Tiếng Việt | English

16/05/2019 - 10:15

Phật giáo đồng hành cùng dân tộc

Từng phần quà, căn nhà tình thương, suất cơm từ thiện,... được trao tận tay những người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn; vận động tín đồ, đồng bào hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng xã văn hóa, nông thôn mới,... là việc làm của đồng bào Phật giáo trong thời gian qua.

Phật giáo trong tỉnh đồng hành trong công tác an sinh xã hội

Phật giáo trong tỉnh đồng hành trong công tác an sinh xã hội

Hạnh phúc là sự cho đi

Với suy nghĩ “Hạnh phúc lớn nhất của đời người là làm cho nhiều người hạnh phúc”, nhiều năm qua, tịnh xá Ngọc Tâm (phường 3, TP.Tân An, tỉnh Long An) được biết đến là một trong những địa chỉ nhân đạo có nhiều đóng góp cho công tác an sinh xã hội. 10 giờ 30 phút, theo chân các ni sư, phật tử tịnh xá, chúng tôi đến phát cơm từ thiện tại Bệnh viện Đa khoa Long An. Mỗi tuần, dù mưa hay nắng, tịnh xá Ngọc Tâm đều trao hơn 6.000 suất cơm miễn phí cho bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Đa khoa Long An và Bệnh viện Tâm thần. Việc làm này được duy trì xuyên suốt hơn 15 năm qua nhờ sự hỗ trợ của mạnh thường quân, phật tử, cũng như một số tiểu thương chợ Tân An.

Cùng với việc tăng dần về số lượng hỗ trợ, chất lượng bữa ăn được nâng lên thông qua số tiền từ 3.000 đồng/suất vào năm 2003, đến nay, bình quân mỗi suất ăn là 15.000 đồng. Để có những suất cơm nóng hổi san sẻ khó khăn với bệnh nhân nghèo, Trụ trì tịnh xá - Ni sư Gương Liên và những phật tử thức dậy từ sớm chuẩn bị. Họ chia thành 6 nhóm thay phiên nấu ăn và không đòi hỏi bất cứ thù lao nào.

Ni sư Gương Liên cho biết: “Khi tịnh xá dự định xây dựng bếp ăn, nhiều người lo ngại sẽ gặp khó khăn nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm thực hiện. Đến nay, bếp ăn ngày càng nhận được sự hỗ trợ lớn của những tấm lòng hảo tâm trong và ngoài tỉnh”.

Mỗi tuần (trừ chủ nhật), hơn 100 phật tử chia nhau theo từng tổ để nấu những suất cơm cho người bệnh. Mỗi nhóm có hơn 20 người, trong đó có nhiều thành viên gắn bó với bếp từ ngày đầu thành lập. 4 giờ sáng, chị Nguyễn Thị Hiệp, ngụ xã Bình Quới, huyện Châu Thành, thức giấc và đến với bếp ăn. Chị nói: “Tờ mờ sáng là chúng tôi có mặt tại tịnh xá, riết rồi thành quen. Hạnh phúc nhất đối với tôi chính là phục vụ những bữa ăn cho bệnh nhân. Tôi nghĩ, làm việc gì cũng cần có tâm, nhất định sẽ làm được”.

Còn Đại đức Thích Hóa Minh - Trụ trì chùa Thiên Phước, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, cho rằng, với ý niệm “Hạnh phúc là sự cho đi” nên nhiều năm liền, đồng bào phật tử luôn đồng hành trong công tác thiện nguyện. Năm 2018, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) huyện cùng chùa Thiên Phước vận động tín đồ phật tử, mạnh thường quân tham gia công tác an sinh xã hội với kinh phí hơn 1 tỉ đồng. Từ đầu năm đến nay, với số tiền gần 800 triệu đồng, Phật giáo trong huyện tặng quà, xây nhà tình thương, đại đoàn kết giúp người nghèo, người Khmer sinh sống trên địa bàn,...

Tốt đời, đẹp đạo

Sinh ra và lớn lên tại TP.HCM nhưng cái duyên đưa sư cô Thích Nữ Bảo Tâm, chùa Vĩnh Phong, thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa, “tầm sư học đạo” tại Long An. Với tấm lòng từ bi, nhân ái, 30 năm tu hành cũng là chừng ấy năm sư cô dốc hết sức mình làm việc thiện. Đã có hàng tỉ đồng được sư cô giúp xây cầu giao thông nông thôn, nhà tình thương, tặng quà tết cho người nghèo, trao học bổng cho học sinh,... Với từng trường hợp cần hỗ trợ, sư cô đều đến tận nơi để khảo sát, tìm hiểu,... và xin tài trợ.

“Người xuất gia luôn lấy việc thiện làm đầu. Gieo nhân duyên tốt, ắt sẽ gặp điều lành. Tôi luôn tâm niệm như vậy nên cùng với Đảng, chính quyền làm tốt công tác an sinh xã hội” - sư cô bộc bạch.

Phó Trưởng ban phụ trách Ban Tôn giáo Sở Nội vụ tỉnh - Nguyễn Văn Mưng thông tin, cùng với chung tay, góp sức xây dựng xã văn hóa, nông thôn mới, thời gian qua, đồng bào Phật giáo trên địa bàn tỉnh còn tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thi đua lao động sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, hoạt động nhân đạo, từ thiện - xã hội. Hàng năm, tăng, ni và tín đồ Phật giáo đóng góp hàng tỉ đồng thực hiện
công tác khuyến học, khuyến tài, chăm lo gia đình chính sách, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nơi vùng sâu, vùng xa, biên giới,...

Tờ mờ sáng, phật tử lại đến tịnh xá Ngọc Tâm để chuẩn bị nấu cơm chay miễn phí cho các bệnh nhân

Tờ mờ sáng, phật tử lại đến tịnh xá Ngọc Tâm để chuẩn bị nấu cơm chay miễn phí cho các bệnh nhân

Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh - Phạm Ngọc Tiệp cho biết, thời gian qua, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh luôn phát huy vai trò đoàn kết, tập hợp, hướng dẫn đồng bào Phật giáo thực hiện hiệu quả phương châm “Tốt đời, đẹp đạo”, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và sự phát triển KT-XH tỉnh.

Đội ngũ tăng, ni tích cực tuyên truyền, động viên đồng bào phật tử thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chấp hành sinh hoạt tôn giáo đúng pháp luật và Hiến chương của Giáo hội. Đồng thời, giúp đồng bào phật tử học tập tinh thần từ bi của đạo Phật, hướng đến cái thiện và làm việc thiện, tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và thực hiện các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương./.

Đoàn cán bộ tỉnh đến thăm, chúc mừng các cơ sở thờ tự Phật giáo nhân dịp Đại lễ Phật đản

Đoàn cán bộ tỉnh đến thăm, chúc mừng các cơ sở thờ tự Phật giáo nhân dịp Đại lễ Phật đản

Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 10 tôn giáo, trong đó, Phật giáo có 314 cơ sở thờ tự với khoảng 300.000 tín đồ. Nhân dịp Đại lễ Phật đản Vesak Phật lịch 2563 - Dương lịch 2019, Đoàn cán bộ Tỉnh ủy - HĐND - UBND - UBMTTQ Việt Nam tỉnh vừa tổ chức đến thăm và chúc mừng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện.

Đại lễ Vesak là lễ hội văn hóa thế giới được Liên Hiệp Quốc công nhận vào ngày 15/12/1999 nhằm kỷ niệm ngày Đức Phật đản sanh, Bậc minh triết xuất hiện nơi đời vì sự hạnh phúc cho mọi người, vì sự an lạc cho chúng sanh. Từ ngày 12 đến 14/5, Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc (Vesak 2019) tổ chức tại chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam, với chủ đề Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững. Đây là lần thứ 3 Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc được tổ chức tại Việt Nam. Đoàn Long An có hơn 10 người tham dự.

Năm nay, công tác chuẩn bị, tổ chức Đại lễ Phật đản Vesak Phật lịch 2563 - Dương lịch 2019 tại các cơ sở thờ tự của Phật giáo diễn ra chu đáo, trang nghiêm. Tại cấp tỉnh, Đại lễ Phật đản sẽ tổ chức tại chùa Thiên Châu vào ngày 19/5 (nhằm ngày 15/4 Kỷ Hợi).

(Nguồn: Ban Tôn giáo, Sở Nội vụ tỉnh và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh)

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết