Tiếng Việt | English

27/07/2020 - 13:45

Những người Mẹ Việt Nam Anh hùng

Dù chiến tranh đã lùi xa nhưng vết thương lòng của những người mẹ Việt Nam có con hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc vẫn còn âm ỉ. Giờ đây, thật vui mừng khi ở tuổi xế chiều, các mẹ đang được sống vui vầy, thanh thản trong sự chăm sóc và tình yêu thương của con cháu.

Mẹ Huỳnh Thị Hạt vẫn mong chờ tin con từng ngày, từng giờ

Mẹ Huỳnh Thị Hạt vẫn mong chờ tin con từng ngày, từng giờ

Những ký ức vẫn còn vẹn nguyên

Trong những ngày cuối tháng 7, tôi tìm về xã Long Hiệp, huyện Bến Lức thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) Huỳnh Thị Hạt, có chồng và con hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước. Ở tuổi 90, tóc mẹ giờ đã bạc, trí nhớ cũng kém dần nhưng nỗi đau chiến tranh vẫn chưa thể nguôi ngoai trong ký ức của mẹ Khi đất nước bị thực dân, đế quốc xâm lược, cũng như bao người vợ, người mẹ khác, mẹ Hạt lặng lẽ tiễn chồng và con đi chiến đấu.

Năm 1963, người con trai đầu của mẹ là Phạm Văn Cõi (SN 1949) xung phong lên đường nhập ngũ. Đêm trước ngày anh Cõi vào chiến trường, mẹ không sao chợp mắt được. Mẹ còn nhớ rõ, lúc lên đường, anh Cõi có dặn “Mẹ ở nhà cứ yên tâm. Con cùng hàng triệu thanh niên khác sẽ nhất định trở về khi đất nước thống nhất”. Bao ngày anh đi là bấy nhiêu thời gian mẹ đằng đẵng chờ đợi. Nỗi nhớ con hiện hữu trong từng bữa ăn, giấc ngủ. Nhưng đã mấy chục năm trôi qua, anh vẫn không trở về.

Mẹ vẫn còn nhớ như in cái ngày mẹ nhận được giấy báo tử của anh, hôm ấy là một ngày cuối năm 1968, mẹ cùng những người con gái đi tảo mộ chồng thì nhận được tin dữ. Cô Phạm Thị Tiếm - con gái út của mẹ Hạt, kể lại: “Hôm ấy, khi đang đi tảo mộ cha thì có người gửi cho mẹ một tờ giấy. Sau khi đọc, đôi mắt mẹ tôi như vô hồn, rồi mẹ ngất lịm đi. Đến lúc ấy thì mấy chị em tôi mới biết được là người ta gửi giấy báo tử của anh hai về cho mẹ. Tôi vẫn còn nhớ, giấy báo tử ghi rằng anh tôi mất trong một trận đánh ở Biên Hòa (Đồng Nai) trong Chiến dịch Mậu Thân 1968. Tuy nhiên, sau nhiều lần tìm kiếm, đến nay gia đình vẫn chưa tìm được mộ của anh hai”.

Giờ đây, ước nguyện duy nhất của Mẹ Hạt là tìm thấy phần mộ của người con liệt sĩ để đưa về an táng gần với gia đình. Mẹ Hạt chia sẻ: “Đau thương lắm nhưng mẹ cũng rất tự hào vì sự hy sinh của chồng và con được đền đáp xứng đáng bằng hòa bình, độc lập của dân tộc và sự phát triển đi lên của đất nước sau ngày giải phóng. Mẹ cũng được an ủi phần nào khi cuối năm 2014 được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà Mẹ VNAH”.

Chia tay mẹ Hạt, tôi tiếp tục theo chân cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức đến thăm Mẹ VNAH Lê Thị Khởi (SN 1912). Mặc dù đã hơn 100 tuổi nhưng Mẹ vẫn còn minh mẫn lắm. Đang nằm nghỉ nhưng thấy chúng tôi vào thăm, mẹ vẫn gắng ngồi dậy. Dẫu giờ đây mẹ không còn nghe được rõ, những chuyện ngày trước cũng có đoạn nhớ đoạn quên nhưng chắp nối câu chuyện, chúng tôi phần nào hiểu được những điều mẹ muốn nói.

Được biết, mẹ có tất cả 10 người con, trong đó có 2 người con đã hy sinh là liệt sĩ Huỳnh Văn By (SN 1948) và Huỳnh Văn Thượng (SN 1947). Năm 1963, chàng trai trẻ Huỳnh Văn By khi ấy vừa tròn 15 tuổi đã tự nguyện xin tham gia vào lực lượng bộ đội của huyện Thủ Thừa. Đến năm 1969, trong một trận đánh ác liệt với kẻ thù, anh đã anh dũng hy sinh. Sau đó, người con thứ 5 của mẹ là Huỳnh Văn Thượng cũng tham gia vào lực lượng cách mạng địa phương và hy sinh trong năm 1969.

"Cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt lắm, hàng triệu người hy sinh. Có nhiều gia đình hy sinh không còn một ai. So với những khó khăn, gian khổ mà đất nước mình đã trải qua thì sự đóng góp của gia đình mẹ chỉ là một phần nhỏ" - mẹ Khởi bày tỏ.

Mẹ Lê Thị Khởi dù đã hơn 100 tuổi những vẫn còn rất minh mẫn, thường xuyên nhắc nhở con cháu tiếp nối truyền thống anh hùng của cha ông

Mẹ Lê Thị Khởi dù đã hơn 100 tuổi những vẫn còn rất minh mẫn, thường xuyên nhắc nhở con cháu tiếp nối truyền thống anh hùng của cha ông

Dặn dò con cháu phát huy truyền thống

Tần tảo nuôi con, rồi âm thầm tiễn đưa những người thân yêu của mình đi theo cách mạng, giải phóng quê hương và trông ngóng ngày họ trở về, bản thân các mẹ cũng là những “chiến sĩ thầm lặng” kiên cường, không khuất phục trước kẻ thù. Do vậy, dù tuổi cao, sức yếu nhưng các mẹ luôn toát lên khí chất của người phụ nữ Việt Nam “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”.

“Mỗi lần các cháu đoàn viên, thanh niên của xã đến thăm, trò chuyện với mẹ, mẹ luôn căn dặn các cháu phải ghi nhớ truyền thống của các bậc cha ông để nỗ lực, phấn đấu hơn nữa trong công việc và cuộc sống” - cô Phạm Thị Tiếm - con gái út của mẹ Hạt, nói.

Các mẹ đã sinh ra, nuôi dưỡng những người con anh dũng, kiên cường cho Tổ quốc, để đất nước có được hòa bình, độc lập, thống nhất ngày hôm nay. Sự hy sinh thầm lặng của các mẹ đã góp phần không nhỏ làm nên những trang sử vàng của dân tộc.

Đối với các con, mẹ Khởi luôn là trụ cột, chỗ dựa tinh thần của cả gia đình. Trong cuộc sống thường ngày, mẹ luôn răn dạy con, cháu phải luôn phát huy truyền thống  cách mạng, chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tích cực lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, trong gia đình phải kính trên, nhường dưới, đối với bạn bè, làng xóm phải hòa nhã, thân thiện.

Mặc dù tuổi trẻ hôm nay không biết đến mưa bom, bão đạn nhưng chắc hẳn, tất cả đều hiểu rằng cái giá của cuộc sống thanh bình hôm nay là sự hy sinh của nhiều thế hệ lớp người đi trước, những sự đau thương, mất mát lớn lao của những người Mẹ VNAH như mẹ Hạt, mẹ Khởi,... Vì vậy, chúng ta có thể tự tin rằng, thế hệ trẻ hôm nay và mai sau tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng của các thế hệ cha, anh đi trước và ra sức rèn luyện tài năng, trí tuệ để góp phần xây dựng quê hương Long An ngày càng giàu đẹp, văn minh./.

Minh Tuệ

Chia sẻ bài viết