Tiếng Việt | English

22/11/2018 - 14:37

Những người “đưa đò” tận tụy - Bài cuối: Chủ động xin về vùng sâu

Nghề dạy học được xem là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Bởi, những thầy giáo, cô giáo luôn yêu nghề, mến trẻ, dạy học bằng cả cái tâm và cống hiến hết sức mình vì học sinh thân yêu. Họ như những con đò âm thầm, lặng lẽ đưa từng thế hệ học trò đến bến bờ tri thức.

“Học sinh (HS) ở đâu cần thì mình đến đó dạy”. Đó là lời chia sẻ chân thành của cô Huỳnh Thị Tuyết Mai - giáo viên (GV) môn Giáo dục công dân, Trường THPT Tân Hưng (huyện Tân Hưng, tỉnh Long An). Cô Mai là một trong những GV chủ động làm đơn xin về vùng sâu công tác. Đến nay đã 22 năm trôi qua, cô Mai vẫn chưa một lần hối hận với quyết định của mình.

Nghề dạy học được xem là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Bởi, những thầy giáo, cô giáo luôn yêu nghề, mến trẻ, dạy học bằng cả cái tâm và cống hiến hết sức mình vì học sinh thân yêu. Họ như những con đò âm thầm, lặng lẽ đưa từng thế hệ học trò đến bến bờ tri thức.

Cô Huỳnh Thị Tuyết Mai vì nặng lòng với học sinh vùng sâu mà luôn bám trường, bám lớp

Chấp nhận khó khăn, vất vả

Theo nguyện vọng, năm 1996, cô Mai được phân công về công tác tại Trường Phổ thông cơ sở thị trấn Tân Hưng. Khi ấy, cơ sở vật chất của trường rất khó khăn. Phòng học là những căn nhà mái tole, vách lá, trang thiết bị dạy học còn nhiều thiếu thốn.

Cô Mai tâm sự: “GV, HS thời ấy khó khăn, vất vả lắm! Cơ sở vật chất thiếu thốn, bàn ghế cũ, xuống cấp nhiều. Không chỉ vậy, trường còn thiếu phòng học nên GV, HS phải dạy và học ca 3. Điều kiện đi lại thì càng khó khăn hơn. Không có đường bộ đi thẳng từ nhà đến trường, đa số HS phải tự chèo xuồng đi học. Ngoài ra, trường học sát mé sông, mùa lũ đến là trường bị ngập, HS phải nghỉ học. Hành trình tìm con chữ của HS Tân Hưng thời ấy rất gian nan”.

Không chỉ HS, cô Mai và đồng nghiệp cũng gặp không ít khó khăn. Con đường từ nhà đến trường chỉ hơn 1km nhưng cô phải mất khá nhiều thời gian mỗi khi mùa mưa, lũ đến. Bởi, cô phải đi bộ trên con đường sình lầy và qua một vài cây cầu khỉ trơn trợt mới đến được trường. Nhớ lại kỷ niệm, cô Mai kể: “Đường giao thông thuận tiện và phổ biến nhất của Tân Hưng thời ấy là đường thủy. Đi đâu người dân cũng dùng xuồng hoặc đón tàu chở khách. Mỗi lần tôi đi công tác ở tỉnh hay về quê thăm gia đình là mất ít nhất 3 ngày. Trong đó, chỉ có 1 ngày làm việc hoặc ở nhà, còn lại là 1 ngày đi và 1 ngày về. Lúc ấy, 1 ngày hầu như chỉ có 1 chuyến tàu đi ra khỏi huyện và về lại huyện, do đó, ai muốn đi ra ngoài huyện là phải dậy sớm để canh tàu đi qua”.

Khó khăn, vất vả là vậy nhưng cô Mai chưa một lần muốn xin chuyển công tác về quê nhà - huyện Châu Thành. Bởi, cô đã trót thương và nặng lòng với HS Tân Hưng nên dù gian nan đến đâu cô cũng chấp nhận.

Quan tâm giáo dục đạo đức học sinh

Là GV dạy môn Giáo dục công dân, cô Mai luôn xác định rõ trách nhiệm của mình là phải giáo dục HS có nhân cách tốt. Thông qua bài học, cô lồng ghép giáo dục đạo đức HS bằng cách xử lý tình huống, những câu chuyện thực tế.

Theo cô Mai: “Đạo đức là cửa ngõ để mở lối tài năng. Khi HS có đạo đức, nhân cách, phẩm chất tốt thì sẽ nhận thức được ý nghĩa của việc học, từ đó nỗ lực và ra sức học tập để sau này phụng sự xã hội”. Với suy nghĩ đó, cô Mai ứng dụng nhiều phương pháp giảng dạy tích cực nhằm tích hợp kỹ năng sống, giáo dục đạo đức vào môn học của mình. Bằng những bài học gần gũi, cô rèn HS một kỹ năng để nâng cao hiệu quả về hoạt động nhận thức, ứng xử và xử lý tình huống trong cuộc sống.

Ngoài ra, cô Mai còn chú trọng giáo dục HS chưa ngoan, đặc biệt là HS lớp cô chủ nhiệm. Đầu tiên, cô xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý lớp có uy tín, trách nhiệm và nhiệt tình với lớp. Đồng thời, cô sử dụng linh hoạt hình thức khen thưởng cũng như xử lý HS vi phạm để các em vừa sợ, vừa kính nể. Cô tạo mối quan hệ tốt với HS, GV bộ môn và phụ huynh để có sự phối hợp chặt chẽ trong việc giáo dục HS chưa ngoan.

Cô Mai tâm sự thêm: “Sự đồng thuận của HS, GV bộ môn và phụ huynh sẽ tạo thành “dòng chảy” xuôi, giúp HS chưa ngoan được quan tâm từ nhiều phía. Đối với tôi, giáo dục HS quan trọng và hiệu quả nhất là bằng con đường tình cảm. Vì khi chúng ta trao yêu thương thì mới mong nhận lại yêu thương. Và cách giáo dục này cũng là cách “chữa bệnh” từ gốc. Bởi, khi các em cảm nhận được tình thương và sự chân thành sẽ hiểu và thật tâm thay đổi để trở thành người tốt, xứng đáng với những người thương yêu các em”.

Nhờ gắn bó và yêu nghề bằng cả trái tim, HS lớp cô Mai chủ nhiệm luôn ngoan và đoàn kết. Những HS chưa ngoan dần sửa đổi và hòa nhập với tập thể lớp. Đó cũng là những yếu tố quan trọng giúp lớp cô học giỏi và đi đầu trong nhiều phong trào thi đua của trường.

Những nỗ lực và đóng góp của cô Mai được ghi nhận bằng những thành tích nổi bật: Nhiều năm liền là GV dạy giỏi, Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; GV dạy giỏi cấp tỉnh năm 2012, nhiều bằng khen của UBND tỉnh. Đặc biệt, năm 2017, cô Mai vinh dự nhận được bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.

Ở mỗi cấp học, GV có một niềm vui và sự vất vả riêng nhưng tất cả đều có một điểm chung là tình yêu nghề, mến trẻ và hết lòng tận tụy với công việc để làm tròn sứ mệnh “người lái đò đưa khách sang sông”./.

Ngọc Thạch

Chia sẻ bài viết