Tiếng Việt | English

19/08/2021 - 07:54

Phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ

Những năm qua, trên địa bàn tỉnh Long An có nhiều tấm gương cựu chiến binh (CCB) vượt khó làm kinh tế giỏi, nhiệt tình với công tác xã hội và tiên phong trong các phong trào xây dựng quê hương. Qua đó, càng làm sáng lên những phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ.

Cựu chiến binh Nguyễn Minh Chánh với mô hình nuôi dê thương phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao

Cựu chiến binh Nguyễn Minh Chánh với mô hình nuôi dê thương phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao

Vượt khó, làm giàu

Mạnh dạn chuyển đổi, lựa chọn mô hình phù hợp để đầu tư phát triển kinh tế, CCB Nguyễn Minh Chánh (SN 1966, ấp Xoài Đôi, xã Long Trạch, huyện Cần Đước) vươn lên làm giàu, trở thành điển hình trong phong trào “CCB làm kinh tế giỏi” tại địa phương. Năm 1985, ông nhập ngũ, tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia.

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ, năm 1988, ông trở về địa phương và bắt tay vào phát triển kinh tế gia đình. Những ngày đầu, ông gặp không ít khó khăn. Cả gia đình khi ấy chỉ trông chờ vào số tiền ít ỏi từ việc làm hồ và chạy Honda ôm của ông. Dù vợ chồng ông vất vả làm lụng nhưng cũng chỉ đủ trang trải cho cuộc sống. Suy nghĩ về việc lựa chọn hướng phát triển phù hợp để đưa kinh tế gia đình đi lên luôn khiến ông trăn trở hàng đêm.

Với phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, không đầu hàng trước khó khăn, ông tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi và đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi dê. Do thiếu kinh nghiệm nên ông thất bại, có lúc tưởng phải bỏ cuộc nhưng ý chí và nghị lực của người lính đã giúp ông vượt qua khó khăn. Ông tiếp tục nghiên cứu, học hỏi thêm. Sau nhiều năm kiên trì, đến nay, kinh tế của gia đình ông ổn định nhờ vào nuôi dê.

Ông Chánh cho biết: “Với hơn 50 con dê giống và thương phẩm, từ 7-8 tháng, tôi xuất bán một lần, mỗi lần 20-30 con được khoảng 60 triệu đồng. Nhờ mô hình chăn nuôi này mà gia đình tôi có điều kiện để nuôi con ăn học. Đến nay, 4 người con của tôi đều có việc làm ổn định”.

Không chỉ sản xuất giỏi, ông Chánh còn là CCB gương mẫu, đi đầu trong các phong trào của địa phương. Được biết, ông Chánh trước đây là Đội trưởng Đội Dân phòng ấp Xoài Đôi, thường xuyên tham gia giữ gìn an ninh, trật tự và giải quyết các tranh chấp tại địa phương. Là người có uy tín ở địa phương, ông luôn lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân; tuyên truyền, vận động người dân xây dựng đời sống văn hóa, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Ông sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn từng bước phát triển kinh tế, vươn lên ổn định cuộc sống.

Chủ tịch Hội CCB xã Long Trạch - Lê Hoàng Rong cho biết: “Với phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, CCB Nguyễn Minh Chánh đã không ngừng nỗ lực vượt khó vươn lên phát triển kinh tế gia đình và trở thành hội viên CCB điển hình, gương mẫu tại địa phương. Bên cạnh đó, CCB Nguyễn Minh Chánh cũng là tấm gương sáng về sự năng nổ, nhiệt tình trong các hoạt động công tác xã hội, được nhiều người tin tưởng và quý trọng”.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Hoàng đã và đang góp phần đưa cây mai vàng Tân Tây vươn xa hơn

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Hoàng đã và đang góp phần đưa cây mai vàng Tân Tây vươn xa hơn

Góp sức xây dựng quê hương

Sau khi thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia, nhiều CCB trở về quê hương, tiếp tục với cuộc sống đời thường và bắt tay vào làm kinh tế, góp phần xây dựng quê hương. Một trong những CCB có nhiều đóng góp là ông Nguyễn Văn Hoàng (SN 1964, xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa). Xuất thân trong gia đình có truyền thống cách mạng, năm 1984, ông Hoàng tham gia chiến đấu tại mặt trận 779 (Campuchia).

Đến năm 1987, ông trở về quê và tham gia vào Ban Chỉ huy Quân sự xã Tân Tây cho đến khi về hưu. Thời bấy giờ, người dân địa phương chủ yếu làm lúa, hiệu quả kinh tế không cao. Với tinh thần ham học hỏi và sự nỗ lực của bản thân, năm 2003, ông Hoàng trở thành một trong những người đầu tiên chuyển đổi từ cây lúa sang cây mai vàng.

Theo ông Hoàng, cây mai vàng mang lại giá trị kinh tế cao gấp 20 lần so với cây lúa, do đó, nhiều người dân địa phương đã chuyển sang trồng mai. Đến nay, xã Tân Tây có gần 300ha mai vàng.

Tháng 7/2020, UBND tỉnh công nhận làng mai xã Tân Tây là làng nghề với tên “Làng mai vàng Tân Tây”, CCB Nguyễn Văn Hoàng vinh dự được chính quyền và người dân địa phương tin tưởng chọn làm Trưởng ban Đại diện làng nghề. Với nhiệm vụ mới, ông thành lập 2 tổ hợp tác trồng mai vàng với hơn 60 thành viên, qua đó góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương,...

Ngoài ra, ông còn là Ủy viên Ban Chấp hành Câu lạc bộ Doanh nhân CCB - Cựu quân nhân tỉnh.

“Những năm gần đây, cây mai vàng mang lại giá trị kinh tế cho người dân địa phương. Riêng gia đình tôi, với hơn 2ha mai vàng mang lại thu nhập từ 6-8 tỉ đồng mỗi đợt bán (từ 3-3,5 năm/đợt). Với vai trò là Trưởng ban Đại diện làng nghề, tôi đang phối hợp các ngành, địa phương xây dựng một sản phẩm mai vàng đặc trưng của làng nghề, hứa hẹn đưa danh tiếng mai vàng Tân Tây vươn xa hơn nữa” - CCB Nguyễn Văn Hoàng chia sẻ.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông còn tích cực với công tác xã hội. Mỗi năm, gia đình ông đóng góp gần 20 triệu đồng cho các hoạt động của địa phương như hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, làm đường giao thông nông thôn, lắp đặt đèn đường,…

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Tây - Lê Xuân Hảo chia sẻ: “CCB Nguyễn Văn Hoàng luôn phát huy các phẩm chất tốt đẹp của người lính Bộ đội Cụ Hồ, gương mẫu, đi đầu trong các phong trào thi đua và nhiệt tình với công tác xã hội ở địa phương. Những đóng góp của ông đã góp phần không nhỏ vào quá trình xây dựng, giữ vững và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới của xã Tân Tây”.

Dù với mô hình kinh tế nào, vai trò nào, các CCB trên địa bàn tỉnh sẽ đều phát huy tinh thần gương mẫu, quyết tâm vượt khó và cống hiến hết sức mình để xây dựng quê hương./.

M.Tuệ

Chia sẻ bài viết