Đảng viên đi trước
Mấy chục năm công tác tại xã Đức Tân, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An khi về hưu, ông Trần Văn Giác không chịu nghỉ ngơi mà tiếp tục đóng góp cho đời.
Ông từng đảm nhận nhiều vị trí tại xã Đức Tân như Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam, Chủ tịch UBND xã và sau đó là Bí thư Đảng ủy. Khi nghỉ hưu (năm 2014), ông từng có thời gian làm Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Bình Hòa (hiện đã nghỉ).
Ông Trần Văn Giác trên con đường đal do chính mình vận động
Ông Giác chia sẻ, nhiều năm gắn bó với cơ sở và công tác tại địa phương nên ông hiểu và nắm rõ những khó khăn, vất vả của người dân, nhất là nơi ông sinh sống, vùng đất thuộc vùng sâu của xã và huyện. Ngày đó, nơi đây giao thông khó khăn, toàn là đường đất. Cuộc sống người dân khó nhọc do làm lúa không hiệu quả, nước sạch chưa có để sử dụng do bị nhiễm mặn.
Với suy nghĩ làm sao để cuộc sống người dân bớt khổ, ông thường xuyên đi giải thích, vận động họ chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đặc biệt, khi Trạm cấp nước ấp Bình Lợi, xã Đức Tân được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư gần cầu Triêm Đức, ông mừng lắm! Rồi ông đến từng nhà, vận động các hộ dân nối đường ống để có nước sạch sử dụng. Có thể nói, từ tỷ lệ 0% hộ dân sử dụng nước sạch, đến nay có gần 100% số hộ dân trong ấp đã kéo nước sạch về sinh hoạt cho gia đình với số tiền đóng góp của nhân dân trên 1,1 tỉ đồng.
Từ năm 2016 đến nay, ông cùng tập thể Chi bộ, Ban Công tác Mặt trận ấp vận động người dân hưởng ứng các hoạt động và đóng góp xây dựng nông thôn mới, xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa. Trong đó, vận động người dân hiến đất mở rộng bêtông 6 tuyến đường giao thông nông thôn, chiều dài hơn 3,3km (người dân đóng góp hơn 6.200m2 đất và số tiền hơn 680 triệu đồng).
Đồng thời, ông phối hợp liên hệ Điện lực huyện lắp điện kế cho hộ gia đình, đến nay, ấp không còn điện tổ. Ngoài ra, ông còn vận động mạnh thường quân, đồng hương đóng góp tiền lắp hàng chục bóng đèn thắp sáng dọc theo tuyến Hương lộ ấp Bình Hòa dài 2,2km. Nhận thấy hiệu quả của mô hình này, người dân liên xóm bỏ tiền mua bóng đèn trên 7 tuyến đường với kinh phí hơn 110 triệu đồng. Với những đóng góp của mình, nhiều năm liền, ông được công nhận là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. “Học Bác không ở đâu xa mà là những việc làm thiết thực trong cuộc sống hàng ngày. Tôi nguyện cống hiến phần sức của mình để trở thành người học trò nhỏ của Bác” - ông Giác bộc bạch.
Giàu lòng nhân ái
“Sau nhiều năm tham gia công tác xã hội, trải qua biết bao cung bậc cảm xúc, tôi cảm nhận mình đang “giàu” lên rất nhiều bởi tình thân và lòng nhân ái”. Đó là chia sẻ của chị Huỳnh Thị Kim Loan - Trưởng ấp, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp 3, xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức.
Chị Huỳnh Thị Kim Loan học theo Bác ở lòng yêu thương con người (Trong ảnh: Chị Loan bên công trình cặp kênh 30/4 đang xây dựng)
Chị Loan không phải là người có vật chất đủ đầy để làm từ thiện. Chị chỉ có một tấm lòng muốn sẻ chia với những người kém may mắn hơn mình... Chị Loan kể, cách nay gần 30 năm, khi con gái mới khoảng 1 tuổi là chị đã tham gia công tác phụ nữ tại ấp. Nhà đông anh, chị, em, mẹ mất sớm, cha làm ruộng nên cuộc sống rất vất vả. Thế nhưng, từ nhỏ do ảnh hưởng từ truyền thống gia đình, cha mẹ của chị cũng là người có tấm lòng nhân hậu nên tình thương người của chị có lẽ xuất phát từ đó. Mắt chị đỏ hoe khi kể cho chúng tôi nghe về chuyện của những em bé mồ côi, những cụ già neo đơn, bệnh tật trong xã được chị chung tay lo lắng. Hiện tại, nhóm của chị Loan nhận nuôi đến cuối đời hơn 10 hộ nghèo, cận nghèo, đa phần là những người già, bệnh tật, không có người thân. Không chỉ vận động quà, xây nhà tình thương, hỗ trợ hàng tháng cho các cụ, chị Loan còn thường xuyên đến thăm hỏi, chăm sóc các cụ như những người thân của mình.
Hàng ngày, ngoài trồng lúa, chanh, mai,... chị Loan còn sắp xếp thời gian đến nấu cơm, tắm giặt, quét dọn,... cho một số cụ bị mù, không đi lại được. Gần nhà chị có bà Nguyễn Thị Phía (76 tuổi) bị mù, không có người thân, sống nhờ tiền trợ cấp xã hội và từ nguồn hỗ trợ của chị Loan. Mái ấm tình thương nhỏ của bà đang ở được cất tạm trên đất hàng xóm dựa vào số tiền vận động của chị Loan. Cứ cách vài ngày, chị Loan không qua hỏi thăm là cụ lại đi tìm vì nhớ chị. “Tôi mất mẹ từ sớm nhưng may mắn có nhiều người mẹ thương tôi. Mình không qua sao được khi các mẹ mắt mù lòa, tay chân lem luốc, nấu ăn bữa được bữa không. Rồi có người không thể tự tắm được nên mình phải sang làm giúp. Có đợt địa phương thấy tôi cực quá, mấy anh bàn nhau xin nguồn tài trợ để đưa các cụ vào viện dưỡng lão nhưng chỉ mới nói ra thì các cụ lại khóc, nhất quyết đòi ở lại vì chỉ để được gần tôi. Mới đây, tôi theo Đoàn đại biểu tỉnh dự Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII tại Hà Nội, đi xa chỉ có mấy ngày mà tôi cảm thấy nhớ” - chị Loan chia sẻ.
Vợ chồng chị Loan tham gia trồng cây xanh tại địa phương
Từ khi đảm nhận nhiệm vụ trưởng ấp (năm 2010 đến nay), chị có nhiều công trình ý nghĩa: Vận động trải đá xanh, trồng cây, sửa chữa cầu, đường,... kinh phí trên 300 triệu đồng. Qua nguồn vận động từ chị, mới đây, một công trình đường giao thông nông thôn kết hợp cầu cặp kênh 30-4, nối ấp 3 - ấp 2 đi Đức Huệ được hình thành, hứa hẹn mang đến sự khởi sắc cho một vùng quê.
Chị Loan nói: “Công tác từ thiện thấm vào máu rồi nên mình không bỏ được. Nhiều người nghĩ nhất định phải giàu có mới có thể làm từ thiện, tôi thì nghĩ khác. Tôi học một phần nhỏ của Bác về lòng yêu thương con người. Nếu yêu thương với tất cả tấm lòng, dẫu bạn không nhiều tiền vẫn có thể có nhiều cách để trao tặng người khác sự yêu thương. Đơn giản thôi, vì yêu thương là món quà vĩnh cửu...”.
Ngần ấy năm, món quà mà cuộc sống dành cho chị ngoài chồng yêu thương, con gái hiếu thảo còn là tình cảm thân thiết từ những người dưng. Và, mỗi ngày trôi qua, cây đời vẫn mãi xanh tươi với quan niệm của chị: “Sống là cho đi…”.
Thay đổi tư duy sản xuất
Con đường dẫn vào các ấp xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc nay được nhựa hóa, đal hóa. Hai bên đường là những hàng cây, được người dân chung tay xây dựng. Xa xa, những ruộng rau xanh bạt ngàn, những ngôi nhà mới mọc lên,... minh chứng cho sự no ấm của một vùng quê. Gặp ông Trần Tiết Giao, ngụ ấp Long Giêng, một trong những nông dân tiên phong trồng rau ứng dụng công nghệ cao, chúng tôi được biết nhờ chịu khó nghiên cứu, mạnh dạn ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến, trồng rau trong nhà lưới mà kinh tế gia đình ông ngày càng khá giả.
Ông Trần Tiết Giao (thứ 4, từ trái qua) nhận bằng khen của Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh vì có thành tích trong xây dựng nông thôn mới
Kể về chuyện làm nông nghiệp của mình, ông Giao cho biết, hơn 20 năm trước, hiệu quả kinh tế từ cây rau chưa cao nên vợ chồng ông quyết định chuyển sang nuôi gà, có thời điểm trang trại gà lên đến 5.000 con chờ xuất bán. Rồi giá gà giảm khiến người nuôi không có lãi, thậm chí lỗ vốn nên ông quyết định quay lại trồng rau.
Ông Giao cho hay: “Tôi học ở Bác đức tính cần cù, siêng năng và tinh thần học hỏi trong lao động. Là nông dân thời đại mới mình phải nắm bắt xu hướng hiện đại, thay đổi tư duy làm nông nghiệp kiểu cũ để cuộc sống được khá hơn. Trồng rau theo cách truyền thống hiệu quả không cao, nông dân phải vất vả chăm sóc lại thường xuyên bị thương lái ép giá, đầu ra không ổn định.
Trong một lần huyện tổ chức cho nông dân tham quan, học tập kinh nghiệm trồng rau trong nhà lưới tại tỉnh Lâm Đồng và TP.HCM, tận mắt chứng kiến mô hình trồng rau trong nhà lưới, tôi thích quá nên muốn áp dụng ngay trên diện tích đất của gia đình. Nhưng vợ tôi còn e ngại vì chi phí đầu tư cao. Tôi thuyết phục vợ đồng ý đầu tư 400 triệu đồng xây dựng hệ thống nhà lưới để trồng rau. Tôi nhận thấy, lợi nhuận từ việc trồng rau trong nhà lưới cao gấp 2 lần so với trồng trước đây”.
Bắt đầu từ mô hình trồng rau trong nhà lưới và tưới phun tự động của gia đình, nhiều hội viên, nông dân ở trong, ngoài tỉnh đến học tập, ông sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm. Bên cạnh đó, gia đình ông hiến hơn 500m2 đất để làm đường, thủy lợi công cộng phục vụ việc xây dựng, phát triển nông thôn mới.
Trên đây chỉ là số ít “bông hoa” trong “vườn hoa” học tập và làm theo gương Bác được khen thưởng cấp tỉnh qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, giai đoạn 2016 - 2021. Mỗi người chỉ cần làm đúng, sống biết yêu thương là đã học tập và làm theo gương Bác./.
Thanh Nga