Trẻ em là mầm non, là chủ nhân tương lai của đất nước, là lớp người kế tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm và những tình cảm đặc biệt cho trẻ em. Người trông chờ lớp người trẻ sẽ làm cho non sông Việt Nam trở nên tươi đẹp, dân tộc Việt Nam bước lên đài vinh quang để sánh vai các cường quốc năm châu.
Từ tư tưởng của Bác Hồ, Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm đến trẻ em và công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tán thành Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em; nước ta cũng sớm ban hành Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Trẻ em Việt Nam được pháp luật bảo vệ nhiều quyền: Quyền khai sinh có quốc tịch; quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng; quyền được tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự; quyền được học tập; quyền được vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch; quyền được tiếp cận thông tin, bày tỏ ý kiến và tham gia hoạt động xã hội;...
Mặc dù KT-XH còn khó khăn, cùng với đà phát triển của đất nước, công tác trẻ em luôn được Đảng, Nhà nước và xã hội quan tâm, thực hiện các quyền trẻ em. Đến nay, 100% trẻ em dưới 6 tuổi đã được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; trẻ em nghèo được hỗ trợ học tập; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được hưởng chính sách xã hội; trẻ em khuyết tật, bị bệnh tim bẩm sinh được hỗ trợ điều trị; nhiều khu vui chơi cho trẻ em ở vùng sâu, vùng xa được xây dựng; hằng năm, từ các diễn đàn trẻ em đã tạo cơ hội cho các em được trình bày, tham gia ý kiến,... Đặc biệt, tỉnh Long An đã được đánh giá là điểm sáng cả nước trong thực hiện mô hình xã, phường phù hợp với trẻ em.
Tuy nhiên, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp còn nhiều quyền trẻ em chưa được thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ. Trẻ em, nhất là trẻ em nghèo, trẻ em ở vùng sâu, vùng xa thiếu điểm vui chơi, còn khó khăn trong hành trình đi tìm con chữ. Tình trạng trẻ em bị ngược đãi, bạo hành về thể xác, tinh thần vẫn còn xảy ra quanh đây, rất thương tâm! Nhiều trẻ phải sớm vào đời mưu sinh kiếm sống, lang thang. Trẻ em không được sống chung với cha mẹ vì gia đình tan vỡ. Môi trường sống xung quanh các em không được an toàn khi tai nạn thương tích, tai nạn giao thông chực chờ; cạm bẫy từ game bạo lực, chất gây nghiện còn đó. Thậm chí, sự nhồi nhét trong học tập, bệnh thành tích của người lớn cũng là những áp lực cho trẻ em,...
Trẻ em vốn còn non nớt về tinh thần và thể chất, rất cần sự quan tâm, chăm sóc, thương yêu của toàn xã hội. Các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, nhà trường, gia đình nên tiếp tục quan tâm, thực hiện đầy đủ các quyền trẻ em. Đó không chỉ là tình cảm mà còn là yêu cầu của pháp luật. Cần đặc biệt quan tâm đến trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt vì hơn ai hết, các em rất cần vòng tay nâng đỡ của cộng đồng, xã hội; luôn tạo điều kiện cho trẻ em học tập tốt, có kỹ năng sống để sau này trở thành người tốt, công dân có ích.
Trẻ em hôm nay - thế giới ngày mai, quan tâm đến trẻ em cũng có nghĩa là quan tâm đến vận mệnh tương lai của quê hương, đất nước, dân tộc và đến chính chúng ta sau này. Vì vậy, phải tiếp tục giữ vững, nâng chất, phát triển hơn nữa kết quả công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; kiên quyết chống bệnh thành tích, nói suông không có lợi cho tương lai của các em.
Kim Quy