tình cảm và sự quan tâm”. Trong nhà, hai lọ hoa hồng mừng sinh nhật bà vẫn còn tươi.
Chính những cá nhân, gia đình như thế đã tạo nên nền tảng xã hội vững chắc và là "hạt nhân" tiêu biểu trong phong trào TDĐKXDĐSVH. Họ là những người hết sức bình dị với những việc làm có vẻ giản đơn nhưng chẳng hề đơn giản.
Ông Trần Văn Bảy, ngụ khu phố Cầu Xây, thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa, cho biết, ông không nhớ rõ mình đã hòa giải cho bao nhiêu gia đình trong suốt mấy mươi năm đảm nhiệm vị trí Trưởng ban Công tác Mặt trận tại khu phố. Khi có xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp, ông Bảy tùy từng trường hợp khác nhau mà có cách xử trí riêng. Khi thì ông đến ngay gia đình đang xảy ra mâu thuẫn, “giải vây” cho người yếu thế và “làm nguội cơn giận” của người kia. Lúc ông lại “vỗ vai” tâm sự thân tình trong một cuộc gặp gỡ tình cờ. Sự chân thành, uy tín của ông Bảy đã khiến những mâu thuẫn được hóa giải và các gia đình (đặc biệt là gia đình trẻ) gìn giữ được sự ấm êm.
Theo ông Bảy, để làm tốt được công tác hòa giải cần phải hiểu được tâm tư của người dân, khi nói chuyện phải có tình, có lý. Việc vận dụng luật một cách cứng nhắc có thể sẽ phản tác dụng trong các trường hợp mâu thuẫn gia đình. Và một điều đặc biệt, người làm công tác hòa giải phải là người có uy tín tại địa phương. Ở khu phố Cầu Xây, ai cũng biết ông Bảy là người nhiệt tình vì lợi ích chung. Gia đình ông mấy mươi năm nay vẫn giữ sự ấm êm, các con học hành thành đạt, kinh tế gia đình ổn định. Sự gương mẫu đó giúp ông Bảy được người dân quý trọng. Ông luôn quan niệm, muốn khuyên giải được người, trước tiên mình phải làm tốt. Trong gia đình, ông và vợ luôn nhường nhịn nhau, “cơm sôi bớt lửa”, góp ý nhẹ nhàng. Trong các cư xử với xóm giềng, ông Bảy cũng giữ sự hòa thuận, chuẩn mực. “Đó chính là cách giáo dục con hiệu quả nhất” - ông Bảy nhận định.
Làm công tác tham mưu nên anh Nguyễn Ngọc Phát luôn yêu cầu bản thân nắm rõ tình hình kinh tế, văn hóa của toàn tỉnh và đặc điểm riêng của từng địa phương để văn bản tham mưu có thể sát thực tế và áp dụng có hiệu quả
Sự nhiệt tình của người cán bộ
Là cử nhân quản lý văn hóa, anh Nguyễn Ngọc Phát (Phó Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình - Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch) có gần 10 năm công tác chuyên về mảng Xây dựng nếp sống văn hóa nên hầu như mọi thông tin, số liệu liên quan đến phong trào, anh đều nắm rõ. Làm công tác tham mưu nên anh Phát luôn thận trọng trong việc soạn thảo các văn bản, nắm rõ tình hình kinh tế, văn hóa của toàn tỉnh và đặc điểm riêng của từng địa phương để văn bản tham mưu có thể sát thực tế và áp dụng có hiệu quả. Ngoài ra, anh còn tập trung nghiên cứu nhiều văn bản chuyên ngành. Các mô hình hay, cách làm hiệu quả của tỉnh bạn cũng được anh Phát ghi chú lại làm cơ sở tham khảo cho công tác tham mưu.
Những văn bản anh tham mưu có thể kể đến như Quyết định số 3082/QĐ-UBND, ngày 01/10/2012 của UBND tỉnh về việc Ban hành quy chế công nhận các danh hiệu phong trào TDĐKXDĐSVH trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2012-2015; Quyết định số 3182/QĐ-UBND, ngày 01/8/2016 của UBND tỉnh về việc ban hành quy chế công nhận các danh hiệu phong trào TDĐKXDĐSVH trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2016-2020; Công văn số 502-CV/TU, ngày 29/8/2016 của Tỉnh ủy về việc nâng cao chất lượng phong trào TDĐKXDĐSVH.
Anh Phát cũng là người tham mưu lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tham mưu UBND tỉnh triển khai xây dựng và nâng cao chất lượng danh hiệu xã, phường, thị trấn đạt chuẩn văn hóa (là đơn vị đầu tiên cả nước triển khai mô hình danh hiệu này) mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Ngoài công tác tham mưu, anh Phát còn là người trực tiếp hướng dẫn cơ sở thực hiện phong trào, góp phần mang lại hiệu quả thiết thực cho phong trào TDĐXDĐSVH.
20 năm qua, phong trào TDĐKXDĐSVH của tỉnh đã làm chuyển biến nhận thức, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc như: Tinh thần tương thân, tương ái, tình làng, nghĩa xóm, giúp nhau phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, giảm nghèo,… Đó là “quả ngọt” cho những nỗ lực, cố gắng của từng cá nhân trong xã hội, đặc biệt là những “hạt nhân” nổi bật như gia đình ông Xanh, ông Bảy và anh Phát./.
Quế Lâm