Cần chấn chỉnh việc nuôi tôm thẻ chân trắng tại vùng Đồng Tháp Mười
Càng cấm càng nuôi
Năm 2016, một vài hộ dân ở xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa đào ao trên đất trồng lúa để nuôi tôm thẻ chân trắng, diện tích ban đầu chỉ 2ha. Do tôm phù hợp với môi trường nước mặn, trong khi vùng Đồng Tháp Mười là vùng nước ngọt nên người dân khoan giếng khai thác nguồn nước mặn tại chỗ; đồng thời, bổ sung muối vào ao nuôi. Hiệu quả nuôi tôm thẻ chân trắng ban đầu khá cao, gấp nhiều lần so với trồng lúa. Từ đó, phong trào đào đất trồng lúa để nuôi tôm lan rộng ra nhiều hộ dân tại xã Tân Lập, một số xã của huyện Mộc Hóa và các huyện khác của tỉnh như Tân Hưng, Tân Thạnh, Thạnh Hóa và thị xã Kiến Tường.
Đến nay, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh đã tăng lên hàng trăm hécta. Ông Hứa Văn On (xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa) cho biết: "Thấy người dân trong khu vực đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng có hiệu quả cao, năm 2019, tôi cũng chuyển 2ha đất trồng lúa sang nuôi tôm, chia làm 4 ao, trong đó 2 ao lắng, 2 ao nuôi. Trải qua 6 vụ nuôi, vụ đầu bị lỗ do chưa có kỹ thuật, 5 vụ sau đều có lãi, mỗi vụ lãi hơn 1 tỉ đồng".
Chính việc có lợi nhuận cao nên nhiều hộ dân đã chuyển đất trồng lúa sang nuôi tôm. Anh Lê Quốc Xuyên (xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa) cho biết, gia đình anh có 1ha trồng lúa, cuối năm 2020, anh vay vốn đầu tư gần 1 tỉ đồng đào 2 ao nuôi và 1 ao lắng để nuôi tôm. “Chưa nắm rõ kỹ thuật, tôi nhờ người thân hướng dẫn, hiện 2 ao tôm được 60 ngày tuổi, tôm phát triển tốt, hy vọng vụ nuôi thắng lợi” - anh Xuyên chia sẻ.
Chủ tịch UBND huyện Mộc Hóa - Nguyễn Văn Minh cho biết: Thời gian gần đây, một số hộ dân trên địa bàn huyện chuyển đất sản xuất lúa sang đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng. Đến nay, trên địa bàn huyện có 92 hộ chuyển đổi từ đất sản xuất lúa sang nuôi tôm thẻ chân trắng với 130,6ha (các xã: Tân Lập, Bình Hòa Trung, Bình Thạnh). Hầu hết diện tích ao nuôi tôm thẻ chân trắng đều do nông dân tự ý chuyển đổi, không nằm trong quy hoạch của địa phương.
Còn tại huyện Tân Hưng, theo Phó Chủ tịch UBND huyện - Lê Thành Yên, tính đến tháng 5-2021, toàn huyện có 69,5ha nuôi tôm thẻ chân trắng. Đến đầu tháng 10-2021, diện tích tăng lên 112,7ha với 26 hộ nuôi, trong đó chủ yếu các hộ dân cải tạo lại các ao ươm nuôi cá tra trước đây.
Cần chấn chỉnh, tránh ảnh hưởng đến sản xuất
Qua khảo sát của ngành chức năng, hoạt động nuôi tôm thẻ chân trắng bước đầu khá thuận lợi, đa số hộ nuôi có lợi nhuận khá cao. Chi phí đầu tư ban đầu như đào ao, trang thiết bị cho 1ha khoảng 1 tỉ đồng; giá thành 1kg tôm thương phẩm khoảng 70.000 đồng, giá bán khoảng 120.000 đồng/kg; năng suất 15 tấn/ha/vụ nuôi. Bình quân lợi nhuận cho 1ha/vụ nuôi (3 tháng) khoảng 750 triệu đồng (chưa tính khấu hao chi phí đào ao, trang thiết bị đầu tư ban đầu). Mỗi năm nuôi khoảng 3 vụ/ha, nông dân thu về khoảng 2,25 tỉ đồng, trừ chi phí đầu tư đào ao, trang thiết bị ban đầu, còn lãi khoảng 1,25 tỉ đồng/ha/năm. Hoạt động nuôi thuận lợi,năng suất, sản lượng cao dẫn đến diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng tăng trong thời gian qua.
“Mặc dù nuôi tôm thẻ chân trắng mang lại thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa nhưng địa phương không khuyến khích vì khi nuôi ồ ạt sẽ gặp khó về đầu ra. Địa phương cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức người dân. Trước tình trạng người dân tự phát nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt trên địa bàn, huyện đã kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính 54 trường hợp, tổng số tiền xử phạt 533 triệu đồng” - ông Nguyễn Văn Minh thông tin. Hiện chỉ có huyện Mộc Hóa thực hiện xử phạt vi phạm hành chính, các địa phương còn lại chủ yếu tuyên truyền, vận động người dân không tự ý đào ao, tạo độ mặn để đưa tôm thẻ chân trắng vào nuôi trong vùng nước ngọt.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng - Lê Thành Yên cho biết: Trước tình hình trên, UBND huyện đã thành lập tổ kiểm tra, rà soát tình hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn. Bên cạnh đó, huyện cũng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tập trung tuyên truyền, vận động người dân không tiếp tục mở rộng đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng. Đến nay, chưa có trường hợp nào nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn huyện bị xử lý vi phạm. Tổ kiểm tra, rà soát tình hình, kiểm tra đối với các hộ nuôi tôm, lập biên bản cam kết ngừng nuôi khi kết thúc vụ và bảo đảm vệ sinh môi trường trong thời gian thả nuôi.
Do nuôi trong vùng nước ngọt nên các hộ dân đều khoan giếng tầng nông (độ sâu 30-40m) để lấy nước có độ mặn khoảng 4-9‰ hoặc dùng muối để nâng độ mặn (20 tấn/1.000m2) cho ao nuôi tôm. Đa số các hộ thả giống nuôi với mật độ cao, dao động từ 100-300 con/m2. Theo đánh giá của các nhà khoa học tại Hội thảo khoa học về nuôi tôm thẻ chân trắng vùng Đồng Tháp Mười tại huyện Mộc Hóa năm 2020 thì việc đưa tôm thẻ chân trắng vào nuôi ở vùng nước ngọt hoàn toàn không phù hợp về đặc điểm sinh học, sự phát triển tự nhiên hài hòa của vùng; tác động tiêu cực đến mạch nước ngầm do khai thác quá mức, gây thiếu nước vào mùa khô, sụt lún đất đai.
Việc xả thải, thẩm thấu nước nhiễm mặn từ các ao nuôi ra môi trường bên ngoài gây nhiễm mặn cho vùng nước ngọt, ảnh hưởng đến sản xuất lúa và các cây trồng khác. Bên cạnh đó, hạ tầng cho nuôi tôm không phù hợp, chi phí đầu tư trong quá trình nuôi cao, nguy cơ bùng phát dịch bệnh mọi thời điểm và khó kiểm soát dẫn đến rủi ro, gây thiệt hại lớn cho người dân.
Từ thực tiễn việc nuôi tôm thẻ chân trắng, những rủi ro và những phân tích, đánh giá của các chuyên gia, nhà khoa học, ngành chức năng ở tỉnh kiến nghị tỉnh tiếp tục chỉ đạo, không cho phép nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt có sử dụng muối, khoan giếng lấy nước mặn để tạo môi trường nước lợ nuôi tôm.
Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị UBND tỉnh cho chủ trương thực hiện đề tài đánh giá toàn diện và thiết lập bản đồ thổ nhưỡng vùng Đồng Tháp Mười, xác định loại đất của từng vùng phù hợp với từng cây trồng, vật nuôi, trong đó phải đánh giá được những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đặc biệt là xâm nhập mặn, có những cảnh báo, đề xuất để giải quyết bài toán về mặn, ngọt.
Xác định nước ngọt, nước lợ, nước mặn đều là tài nguyên phục vụ trong sản xuất nông nghiệp, những vùng hiện tại và khả năng bị ảnh hưởng lâu dài của xâm nhập mặn, cần nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng thủy sản - trái cây - lúa, đáp ứng nhu cầu của thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng./.
Văn Đát