Dẫu cực khổ cũng ráng nuôi con!
Lập gia đình trong những năm tháng đất nước còn chiến tranh, cuộc sống gia đình ông Lê Văn Phép (SN 1935), ở khu phố 3, thị trấn Đức Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An gặp vô vàn khó khăn. Ông làm nghề rèn còn vợ ông - bà Nguyễn Thị Tốt (SN 1937) canh tác 7.000m2 đất ruộng mà cha mẹ cho để có gạo ăn.
Khi con gái đầu lòng Lê Thị Tuyết ra đời, cảnh nhà càng chật vật hơn. Đến năm 1958, cậu con trai thứ 2 chào đời, gánh nặng lo toan càng nặng oằn trên đôi vai vợ chồng trẻ.
Rồi, 7 người con kế tiếp lần lượt ra đời trong cảnh thiếu trước, hụt sau. Nhưng dù cảnh nhà khó khăn đến đâu, nghèo đến mấy, ông bà vẫn quyết tâm không để các con thất học.
Thương mẹ, cha vất vả nên cô con gái đầu lòng ý thức được việc học tập từ khi còn nhỏ. Chị Tuyết cũng là tấm gương chăm ngoan, học giỏi trong gia đình để các em noi theo, làm vui lòng cha mẹ.
Bà Nguyễn Thị Tẻn (thứ 4, phải qua) nhận Bằng công nhận dòng họ Lê (ông Lê Văn Phép) là Dòng họ học tập. Đây là dòng họ có truyền thống hiếu học nôi bật ở thị trấn Đức Hòa
Theo lời kể của ông Phép, con gái Lê Thị Tuyết học giỏi, hồi trước giải phóng tốt nghiệp tú tài loại ưu và được cho đi học ở nước ngoài.
Nhưng lúc đó, nhà nghèo nên chị Tuyết chọn con đường học tập trong nước và thi đậu vào Đại học ở Sài Gòn. Khi ra trường, chị Tuyết công tác tại Trung tâm Nghiên cứu Phân viện Khoa học miền Đông.
Lúc bấy giờ, cuộc sống ổn hơn nên chị Tuyết quyết định sang Philippin du học và lấy bằng tiến sĩ rồi trở về tiếp tục phục vụ quê hương. Khi chị Tuyết ra trường, đi làm thì người em kế còn đang đi học nên chị phụ cha mẹ nuôi em. Và anh, chị lớn nuôi em nhỏ nên trong số 9 người con của ông Phép, có 8 người thành đạt.
Con thành đạt, cha mẹ hạnh phúc
Nhìn vào danh sách thống kê 12 hội viên Chi hội Khuyến học dòng họ Lê ở khu phố 3, thị trấn Đức Hòa, có lẽ nhiều người sẽ ngưỡng mộ. 12 hội viên tham gia chi hội đều là con cháu, anh em dòng họ của ông Lê Văn Phép và ai cũng thành đạt.
Chị Lê Thị Tuyết - con gái đầu của ông Phép sau thời gian làm công tác nghiên cứu với học vị tiến sĩ, hiện tại về hưu. Còn lại các con của ông: Lê Thế Hiền, Lê Hữu Nghĩa, Lê Minh Trí và Lê Thị Tuyết Nga đều là bác sĩ, dược sĩ đang công tác tại một số bệnh viện lớn ở TP.HCM. Chỉ có 2 người con Lê Phương Danh và Lê Trung Nhân là kỹ sư và một người con gái tên Lê Thị Tuyết Hương đang định cư ở Mỹ cũng làm bác sĩ.
Một dòng họ thành đạt, các con có nghề nghiệp, cuộc sống ổn định như hôm nay là cả quá trình hy sinh, vất vả của những người làm cha, làm mẹ. Và, với vợ chồng ông Phép, các con có cuộc sống như ngày nay và thành đạt là niềm hạnh phúc to lớn nên những cực khổ ngày xưa chẳng sá gì!
Bà Nguyễn Thị Tẻn (em vợ ông Phép) - Thư ký Chi hội Khuyến học dòng họ Lê cho biết: “Con anh Phép hiện nay đều trưởng thành và tích cực tham gia đóng góp vào Chi hội Khuyến học của dòng họ. Còn thế hệ cháu của anh Phép, có người cũng tốt nghiệp đại học, ra trường đi làm kỹ sư, bác sĩ..., chỉ còn vài cháu học phổ thông và tiểu học. Để động viên các cháu chăm ngoan, học tốt, noi theo truyền thống mẹ cha, mỗi lần tổng kết năm học hoặc vào đầu năm học mới, Chi hội Khuyến học dòng họ Lê đều xuất quỹ khen thưởng, động viên các cháu có thành tích học tập tốt. Ngoài ra, từ nguồn quỹ hiện có khoảng 30 triệu đồng, hàng năm, chi hội cũng ủng hộ Hội Khuyến học thị trấn Đức Hòa trong các hoạt động tiếp sức đến trường”.
Bây giờ, ở cái tuổi ngoài 80, niềm hạnh phúc với vợ chồng ông Phép chính là sự thành đạt của các con. Và, vợ chồng ông luôn hy vọng, truyền thống hiếu học này mãi được phát huy trong dòng họ từ thế hệ này sang thế hệ khác./.
Thùy Hương