“Một đời người - một dòng sông...
Mấy ai làm kẻ đứng trông bến bờ,
“Muốn qua sông phải lụy đò”
Đường đời muôn bước cậy nhờ người đưa…”.
Học sinh lớp cô Nguyễn Thị Bạch Tuyết năng động, tự tin
Dẫu có gian nan cũng bám trường, bám lớp
33 năm gắn bó với nghề, trải qua bao thăng trầm nhưng cô Nguyễn Thị Bạch Tuyết, hiện là giáo viên Trường Tiểu học Nhị Thành (xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) vẫn quyết tâm bám trường, bám lớp bởi lòng yêu nghề, mến trẻ.
“Chân ướt chân ráo” bước vào nghề, cô Tuyết được phân công dạy ở một trường vùng sâu tại huyện Mộc Hóa. Năm 1987, điều kiện dạy học và sinh hoạt ở đó còn muôn vàng khó khăn. Từng sống ở Đức Hòa - vùng gò với nhiều thuận lợi, không biết lũ là gì thì cô phải thích nghi với môi trường sông nước. Cô Tuyết kể: “Không có đường bộ đi vào trường, tôi phải di chuyển bằng xuồng. Mỗi lần về quê là vất vả và tốn thời gian. Nhà ở tập thể thì gần sông, trống trước, trống sau, cửa cũng không chắc chắn. Điều kiện lớp học khó khăn, mùa mưa, lũ là cô trò xắn quần lên, lội nước để dạy và học”.
Vất vả như thế nên nhiều đồng nghiệp quyết định bỏ nghề nhưng cô Tuyết vẫn kiên trì bám trường, bám lớp. Bởi, cô trót yêu sự mộc mạc, ngây thơ của những cô, cậu học trò vùng quê ấy, đặc biệt là tình cảm của các em và phụ huynh dành cho cô và các thầy, cô khác. “Phụ huynh tuy nghèo nhưng rất quý trọng giáo viên, nhà có gì ngon đều dành tặng thầy, cô. Tôi trân quý lắm. Chính tình cảm ấy đã níu chân tôi ở lại trường, lớp” - cô Tuyết tâm sự.
Thời gian khó qua đi, cô Tuyết càng thêm yêu và trân trọng nghề mình lựa chọn. Trong quá trình giảng dạy, cô luôn chú trọng giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh. Ngay từ ngày đầu nhận lớp, cô Tuyết bắt tay rèn học sinh tính kỷ luật, lễ giáo, ứng xử,... Những học sinh chưa ngoan, cô lựa lời nhắc nhở, động viên các em sửa đổi.
Cô Tuyết trải lòng: “Muốn dạy học sinh, mình phải là tấm gương sáng. Mình nói năng chuẩn mực các em sẽ học theo và nghe lời dạy của mình. Tôi luôn quan sát, lắng nghe những câu chuyện, cách ứng xử của các em. Những em có cách ứng xử chưa đúng, tôi sẽ trò chuyện để giải thích đúng, sai cho các em hiểu và thay đổi tích cực”.
Nhờ sự tận tụy, lớp của cô không chỉ học giỏi mà còn chăm ngoan. Và 33 năm gắn bó với nghề, lớp cô Tuyết chưa có học sinh nào không hoàn thành chương trình năm học. Từ những nỗ lực ấy, cô Tuyết được ghi nhận với nhiều thành tích như bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh năm 2018, năm 2020 được đề nghị xét tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.
Hết lòng vì học sinh thân yêu
Từ nhỏ, cô Nguyễn Thị Thúy Diễm, giáo viên Trường Tiểu học Việt Lâm (xã Thanh Vĩnh Đông, huyện Châu Thành) đã ước mơ trở thành cô giáo. Ước mơ ấy lớn dần theo thời gian và khi thực sự trở thành cô giáo, cô Diễm càng yêu và trân quý nghề mình chọn. Gắn bó với nghề từ năm 1992, trải qua không ít vất vả nhưng cô Diễm chưa bao giờ nản lòng. Trong quá trình giảng dạy, cô luôn hết lòng với học sinh. Trước khi nhận lớp, cô Diễm tìm hiểu tính cách, năng lực, sở trường của từng em để hiểu và có phương pháp giáo dục hiệu quả hơn. Tùy nội dung bài học, cô Diễm chọn cách dạy phù hợp. Các em có thể làm việc cá nhân, nhóm hoặc thông qua các trò chơi để rút ra nội dung bài học. Cô cũng thường xuyên áp dụng công nghệ thông tin, tranh, đồ dùng dạy học tự làm để tiết học thêm sinh động.
Cô Diễm chia sẻ: “Áp dụng nhiều phương pháp dạy học tích cực vào các bài giảng, học sinh hứng thú học tập hơn. Học sinh phát huy được khả năng tư duy, sự nhạy bén và tự tin thể hiện hiểu biết của mình”.
Bên cạnh đó, cô Diễm còn quan tâm những học sinh gặp khó khăn trong học tập. Ngoài theo sát, hướng dẫn tận tình cho các em, cô còn xây dựng đôi bạn học tập. Theo đó, một học sinh học tốt sẽ cùng học với một học sinh học chưa tốt. Nhờ cách làm này, các em học chưa tốt dần tiến bộ. Tình bạn giữa những học sinh trong lớp cũng thêm bền chặt.
Cô Nguyễn Thị Thúy Diễm luôn quan tâm đến từng học sinh
Với những nỗ lực của mình, cô Diễm 3 lần nhận được bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh. Đặc biệt, năm 2020, cô Diễm được đề nghị xét tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.
Người mẹ thứ 2
18 năm gắn bó với nghề, cô Hà Thị Thanh Huyền, giáo viên Trường Tiểu học Mai Thị Non (thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức) luôn xem học sinh như những đứa con của mình. Bằng tấm lòng người mẹ, cô Huyền tận tụy dìu dắt từng thế hệ học trò.
Nghề giáo đến với cô Huyền như cái duyên định sẵn. Năm học lớp 5, cô Huyền đã xác định nghề giáo là ước mơ tương lai. Càng trưởng thành, ước mơ ấy càng lớn. Được trở thành giáo viên tiểu học như mơ ước nên cô luôn nhắc nhở bản thân phải hết lòng với nghề đã chọn và dạy học sinh bằng tất cả cái tâm người giáo viên. Cô Huyền tâm sự: “Không truyền thụ kiến thức một chiều, tôi luôn chọn phương pháp tương tác với các em. Cô trò cùng thảo luận và rút ra nội dung bài học. Tôi khuyến khích các em nói lên suy nghĩ của mình dù điều đó đúng hay sai. Mỗi lần như thế, các em mạnh dạn, tự tin và có chính kiến riêng. Với cách học này, học sinh nhớ bài kỹ hơn và phát huy được năng lực, sở trường của bản thân”.
Cô Hà Thị Thanh Huyền luôn xem học sinh như con của mình
Bên cạnh dạy học, cô Huyền còn chú trọng rèn chữ viết cho học sinh. Theo đó, trên bảng cô Huyền luôn viết chữ đúng chuẩn quy định để học sinh noi theo. Đồng thời, tùy theo chữ cái cô Huyền sáng tạo thêm cách viết đẹp để các em tham khảo và tự sáng tạo cho riêng mình. Sau khi các em viết trong tập, cô Huyền tận tình hướng dẫn, góp ý để chữ các em ngày càng đẹp hơn. Cô Huyền trải lòng: “Có câu “Nét chữ nết người” nên với trách nhiệm của giáo viên, tôi muốn rèn cho tất cả học sinh của mình có nét chữ đẹp. Thông qua việc rèn chữ, các em học được tính kiên nhẫn, cẩn thận và tư duy trong trình bày để có quyển tập sạch, đẹp”.
Nhờ sự tận tụy ấy, cô Huyền được ghi nhận với nhiều thành tích như: Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh năm học 2011-2012, bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh năm 2018 và năm 2020 được đề nghị xét tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.
Lặng lẽ cống hiến, ngược xuôi trên những “chuyến đò” tri thức, các thầy, cô giáo không cần sự đền đáp mà chỉ mong học trò của mình trưởng thành, trở thành người có ích cho xã hội./.
Ngọc Thạch