Tiếng Việt | English

24/06/2015 - 11:07

Nữ sinh tự tử vì bị tung clip sex: Ai mới là hung thủ thực sự?

Vụ nữ sinh Đồng Nai tự tử vì bị tung clip sex là do chính sự chia sẻ, bình luận lạnh lùng vô cảm của cộng đồng mạng.

Thế giới ảo-hậu quả thật

Chỉ trong vòng 2 ngày, trên mạng xã hội facebook tràn ngập đoạn clip “nóng” của nữ sinh N.T.A.T (15 tuổi) ở Đồng Nai với bạn trai. Hơn 5000 lượt like và chia sẻ, hàng ngàn lượt bình luận với nội dung chê trách, mạt sát, thậm chí dùng những lời lẽ độc địa. Xấu hổ, bế tắc, không chịu được áp lực dư luận từ mạng xã hội, nữ sinh đành chọn đến cái chết để giải thoát.


Hình ảnh của T. và bạn trai khi còn quen nhau (ảnh lớn), cảnh "ân ái" giữa Lộc và T. bị tung lên mạng

Đau xót hơn, nữ sinh 15 tuổi không phải là trường hợp đầu tiên tử vong với cùng nguyên nhân trên. Chỉ trong vòng 2 năm trở lại đây, tại nước ta, ít nhất 3 vụ tự tử vì không chịu được áp lực từ mạng xã hội. Trước đó, năm 2013, dư luận chấn động về một nữ sinh lớp 12 ở Hà Nội đã tìm đến cái chết sau khi bị bạn cùng lớp đùa nghịch bằng cách ghép ảnh cô vào một cô gái mặc áo rộng cổ. Cũng trong năm 2013, một nữ sinh ở Đà Nẵng đã chọn cho mình cái chết bằng thuốc ngủ sau khi bị một trang facebook đăng bài xuyên tạc, xúc phạm danh dự. Rất may em được gia đình cứu sống.

Đại tá, TS Đỗ Cảnh Thìn, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học và Điều tra tội phạm (Học viện Cảnh sát nhân dân) cho rằng hầu hết các nạn nhân đều ở tuổi đời rất trẻ, từ 15-18 tuổi, lứa tuổi đang trong quá trình biến đổi mạnh mẽ về tâm sinh lý. Các em luôn tìm đến cái mới lạ, thích khám phá cuộc sống, thích thể hiện mình, muốn được độc lập và muốn được mọi người tôn trọng, thừa nhận. Các em bị ảnh hưởng của bạn bè, xã hội nhiều hơn là người thân trong gia đình.

Đặc biệt tính tự ái, lòng tự trọng về phẩm chất cá nhân luôn được đề cao nên chỉ cần có sự tổn thương nào đó về tinh thần, các em dễ có các hành vi lệch chuẩn, tiêu cực. Chẳng hạn như bỏ bê việc học hành, phá phách, bỏ nhà đi theo bạn bè, sa vào tệ nạn hoặc phạm tội; cũng có em rơi vào khủng hoảng về tâm lý, tinh thần như trầm cảm, sa sút ý chí, thậm chí tự sát.

Trong khi đó, hiệu ứng của mạng xã hội lại có sức mạnh khủng khiếp. Phần lớn những người viết bình luận lẫn người đăng tải chẳng hề ý thức được hậu quả của lời nói, hành động của mình. Họ chỉ biết việc họ nói là việc của họ, còn hậu quả là việc của người khác. Họ nói để được thỏa mãn nhu cầu được nói mà không lường hết được hậu quả.

TS Đỗ Cảnh Thìn

TS Đỗ Cảnh Thìn nhấn mạnh: “Vì sự việc được đăng tải trên mạng lên rất khó kiểm chứng được bản chất; những người tham gia vào quá trình thông tin này không biết rõ hình hài, tuổi tác, công việc, gia đình…; không “đọc” được cảm xúc (vui, buồn, hạnh phúc, hãnh diện, xấu hổ…) nên dẫn đến một hệ quả là không ít người cảm thấy mình không có trách nhiệm với những gì mình viết, bình luận trên mạng. Và theo đó, cũng có không ít người thấy mình “vô can” với các vấn đề trên mạng hoặc thiếu lòng tin vào các thông tin đã được truyền tải.

Sự vô cảm xuất hiện và trầm trọng thêm cùng với tần suất của các “sự kiện mạng”. Hiện tượng người ta tung lên mạng những hình ảnh “chết người” đó nhiều khi xuất phát từ sự vô cảm, thiếu trách nhiệm với bản thân cũng như với người khác và xã hội. Sự vô cảm đó đã trở nên độc ác, tàn nhẫn, phi đạo đức, nhất là khi tốc độ lan truyền trên mạng là khủng khiếp. Nhưng có lẽ vì là “thế giới ảo” nên nhiều người vẫn chưa cảm thức hết được tội lỗi".

Song chính sự chia sẻ, bình luận lạnh lùng vô cảm của cộng đồng mạng khiến người thiếu kỹ năng chia sẻ có thể tìm đến cái chết.

Làm gì để bảo vệ các em?

Mạng xã hội cho con người thêm công cụ để lựa chọn, tìm kiếm, lan tỏa thông tin nhưng ngược lại cũng tạo nên một hành vi gọi là “ném đá” trên mạng mà hậu quả gây ra là hết sức nặng nề. Điều đó có thể thấy thế giới trên không gian số vốn không “ảo” như chúng ta nghĩ mà càng ngày càng “thực”, ảnh hưởng tới lối sống, suy nghĩ của không ít các bạn trẻ.

Trước hàng loạt vụ việc liên quan đến mạng xã hội, các chuyên gia tâm lý khuyến cáo, ngoài việc học, thành niên nên tham gia các lớp kỹ năng sống, hoạt động đoàn thể, tâm sự với cha mẹ những rắc rối mà mình đang gặp phải để được tư vấn.

TS Đỗ Cảnh Thìn cho biết thêm, gia đình, đoàn, hội và nhà trường cần hết sức quan tâm đến đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi để có những định hướng giáo dục những hành vi, lối sống lành mạnh. Người lớn nên giáo dục, hướng dẫn các em về tâm, sinh lý lứa tuổi; giáo dục kỹ năng sống để khi các em rơi vào những hoàn cảnh bất lợi sẽ hạn chế được những hậu quả đáng tiếc.

Người lớn cũng nên quản lý, giáo dục các em về việc sử dụng mạng xã hội đúng đắn, tích cực. Nếu cứ để các em “tự bơi” trong “thế giới ảo” đó thì dễ dẫn đến những hậu quả khôn lường.

Mặt khác, những người sử dụng mạng xã hội hiện nay cũng cần có trách nhiệm, tôn trọng pháp luật, có ý thức tự bảo vệ mình và bảo vệ uy tín, danh dự, nhân phẩm của người khác. Những hành vi vô cảm, vô trách nhiệm của mình nhiều khi vô tình gây ra những nỗi bất hạnh, đau khổ cho người khác.

Bên cạnh đó, xã hội cần lên án mạnh mẽ các hành vi đưa thông tin, hình ảnh phản cảm, thiếu trung thực, có dụng ý xấu lên mạng xã hội. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng phải tiến hành phát hiện, điều tra, xử lý kịp thời, xử lý nghiêm minh những đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng./.

Đức Minh/VOV.VN

Chia sẻ bài viết