Những chiếc “cần câu”
Giờ đây, trong những ngày đi làm xa, anh Nguyễn Văn Khắp, ngụ ấp Cầu Ván, xã An Lục Long, huyện Châu Thành, không còn nơm nớp lo cho vợ con ở nhà trong mùa mưa, bão nữa. Căn nhà kiên cố vừa xây dựng là minh chứng cụ thể cho nỗ lực của anh chị trên hành trình thoát nghèo. Vợ chồng anh Khắp đến với nhau chỉ có hai bàn tay trắng. Không có đất sản xuất, anh và vợ chỉ làm thuê, lần lượt 3 con nhỏ ra đời, trong đó có một cháu bị chậm phát triển càng khiến gánh nặng thêm oằn vai anh chị. Chị Trương Thị Thu Luận - vợ anh Khắp, nhớ lại: “Trước đây, vợ chồng tôi khổ dữ lắm, chạy ăn từng bữa, bữa đói, bữa no, nhà cửa xập xệ, tới chỗ ngủ cũng không được nguyên lành”. Còn trẻ, nên vợ chồng anh chị quyết tâm lao động để thoát khỏi cảnh nghèo khó, lo cho các con ăn học. Anh rời quê lên TP.HCM làm việc, mỗi tuần về thăm gia đình một lần. Chị ở nhà chăm sóc con, cuộc sống vẫn còn nhiều túng thiếu.
Nhờ hỗ trợ của Hội Nông dân, vợ chồng anh Nguyễn Văn Khắp cất được căn nhà mới kiên cố
Thấy vợ chồng anh Khắp tuy khó khăn nhưng chí thú làm ăn, quyết tâm vươn lên, Hội Nông dân xã An Lục Long giúp anh chị “cái cần câu” để anh chị có thêm động lực thoát nghèo. Ngồi trong căn nhà mới, chị Luận kể: “Căn nhà này là nhờ có Hội Nông dân xã hỗ trợ 30 triệu đồng rồi cho vợ chồng tôi vay thêm 25 triệu đồng mới cất được. Nếu không có sự hỗ trợ của xã, huyện thì chưa chắc vợ chồng tôi được như bây giờ!”. Theo ý chị Luận, được như bây giờ nghĩa là chị có việc làm, 3 người con đều được đi học, trong đó có 1 cháu nhận học bổng 400.000 đồng/tháng đến hết 18 tuổi, cuộc sống gia đình chị dần ổn định, thoát khỏi những ngày bữa đói, bữa no. Trước đây, khi các con còn nhỏ, trong thời gian ở nhà chăm sóc con, chị Luận được Hội Nông dân xã tạo điều kiện vay vốn 20 triệu đồng để nuôi bò. Tận dụng thời gian nhàn rỗi ở nhà, chị chăm sóc bò thịt để có thêm thu nhập. Khi các con tới tuổi đến trường, chị được giới thiệu vào làm việc tại kho thanh long trong xã. Vì có con nhỏ phải chăm sóc và đưa, đón nên thời gian làm việc của chị cũng hạn chế, tuy nhiên, có việc làm giúp chị ổn định thu nhập, cải thiện cuộc sống. Khi đó, anh chị quyết định bán đàn bò để tập trung làm việc.
Hiện tại, anh Khắp vẫn làm việc ở TP.HCM, chị Luận làm việc ở kho thanh long, mỗi tháng thu nhập của anh chị đủ để trang trải chi phí học tập cho các con. Chị Luận vui vẻ: “Vợ chồng tôi dù chưa có ruộng đất gì nhưng cuộc sống vậy là tốt rồi! Tiền vay làm nhà của Hội Nông dân chúng tôi sẽ cố gắng trả một phần vào năm sau. Đồng lòng làm ăn, tiết kiệm thì thế nào cuộc sống cũng tốt hơn. Chúng tôi sẽ cố gắng cho các con học hành đến nơi, đến chốn để sau này có tương lai tốt hơn”.
Chủ tịch Hội Nông dân xã An Lục Long - Huỳnh Thái Thanh cho biết, dự kiến trong năm nay, gia đình anh Khắp, chị Luận sẽ thoát nghèo. Đó là 1 trong 2 hộ được hội giúp đỡ thoát nghèo trong năm 2018. Hộ thứ 2 là gia đình bà Lê Thị Kim Lan, ngụ ấp Cầu Đôi. Chồng bệnh mất cách đây không lâu, 2 con còn đang đi học nên gia đình bà Lan thời điểm đó cũng hết sức khó khăn. Thấy vậy, hội tạo điều kiện cho bà tiếp cận vốn vay để nuôi bò và vận động mạnh thường quân hỗ trợ bà xây nhà tình thương. Hiện tại, 1 trong 2 con của bà sắp hoàn thành chương trình đại học, cuộc sống cũng vơi bớt khó khăn.
Sau giờ làm việc mỗi ngày, chị Luận dành thời gian chăm sóc con. (Trong ảnh: chị Luận học bài cùng con, con gái của chị Luận – anh Khắp được nhận học bổng 400.000 đồng/tháng đến 18 tuổi)
Chung tay giúp nhau thoát nghèo
Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Thành - Huỳnh Thị Anh Đào cho biết: Mô hình Nông dân giúp nhau giảm nghèo do Trung ương hội phát động và được duy trì đến nay gần 10 năm. Mỗi năm, huyện chọn 1 xã làm điểm thực hiện mô hình, có nhiều biện pháp hỗ trợ để các hộ nghèo là hội viên, nông dân trong tuổi lao động có điều kiện thoát nghèo. Các địa phương khác cũng đồng thời triển khai mô hình này. Năm 2018, An Lục Long được chọn làm xã điểm và hộ anh Khắp, bà Lan là 2 hộ được hỗ trợ, dự kiến thoát nghèo trong năm nay. Bà Đào nói: “Để hỗ trợ hội viên, nông dân thoát nghèo, Huyện hội và Hội Nông dân cấp xã có nhiều hoạt động: Tạo điều kiện cho vay vốn, giới thiệu việc làm, vận động kinh phí xây và sửa chữa nhà, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi,...”. Từ đầu năm 2018 đến nay, Hội Nông dân huyện vận động xây 4 nhà tình thương (30 triệu đồng/căn), sửa chữa 16 nhà khác (15-20 triệu đồng/căn). Ngoài ra, hội còn phối hợp các đoàn thể và địa phương xây dựng thêm 17 căn nhà tình thương khác. Hiện hội đang quản lý nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội trên 55 tỉ đồng. Bà Đào cho biết thêm, dự kiến năm nay, toàn huyện có trên 10 hội viên, nông dân được hội giúp đỡ thoát nghèo bền vững.
Mô hình Nông dân giúp nhau giảm nghèo tuy không mới nhưng đó là bước đà để các hội viên, nông dân có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Bà Đào khẳng định: “Hiện tại, tỷ lệ hộ nghèo ở huyện giảm rất nhiều, ngoài những hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội, còn lại đều được các cấp chính quyền quan tâm. Đặc biệt, đối với Hội Nông dân, việc hỗ trợ thoát nghèo không chỉ bó hẹp trong phạm vi hội viên mà cả nông dân không phải hội viên cũng nhận được hỗ trợ, chỉ với mục đích giúp các gia đình thoát khỏi cảnh khó khăn, phát triển kinh tế”./.
Phương Phương