Ông cha ta từng khuyên: “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang, người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe” nhằm nhắc nhở con, cháu phải hình thành lối sống tốt đẹp, ứng xử khôn khéo với nhau trong cuộc sống hàng ngày.
Tuy nhiên, thực tế ngoài xã hội, ít nhiều những hành vi thiếu văn hóa, nhất là trong một bộ phận không nhỏ giới trẻ, dần trở thành “thói quen” tai hại, đáng báo động. Chẳng hạn: Ăn nói thiếu văn hóa, hành vi chen lấn, xô đẩy, không xếp hàng khu vực chờ thang máy, quầy bán vé,...
Trong các cuộc họp hay hội nghị, ta thường thấy những người “vô tư” để chuông điện thoại reo rất to dù trước đó, ban tổ chức nhắc nhở mọi người tắt điện thoại hoặc để chế độ rung. Thậm chí, có người còn thản nhiên nói chuyện điện thoại oang oang trong cuộc họp như chốn không người.
Thái độ bất lịch sự, thiếu tôn trọng mọi người biểu hiện rõ ở việc nhiều người khi xem chương trình ca nhạc, dự cuộc liên hoan, thậm chí hội họp, mặc dù không biết nội dung thế nào nhưng hễ thấy không thích là bỏ ra về,...
Trong một cuộc hội thảo về vấn đề giao tiếp, ứng xử có văn hóa trong cộng đồng, có ý kiến cho rằng: Ý thức, lương tâm, tinh thần trách nhiệm là 3 yếu tố hàng đầu trong việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị và ứng xử có văn hóa, nhưng khi 3 yếu tố này không được xem trọng thì luật pháp phải can thiệp. Bởi giao tiếp, ứng xử văn hóa là hành vi không phải lúc nào cũng đến từ tinh thần tự nguyện. Chính vì vậy, ngoài giáo dục ý thức thì xử phạt các vi phạm về giao tiếp, ứng xử cũng góp phần tạo ra thói quen sống có văn hóa và văn minh, tôn trọng người khác và cộng đồng./.
Phương Trần