Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”. Độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân là mục tiêu phấn đấu của Đảng Cộng sản Việt Nam và đó cũng là cái đích của dân chủ.
Thấm nhuần lời căn dặn của Người, từ khi ra đời cho đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn thực thi vị trí, vai trò trung tâm, phát huy sở trường, thế mạnh của mình, tạo động lực cơ bản cho sự phát triển bền vững của dân tộc. Bởi vì, dân chủ là khát vọng muôn đời, là nguồn sức mạnh của mọi người dân cần lao tiến bộ trên thế giới nói chung, của nhân dân Việt Nam nói riêng. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta khẳng định: “Dân chủ XHCN là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước”.
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng khẳng định: “Tiếp tục phát huy dân chủ XHCN, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Tiếp tục phát huy dân chủ XHCN, thực hiện ngày càng tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân trong việc quyết định những vấn đề lớn và hệ trọng của đất nước”.
Nhờ có quan điểm, đường lối đúng, việc xây dựng, phát huy dân chủ ở Việt Nam những năm qua đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, mang lại hiệu quả thiết thực trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, có ý nghĩa to lớn trong phát triển đất nước, hội nhập, hợp tác quốc tế. Đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, chính trị ổn định, kinh tế phát triển vượt bậc, quốc phòng - an ninh được củng cố và tăng cường, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện, vị thế của nước ta trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.
Sức mạnh dân chủ của Đảng nằm ở bản lĩnh, năng lực, trí tuệ, phẩm chất của toàn Đảng, nhất là ở đội ngũ đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý các cấp là nhân tố cơ bản, trực tiếp để đi tới “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Tuy nhiên, do tác động của mặt trái kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế hiện nay, vấn đề dân chủ trong Đảng cũng nảy sinh những yếu tố phức tạp. Đảng ta công khai, thẳng thắn chỉ ra: Dân chủ trong Đảng còn hạn chế, kỷ luật không nghiêm, một số nơi mất đoàn kết nghiêm trọng. Không ít cấp ủy và tổ chức Đảng thiếu tôn trọng và phát huy quyền của đảng viên, ít lắng nghe ý kiến cấp dưới. Không ít cán bộ lãnh đạo chưa quen với ý kiến phản biện, những thông tin ngược chiều, không thích nghe ý kiến khác với ý kiến của mình. Hiện tượng cán bộ lãnh đạo độc đoán, mệnh lệnh, mất dân chủ,... còn xảy ra ở một số nơi.
Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) chỉ rõ: Nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách trên thực tế ở nhiều nơi rơi vào hình thức do không xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân; khi sai sót, khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm. Do vậy, vừa có hiện tượng dựa dẫm vào tập thể, không rõ trách nhiệm cá nhân, vừa không khuyến khích người đứng đầu có nhiệt tình, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm; tạo kẽ hở cho cách làm việc tắc trách, trì trệ, hoặc lạm dụng quyền lực một cách tinh vi để mưu cầu lợi ích cá nhân;...
Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức thi đua nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025. Để huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, các cấp ủy, tổ chức Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát huy dân chủ trong Đảng, trong xã hội. Bởi, Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, vừa là thành viên, vừa là người lãnh đạo hệ thống chính trị thực hành dân chủ trong xã hội. Thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng sẽ tạo điều kiện, là hình mẫu, tấm gương để cán bộ, đảng viên vận dụng, thực hành ở từng cơ quan, đơn vị, tổ chức, có ý nghĩa quyết định đến việc thực hiện và phát huy dân chủ trong xã hội. Điều này đòi hỏi chúng ta phải thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ “then chốt” là xây dựng Đảng thực sự vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và đội ngũ cán bộ, đảng viên ngang tầm nhiệm vụ.
Phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm tất cả quyền lực Nhà nước đều thuộc về nhân dân. Đây là quan điểm nhất quán của Đảng, phản ánh sâu sắc bản chất chế độ dân chủ ở nước ta. Muốn vậy, khi hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều phải xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Bởi, nhân dân lao động là chủ thể mọi quyền lực, có quyền và nghĩa vụ, quyền hạn và trách nhiệm, cống hiến và hưởng thụ gắn bó chặt chẽ với nhau.
Những thành tựu đạt được trong 37 năm đổi mới đã chứng minh điều đó. Do đó, Đảng phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ của toàn Đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên; tích cực đổi mới, mở rộng dân chủ, chống giáo điều, bảo thủ, trì trệ, tạo điều kiện để nhân dân được tham gia ở tất cả các khâu của quá trình dân chủ hóa đất nước. Đồng thời, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng đầy đủ, đồng bộ, chặt chẽ, minh bạch, phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước và thông lệ quốc tế; kiên quyết phê phán và nghiêm trị những hành vi vi phạm quyền làm chủ của nhân dân; lợi dụng dân chủ làm tổn hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc và quyền làm chủ của nhân dân.
Phải thực sự mở rộng và phát huy dân chủ trong sinh hoạt đảng, nhất là việc thảo luận, quyết định những vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của chi bộ và trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của đảng viên; xây dựng, bổ sung hoàn thiện các quy chế, quy định về thực hiện cơ chế dân chủ, tạo được không khí cởi mở, chân thành để mọi cán bộ, đảng viên bày tỏ chính kiến, tâm tư, nguyện vọng của mình; thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao tinh thần tự phê bình và phê bình, bảo vệ những đảng viên thẳng thắn đấu tranh chống các biểu hiện sai trái, tiêu cực,... Việc thực hiện dân chủ trong sinh hoạt đảng có ý nghĩa quyết định khi thực hiện nguyên tắc dân chủ trong toàn bộ hoạt động của Đảng.
Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ không chỉ trong Đảng mà với đội ngũ cán bộ nói chung, do đó, phải phát huy dân chủ trong công tác cán bộ. Tiếp tục đổi mới và hoàn thiện công tác quy hoạch, đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ bảo đảm công tâm, khách quan, khoa học, chống độc đoán, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm, chống dân chủ hình thức; đổi mới và hoàn thiện chế độ bầu cử trong Đảng, trong hệ thống Nhà nước;... nhằm lựa chọn được những cán bộ, đảng viên thực sự có phẩm chất chính trị, đạo đức, có năng lực lãnh đạo, được tập thể đảng viên và quần chúng tín nhiệm.
Đấu tranh bác bỏ luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch. Những quan điểm đòi “đa nguyên chính trị”, “đa đảng đối lập”; đồng thời, đấu tranh loại trừ tệ quan liêu, tham nhũng, là nguy cơ, thách thức đối với sự sống còn của Đảng, của cách mạng nước ta, là thủ phạm chính gây ra tình trạng mất dân chủ trong Đảng, gây bức xúc trong xã hội. Kiên quyết đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, đặc quyền, đặc lợi, hách dịch, cửa quyền, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng Đảng, từ đó góp phần thực hành dân chủ, làm lành mạnh các quan hệ xã hội.
Tăng cường công tác dân vận, phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức thành viên tham gia xây dựng Đảng, góp phần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và dân. Làm tốt công tác dân vận không chỉ giúp đảng cầm quyền khắc phục được tình trạng mất dân chủ, quan liêu, xa dân, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí,... mà còn góp phần vào việc bảo đảm và phát huy dân chủ đối với xã hội.
Thực hiện tốt dân chủ trong Đảng là nguồn gốc, cơ sở để thực hiện dân chủ trong xã hội; góp phần giữ vững và củng cố vai trò lãnh đạo của Đảng, lãnh đạo toàn dân thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, phấn đấu đến năm 2045, nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao theo định hướng XHCN./.
Trần Văn Toàn (Trường Chính trị Lê Duẩn, Quảng Trị)