Vậy người nông dân đang làm gì để ứng phó với bão giá phân bón? Kinh nghiệm và kế hoạch thích ứng lâu dài của bà con ra sao?
Nga là nhà cung cấp phân bón lớn, chiếm tỷ trọng khoảng 30% tổng nhu cầu phân bón trên toàn thế giới. Đặc biệt, Nga cung cấp đến 70% nguyên liệu đầu vào để sản xuất phân bón tại châu Âu. Vì vậy, tác động từ cuộc xung đột vũ trang giữa Nga - Ukraine đang khiến giá phân bón thế giới biến động mạnh.
Mặt khác, các lệnh hạn chế, cấm xuất khẩu một số mặt hàng phân bón chủ lực của Nga và Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu sẽ được dỡ bỏ khiến nguồn cung các loại phân bón nhập khẩu đặc biệt là Kali và DAP sẽ giảm nghiêm trọng trong thời gian tới.
Dự báo của một số doanh nghiệp và các chuyên gia trong ngành, giá phân bón thời gian tới có thể sẽ còn tăng mạnh.
Tại Việt Nam, giá phân bón đã lập đỉnh trong vòng 50 năm qua. Các doanh nghiệp dự báo sẽ xảy ra sự thiếu hụt trầm trọng DAP là khoảng 64% nhập khẩu trong quý 2 và khả năng giá trong nước lên 25 triệu đồng/tấn. Cụ thể, tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, theo phản ánh từ bà con nông dân, so với cuối tuần qua, giá phân bón đã tăng từ 300 - 700 đồng/kg, tùy loại.
Trước tình trạng giá phân bón tăng cao, nhiều hợp tác xã nông nghiệp đã nghiên cứu kỹ đồng ruộng kết hợp với kinh nghiệm của nông dân để đề ra phương thức canh tác phù hợp theo hướng chỉ bón 50% lượng phân để giảm chi phí. Vùng sản xuất lúa tại xã Trí Lực, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau hiện đang có 1.100ha lúa sạch, 300 ha lúa hữu cơ với nhiều cánh đồng rộng lớn.
Theo ông Hà Văn Sữa, Phó chủ tịch UBND xã Trí Lực nhờ định hướng sản xuất sạch, sản xuất hữu cơ nên bà con không bị ảnh hưởng quá nhiều khi giá phân bón vô cơ tăng cao.
“Trong giai đoạn hiện nay đối với giá vật tư đầu vào, nhất là phân bón phục vụ trồng trọt, với các dòng phân hữu cơ, xã Trí Lực không tập trung sản xuất vô cơ mà đang đi theo hướng bền vững và lâu dài. Địa phương khuyến cáo bà con từ sản xuất áp dụng phân vô cơ sang dùng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học. Giá phân vô cơ tăng cao, địa phương đã có khuyến cáo, từ đó địa phương có sản phẩm organic, hữu cơ. Nên dù do tình hình Nga - Ukraine khiến giá phân bón tăng cao nhưng cũng không ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất của bà con nông dân”.
Ông Lê Văn Mưa, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất lúa tôm Trí Lực cho biết, trước đây hợp tác xã có hai dòng sản phẩm là lúa sạch và lúa hữu cơ. Trước tình hình giá phân bón vô cơ tăng lên quá cao, sắp tới hợp tác xã sẽ chuyển toàn bộ diện tích sang sản xuất lúa hữu cơ, vừa giúp giảm chi phí đầu vào, vừa tăng hiệu quả kinh tế.
“Phân bón vô cơ từ 700 tăng lên tới hơn 1 triệu đồng/bao, như vậy là tăng lên tới hơn 50.000 đồng/kg. Trong khi phân bón hữu cơ có 10.500 đồng/kg. Sắp tới chúng tôi sẽ chuyển sang làm mạnh lúa hữu cơ. Vì làm lúa hữu cơ chi phí thấp hơn mà giá lại cao hơn vì là lúa sạch” - ông Lê Văn Mưa nói.
Sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn khi giá phân bón liên tục tăng.
Còn tại những mô hình đã xây dựng quy trình bón phân chuẩn để tối ưu chi phí đầu vào và chất lượng sản phẩm đầu ra đạt chuẩn VietGAP như tại Công ty TNHH Sơn Dương Green farm, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, giá phân bón tăng cao như thời điểm hiện tại ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất. Cụ thể, giá phân bón đang tăng 20 - 50% trong khi phân bón chiếm tới 30% chi phí đầu vào, khiến giá sản xuất bị đội lên hơn 10%.
Chi phí vận chuyển xơ dừa, nguyên liệu được dùng làm giá thể trồng cây tại trang trại cũng tăng đột biến, lên đến gần 40 triệu đồng/container, tức là đắt gần gấp đôi tiền mua xơ dừa.
Theo anh Nguyễn Việt Lâm, Giám đốc Công ty, do đã lường trước tình hình nên anh đã tích trữ lượng phân bón cho cả năm nay. Nhưng với tình hình được dự báo giá phân bón sẽ còn biến động, anh cũng đã có những kế hoạch để thích ứng lâu dài.
“Bây giờ thì chắc phải chuyển sang hướng dùng các loại chế phẩm từ bã thực vật và xác động vật như trùn quế. Vậy như công ty đã mất 4 năm để có được một quy trình sản xuất chuẩn giờ chuyển sẽ khó khăn. Tuy nhiên đây là khó khăn chung, một số nơi còn khó khăn hơn công ty vì họ không tích luỹ được tư liệu sản xuất, thứ hai là họ giá bán bấp bênh. Giờ có 2 sự lựa chọn, một là thay đổi quy trình bón phân, 2 là tăng giá thành nhưng chỉ tăng ở mức vừa đủ để bù chi phí, vượt qua được giai đoạn khó khăn” - anh Nguyễn Việt Lâm cho biết.
Nhiều chuyên gia cũng khuyến nghị, để thích ứng tốt nhất trong bối cảnh hiện nay, nông dân cần đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới để giảm lượng phân bón, sử dụng phân bón hữu cơ thay thế một phần phân bón vô cơ. Bên cạnh đó, khuyến khích, hỗ trợ nông dân tự sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ từ nguồn nguyên liệu sẵn có như phụ phẩm trồng trọt, chất thải chăn nuôi, rác thải sinh hoạt... để vừa cải tạo đất, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng, từ đó giảm sự lệ thuộc phân bón hóa học.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Giá phân bón tăng cao, bà con nông dân cần sử dụng phân bón hữu cơ thay thế một phần phân bón vô cơ. Bên cạnh đó, khuyến khích, hỗ trợ nông dân tự sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ từ nguồn nguyên liệu sẵn có như phụ phẩm trồng trọt, chất thải chăn nuôi, rác thải sinh hoạt”.
Trước việc giá phân bón tăng mạnh trong thời gian gần đây, tác động nhiều tới sản xuất nông nghiệp, việc sử dụng đa dạng các loại phân bón, tận dụng mọi chế phẩm cũng như những lợi thế có sẵn tại khu vực nông hộ là vô cùng quan trọng. Ngành Nông nghiệp cũng đã đề nghị các tỉnh, thành hướng dẫn người dân sử dụng phân bón cân đối và hiệu quả, tăng cường sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ./.
Theo VOV