Tiếng Việt | English

31/03/2019 - 11:13

Phát huy hiệu quả mô hình “Tập hợp phụ nữ di cư từ nơi khác đến”

Là đô thị cửa ngõ của vùng đồng bằng sông Cửu Long, TP.Tân An, tỉnh Long An đang thu hút đông đảo lao động từ nơi khác đến. Trong đó, lực lượng lao động nữ chiếm số lượng khá đông. Trước tình hình trên, nhiều xã, phường trên địa bàn thành phố thành lập mô hình Tập hợp phụ nữ di cư từ nơi khác đến nhằm giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi để các chị làm việc, sinh sống, qua đó góp phần bảo đảm an ninh, trật tự (ANTT) tại địa bàn.

Vào ngày nghỉ các chị tích cực tham gia trồng hoa ở các tuyến đường trên địa bàn phường Tân Khánh

Vào ngày nghỉ các chị tích cực tham gia trồng hoa ở các tuyến đường trên địa bàn phường Tân Khánh 

Hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời

Ra đời từ tháng 4/2017, mô hình Tập hợp phụ nữ di cư từ nơi khác đến của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Tân Khánh hiện có 20 hội viên tham gia, phần lớn các chị làm công nhân, số ít buôn bán nhỏ, lẻ. Được biết, các chị đến từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước: Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau,... điểm chung của các chị là có hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Chị Trần Thị Kim Nguyên đến từ tỉnh Trà Vinh tâm sự: Cuộc sống ở quê khó khăn quá nên tôi lên Long An tìm việc làm. Những ngày đầu đến đây, với tôi mọi thứ đều mới mẻ, tôi chỉ đi làm rồi về phòng trọ. Nhưng từ khi được các chị trong Hội LHPN phường Tân Khánh vận động tham gia mô hình, tạo điều kiện để tôi tham gia các hoạt động tại địa phương như hái hoa dân chủ, tham gia văn nghệ, được bổ sung nhiều kiến thức bổ ích về Luật Lao động, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình,... tôi thấy rất ấm áp.

Có thể nói, mô hình Tập hợp phụ nữ di cư từ nơi khác đến đang là địa chỉ tin cậy của lao động nữ xa quê.

Chủ tịch Hội LHPN phường Tân Khánh - Võ Thị Một cho biết: Tham gia mô hình, các chị sẽ được địa phương giới thiệu chỗ ở. Mỗi quí, chúng tôi tổ chức họp một lần, đây là dịp để các chị tham gia sinh hoạt, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Ngoài ra, thông qua các buổi họp, chúng tôi sẽ nắm bắt được những tâm tư, nguyện vọng của các chị để từ đó có sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời. Cụ thể, trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, địa phương tặng 5 phần quà cho các chị có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện về quê ăn tết. Mỗi phần quà bao gồm gạo, đường, bột ngọt và một số nhu yếu phẩm khác, trị giá 300.000 đồng/phần.

Hướng dẫn tận tình

Là một trong những địa phương có cụm công nghiệp lớn trên địa bàn TP.Tân An, xã Lợi Bình Nhơn đang là nơi thu hút đông đảo lao động từ nơi khác đến, trong đó có lao động nữ.

Chủ tịch Hội LHPN xã Lợi Bình Nhơn - Đoàn Thị Kim Quyên chia sẻ: Lợi Bình Nhơn tập trung khá nhiều lao động nữ từ nơi khác đến. Trước thực tế đó, năm 2017, Hội LHPN xã thành lập mô hình Tập hợp phụ nữ di cư từ nơi khác đến. Mục đích của mô hình nhằm giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi để các chị làm việc, có chỗ ở an toàn. Đặc biệt, đối với các chị chưa có việc làm, địa phương sẽ hỗ trợ, giới thiệu việc làm cho các chị. Bên cạnh đó, chúng tôi còn hướng dẫn các chị đến cơ quan chuyên môn để đăng ký tạm trú, tạm vắng, góp phần bảo đảm ANTT. Hiện nay, mô hình này có 26 chị tham gia sinh hoạt.

Sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, mô hình của Hội LHPN xã Lợi Bình Nhơn vẫn tiếp tục duy trì sinh hoạt vào ngày 15 tháng cuối quí. Tại các buổi sinh hoạt, địa phương thường xuyên tuyên truyền, vận động chị em công nhân về ANTT như không nghe lời các đối tượng xấu tụ tập, đình công gây mất trật tự, kết quả, các chị cam kết không tham gia đình công và khiếu kiện đông người.

Định kỳ mỗi quí, địa phương sẽ tổ chức họp một lần, đây là nơi giao lưu, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau giữa các chị

Định kỳ mỗi quí, địa phương sẽ tổ chức họp một lần, đây là nơi giao lưu, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau giữa các chị

Bên cạnh đó, Hội LHPN xã còn phối hợp lực lượng công an, tư pháp tuyên truyền những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giúp các chị bổ sung nhiều kiến thức bổ ích về Luật Lao động và các biện pháp phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ gìn ANTT tại cơ sở. Năm 2018, hội tổ chức được 4 cuộc, có 113 lượt người dự. Ngoài ra, nhân dịp 8/3 và 20/10, địa phương chủ động mời các chị tham gia sinh hoạt, giao lưu, qua đó góp phần thắt chặt tình đoàn kết của phụ nữ di cư từ nơi khác đến với hội viên phụ nữ của xã.

Trước những kết quả thiết thực trên, mô hình Tập hợp phụ nữ di cư từ nơi khác đến đang là cầu nối tin cậy giữa cấp ủy Đảng, chính quyền với người lao động di cư từ nơi khác đến, hơn hết, mô hình còn góp phần tích cực trong bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại địa bàn./.

Nguyễn Dung

Chia sẻ bài viết