Tiếng Việt | English

09/04/2016 - 06:13

Những nghi lễ chính trong Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer Nam Bộ

Lễ Chôl Chnăm Thmây có nghĩa là “Vào năm mới” (còn gọi là lễ chịu tuổi) là Tết Cổ truyền của người Khmer. Hằng năm, tết diễn ra trong 3 ngày từ 13 đến 15 tháng 4 dương lịch (tức đầu tháng Chét của người Khmer) - đây là lúc giao mùa giữa mùa nắng và mùa mưa ở Nam bộ. Giai đoạn này trời đất giao hòa, cỏ cây trở nên tươi tốt đầy sức sống. Sự đâm chồi nảy lộc của cỏ cây được người Khmer quan niệm như là sự khởi đầu của một năm mới, gọi là Chôl Chnăm Thmây.

Ngày thứ ba, sau khi dâng cơm sáng cho các vị sư ở chùa, mọi người làm lễ tắm tượng Phật bằng nước có ướp hương thơm Ảnh tư liệu

Điều thú vị nhất là tết này không cố định ngày. Hằng năm, các nhà thiên văn dựa vào vòng quay của trái đất quanh mặt trời trong một năm để định ra ngày, giờ cụ thể tổ chức tết trong năm đó. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, cứ sau tiết thanh minh khoảng 7-10 ngày là diễn ra Lễ Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer.

Trong những ngày lễ này, có nhiều nghi lễ, phong tục đến nay vẫn được lưu truyền giống như Tết Nguyên đán của người Việt.

Ngày thứ nhất gọi là Thngay Chôl Chnăm Thmây (lễ rước “Mâh Sangkran mới”): Lễ này có thể tổ chức sớm hay muộn trong ngày, miễn là chọn đúng giờ tốt, theo quan niệm của người Khmer. Mọi người được tắm gội, mặc quần áo đẹp, mang nhang đèn, lễ vật đến chùa dâng lên các vị sư và được nghe các vị chúc tụng năm mới.

Dưới sự điều hành của ông Acha, mọi người xếp hàng đi vòng quanh chính điện 3 lần để làm lễ chào mừng năm mới. Đêm lại, nghe các vị sư tụng kinh cầu an năm mới, cầu cho “Quốc thái dân an” và hưởng được 4 pháp của đức Phật (sống lâu, sắc đẹp, an vui và sức mạnh). Sau đó, thanh niên nam nữ cùng nhau múa hát trước sân chùa.

Ngày thứ hai gọi là Thngay Von-boch: Mỗi gia đình làm lễ dâng cơm buổi sớm và buổi trưa cho các vị sư sãi. Theo đạo Phật tiểu thừa, các ngày lễ tín đồ đi chùa lạy Phật có bổn phận mang cơm và thức ăn dâng cho sư sãi và lắng nghe các vị chúc tụng, cầu an, thuyết pháp giảng đạo, rồi các thanh niên nam nữ vui chơi trước sân chùa.

Buổi chiều, người ta làm lễ “đắp núi cát” (Puôn phnôm khsach) ngay tại khuôn viên chùa, để mong gặp được điều lành. Tập tục này cũng bắt nguồn từ một sự tích của một thợ săn bắn gắn với ma thuật cầu mùa của người xưa.

Trong ba ngày Lễ Chôl Chnăm Thmây, trai, gái người Khmer tham gia các cuộc hát đối đáp aday, hát dùkê, múa rômvông, lâm thôn  Ảnh tư liệu

Ngày thứ ba gọi là Thngay Lơn-săk (ngày thêm tuổi): Đây là ngày chánh cũng là ngày cuối tết. Tương tự như hai ngày đầu, sau khi dâng cơm sáng cho các vị sư ở chùa, mọi người làm lễ tắm tượng Phật bằng nước có ướp hương thơm. Sau đó, tắm cho các vị sư cao niên ở chùa, nhằm rửa sạch hết cái cũ, những bụi bặm của trần thế để bước sang năm mới với một thân thể sạch sẽ và hoàn toàn mới.

Tiếp đó là lễ cầu siêu (Băng Skôl), các vị sư được mời đến tháp lưu giữ hài cốt của những người quá cố để cầu kinh, mong vong linh của họ sớm được siêu thoát. Đến trưa, mọi người về nhà để làm lễ tắm tượng Phật thờ trong từng gia đình, để tỏ lòng tưởng nhớ và biết ơn đức Phật.

Sau đó, mọi người chúc mừng cha mẹ, ông bà, dâng bánh trái để tạ ơn, đồng thời cũng để rửa những điều không may của năm cũ để sang năm mới vạn sự như ý. Tết Chôl Chnăm Thmây được kết thúc.

Trong ba ngày Lễ Chôl Chnăm Thmây, người Khmer còn đi thăm hỏi, mừng tuổi năm mới cho nhau, chúc nhau sức khỏe, cuộc sống yên vui, phát đạt. Tối đến các cụ già kể chuyện thần thoại, cổ tích cho con cháu. Gái, trai tham gia các cuộc hát đối đáp aday, hát dùkê, múa rômvông, lâm thôn.

Tết Cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của cộng đồng người Khmer ngày nay vẫn còn lưu giữ những phong tục lễ, tết rất độc đáo. Với họ, tấm lòng kính Phật là một đức tin bất di bất dịch, bởi trong tư duy đơn giản của mọi người, đức Phật từ bi là trên hết./.

Tố Nguyên

Chia sẻ bài viết