Tiếng Việt | English

04/02/2025 - 13:15

Những người 'vác tù và hàng tổng'

Bằng uy tín và kinh nghiệm của mình, những người làm công tác hòa giải ở cơ sở kịp thời giải quyết những mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng dân cư. Những người “vác tù và hàng tổng” ấy chính là “cầu nối” gắn kết cộng đồng dân cư, thắt chặt tình làng, nghĩa xóm, góp phần giữ vững an ninh, trật tự tại địa phương.

Ông Đặng Văn Tấn Thông (giữa) góp phần vun đắp cho “tình làng, nghĩa xóm” thêm thân thiết

1. Cần mẫn với công việc lặng lẽ và cao quý của mình suốt nhiều năm qua, ông Đặng Văn Tấn Thông - Trưởng ban Công tác Mặt trận, kiêm Tổ trưởng Tổ hòa giải ấp Voi Đình, xã Thủy Đông, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An góp phần vun đắp cho “tình làng, nghĩa xóm” thêm thân thiết. Trước khi tham gia hoạt động này, ông Thông có 21 năm làm Trưởng ấp Voi Đình và là đại biểu HĐND xã nên nắm rõ tình hình thực tiễn địa phương và sâu sát từng hoàn cảnh của các hộ gia đình.

Theo ông Thông, mâu thuẫn phát sinh nhiều nhất trong cộng đồng là những xích mích, bất hòa liên quan đến tranh chấp đất đai, nợ nần,… Khi tiếp nhận vụ việc, ông luôn lắng nghe từ hai phía; đồng thời, tập hợp những tài liệu, nghiên cứu thực tế, diễn biến vụ việc, dư luận người dân và quy định của pháp luật để tìm cách giải quyết sao cho thấu tình đạt lý.

Ông Thông chia sẻ: “Để thuyết phục hai bên đi đến thỏa thuận, trong quá trình hòa giải, tùy vụ việc, ngoài kiến thức pháp luật thì tổ hòa giải vận dụng những phong tục, tập quán, quy ước, nhẹ nhàng phân tích, giải thích có lý, hợp tình theo phương châm “đúng - sai phân minh”, “lý tình trọn vẹn”. Hòa giải viên phải giúp các bên “hòa” thì mới “giải” được những mâu thuẫn. Tôi còn tranh thủ sự giúp đỡ của những người có uy tín trong dòng họ để họ có thêm tiếng nói trong những vụ mâu thuẫn lớn của gia đình. Ngoài ra, người hòa giải viên phải nắm chắc các luật và các điểm yếu của vấn đề mới hòa giải thành công”.

2. Từ năm 2006 đến nay, ông Văn Thanh Hải được biết đến là Trưởng Khu phố, kiêm hòa giải viên khu phố Thủ Tửu 1, phường Tân Khánh, TP.Tân An gương mẫu, uy tín, nhiệt tình trong công tác hòa giải ở cơ sở. Những vụ việc mà ông hòa giải thành liên quan tranh chấp hàng rào, đất đai, cọc khi mua hàng, ly hôn, nợ nần, cho vay,…

Ông Văn Thanh Hải luôn kiên trì, nhiệt huyết trong công tác hòa giải cơ sở

Ông Hải cho biết: “Muốn làm tốt công tác hòa giải, các hòa giải viên ngoài nghiên cứu để nắm rõ vụ việc, tìm hiểu đặc tính của từng người thì cần phải thường xuyên tìm hiểu thêm kiến thức pháp luật, nhất là những bộ luật liên quan đến các sự việc thường gặp như Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Đất đai và các tài liệu hướng dẫn về nghiệp vụ hòa giải; thường xuyên tham dự các hội thi, tập huấn nhằm trang bị thêm kiến thức hòa giải trên các lĩnh vực”.

Cũng theo ông Hải, ngoài sự kiên trì, nhiệt tình, những thành viên trong tổ hòa giải phải trong sạch, liêm chính, công tâm, khách quan, vô tư, đặt chữ “tình”, chữ “tâm’’ lên hàng đầu. Bản thân người hòa giải có lối sống gương mẫu, tiên phong trong các phong trào của địa phương thì mới tạo uy tín và thực hiện hòa giải thành công.

Với phụ cấp ít, nhiều vụ cam go, phải thực hiện hòa giải nhiều lần mới thành công nhưng những người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” vẫn tích cực làm việc bằng cái tâm và trách nhiệm mà không đòi hỏi lợi ích hay sự đền đáp nào. Với họ, những vụ việc được hòa giải thành và được người dân tin yêu, quý mến chính là niềm vui và là động lực để tiếp tục gắn bó với nghề./.

Ngọc Mận

Chia sẻ bài viết