Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao giấy chứng nhận danh hiệu Học không bao giờ cùng cho các đại biểu được nhận học bổng. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)
Phát huy vai trò của gia đình, dòng họ trong xây dựng xã hội học tập, thúc đẩy học tập suốt đời, trên khắp các vùng quê Việt Nam đã xuất hiện nhiều giải pháp, nhiều mô hình học tập hiệu quả.
Xây dựng gia đình, phát triển văn hóa trong từng gia đình, dòng họ và xây dựng xã hội học tập có vai trò cốt lõi trong quá trình phát triển, sự thịnh vượng của một quốc gia, mang lại hạnh phúc cho từng thành viên trong gia đình, dòng họ; góp phần phát triển con người Việt Nam toàn diện, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Gia đình, dòng họ góp phần phát triển con người Việt Nam toàn diện
Theo Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, thực tế cho thấy dòng họ Việt Nam đã trải qua hàng ngàn năm, đã đi cùng đất nước và có đóng góp to lớn trong tất cả các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất và xây dựng đất nước.
Dù trong hoàn cảnh nào, dòng họ cơ bản vẫn giữ được tính tổ chức bền chặt, nền nếp, thuận hòa. Dòng họ Việt Nam luôn có tôn ti trật tự và luôn giữ gìn được những truyền thống quý báu của tổ tiên, đặc biệt là truyền thống hiếu học, truyền thống cách mạng, nhân ái.
Nhận thức được vai trò quan trọng của gia đình, dòng họ đối với việc giáo dục truyền thống, phát triển giáo dục-đào tạo, kinh tế-xã hội của đất nước, từ năm 1999, Hội Khuyến học Việt Nam đã đề nghị và sau đó được Chính phủ giao nhiệm vụ thực hiện các mô hình học tập, trong đó có mô hình “Gia đình học tập,” “Dòng họ học tập."
Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Doan cho biết mục đích của việc thực hiện các mô hình này là vận động người dân học tập thường xuyên và suốt đời để bồi đắp tri thức, phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội ở địa phương, từ đó xây dựng xã hội học tập ở nước ta.
Đây là những mô hình đặc sắc không có ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới và những danh hiệu này do Nhà nước quy định; việc đánh giá, phong tặng do chính quyền các cấp thực hiện. Nội dung của mỗi mô hình chứa đựng những nét đẹp truyền thống được tôn vinh qua từng tiêu chí, chứa đựng tình cảm và sự sáng tạo của lớp lớp thế hệ làm khuyến học, được các cấp lãnh đạo ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho Hội thực hiện và được các gia đình, dòng họ đồng tình hưởng ứng.
Hiện nay, nhiều dòng họ đã coi việc khuyến học, khuyến tài là nhiệm vụ xuyên suốt để phát huy truyền thống hiếu học của con cháu, góp phần xây dựng và phát triển nguồn nhân lực cho đất nước, tích cực dùng tri thức học tập để tạo lập cuộc sống cá nhân và cộng đồng sung túc, hạnh phúc hơn. Qua đó, nhiều gia đình, dòng họ tiêu biểu đã được vinh danh trong Đại hội biểu dương những mô hình học tập tiêu biểu toàn quốc năm 2016 và 2021.
Qua thời gian 22 năm thực hiện đầy khó khăn, đến nay, thực tế đã chứng minh vai trò đặc biệt quan trọng của gia đình, dòng họ trong việc phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn nét đẹp văn hóa ở làng, xã, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội thông qua việc thực hiện các mô hình học tập.
Trong bối cảnh hiện nay, sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự bùng nổ internet, mạng xã hội, các ngành công nghiệp giải trí, các trào lưu xã hội… đã tác động trực tiếp đến tâm tư, tình cảm, lối sống của mỗi người dân, gia đình, dòng họ, quốc gia, đặc biệt là của giới trẻ (lực lượng chính xây dựng đất nước hiện nay và tương lai), tạo ra sự khác biệt giữa giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại.
Điều này đòi hỏi những cách tiếp cận mới về phát triển văn hóa trong mối tương quan giữa xây dựng xã hội học tập với văn hóa dân tộc và con người Việt Nam trong giai đoạn mới. Đồng thời, cần tăng cường xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời để tạo cơ hội học tập nhằm bồi đắp tri thức cho mọi người ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực để họ có đủ trình độ sàng lọc thông tin, phân biệt những ảnh hưởng tốt, chưa tốt của các trào lưu hiện nay.
Theo Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan, thời gian qua, tư duy và nhận thức về phát triển văn hóa, giữ gìn, phát huy phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam đã được nâng lên nhưng cần được nhìn nhận kết quả đó từ góc độ vai trò của gia đình, dòng họ một cách sâu sắc, thực tế và cụ thể hơn.
Hiện nay, vai trò của gia đình, dòng họ trong vấn đề này rất lớn nhưng chưa được đề cập nhiều trong các công trình nghiên cứu và lan tỏa trong xã hội, đặc biệt là về văn hóa giáo dục, nhất là khi nguyên lý giáo dục là sự phối hợp giữa nhà trường-gia đình-xã hội đang bị mờ nhạt, trong khi giáo dục là con đường tạo dựng các hệ giá trị văn hóa.
Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Doan khẳng định trong bối cảnh hiện nay, việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam thông qua giáo dục truyền thống từ gia đình, dòng họ đóng vai trò nòng cốt, là mạch nguồn để văn hóa dân tộc phát huy giá trị truyền thống, để hội nhập thành công. Bởi truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ là cơ sở hình thành văn hóa dân tộc Việt Nam.
Để phát huy văn hóa gia đình, dòng họ trong xây dựng, phát triển văn hóa của con người Việt Nam giai đoạn hiện nay, các cấp chính quyền, tổ chức, cơ quan, đơn vị cần thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng xã hội học tập, khuyến học-khuyến tài và xây dựng văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Văn hóa của gia đình đang chịu tác động mạnh mẽ từ những trào lưu và biến động của thế giới. Do đó, vai trò của gia đình hiện nay cần được nghiên cứu sớm để có chiến lược phát triển gia đình trong thời kỳ mới; tạo cơ sở để các bộ, ngành, địa phương xây dựng tiêu chuẩn xã hội phù hợp; giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng các chương trình giáo dục phù hợp.
Bà Nguyễn Thị Doan cho biết Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã đề nghị hội khuyến học các địa phương hiểu sâu sắc hơn, nắm vững hơn vai trò của gia đình, dòng họ trong sự nghiệp phát huy giá trị văn hóa dân tộc và những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam trong bối cảnh mới.
Từ đó có những tham mưu chuẩn xác, kịp thời với cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, để có kế hoạch quan tâm, phát triển các mô hình học tập nhằm phát huy văn hóa gia đình, dòng họ trong thời kỳ mới; khơi dậy, phát huy truyền thống quý báu của các gia đình, giữ gìn truyền thống văn hóa địa phương, phát huy phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam, xây dựng quê hương ngày càng phát triển thông qua xây dựng xã hội học tập thành công.
Đa dạng mô hình, cách làm hay về khuyến học, khuyến tài
Trong những năm qua, phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng đời sống văn hóa, gia đình văn hóa; gia đình, dòng họ, đơn vị học tập được các cấp ủy, chính quyền quan tâm, đẩy mạnh.
Quang cảnh hội thảo về Vai trò của gia đình, dòng họ trong xây dựng xã hội học tập góp phần giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa và những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam trong thời kỳ mới ngày 15/8 tại Hà Nội. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Không chỉ tại các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể mà nhiều cá nhân, gia đình, thôn, làng, khu phố cũng chung sức với chính quyền để tạo ra một xã hội học tập, học tập suốt đời.
Tại huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) - một trong 62 huyện đặc biệt khó khăn của cả nước dù đời sống còn nhiều khó khăn nhưng tinh thần hiếu học và phong trào học tập ở các dòng họ người Mông nơi đây rất đáng biểu dương, tiêu biểu là dòng họ Giàng, ở xã Chế Tạo.
Từ việc đúc kết nguyên nhân của cuộc sống vất vả, dù “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng cuộc sống vẫn nghèo khó, là do thiếu trình độ và phương thức canh tác lạc hậu, dòng họ Giàng xác định để cuộc sống của các thành viên trong dòng họ phát triển, phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề học tập. Con em trong dòng họ Giàng luôn tích cực tuyên truyền, vận động các gia đình xóa bỏ hủ tục, quan niệm lạc hậu, quan tâm chăm lo cho việc học tập của con cháu. Trẻ em đến tuổi đi học đều được tạo điều kiện đến trường và không được bỏ học.
Người lớn vẫn phải tiếp tục học tập như tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn làm kinh tế, về luật pháp, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Mọi thành viên trong dòng họ luôn quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập và phát triển kinh tế gia đình, cùng nhau thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, dòng họ luôn phát huy tinh thần tương thân tương ái, động viên, hỗ trợ để con, cháu không phải bỏ học giữa chừng.
Từ nguồn quỹ vận động mỗi gia đình ủng hộ 200.000 đồng/năm, hàng năm dòng họ Giàng đã kịp thời biểu dương, khen thưởng con cháu có thành tích học tập tốt…
Bên cạnh đó, dòng họ luôn quan tâm gìn giữ truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc thông qua việc giáo dục con, cháu trân trọng trang phục truyền thống, tín ngưỡng dân gian đặc sắc của người Mông; phát triển, gìn giữ kho tàng dân ca, dân vũ, truyện cổ, nhạc cụ dân tộc truyền thống của dân tộc.
Từ nhận thức đúng đắn và những việc làm thiết thực, cụ thể trong công tác khuyến học, khuyến tài; sự nỗ lực, khắc phục khó khăn trong học tập nâng cao trình độ, dòng họ Giàng ở xã Chế Tạo hiện có 17 người có trình độ đại học, 12 người có trình độ cao đẳng, 15 người có trình độ trung cấp, 16 cháu đang theo học các trường chuyên nghiệp từ trung cấp đến đại học.
Bên cạnh đó, các gia đình đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác, sản xuất, đời sống ngày càng được nâng cao, xứng đáng là tấm gương tiêu biểu “dòng họ hiếu học” trong đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện vùng cao Mù Cang Chải nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung.
Tại Ấp 1, xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, hộ gia đình bà Nguyễn Thị Thân được bà con nhân dân và đoàn thể xã hội biết đến với tên gọi “Gia đình hiếu học cấp tỉnh” – danh hiệu do Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang trao tặng.
Gia đình bà Thân còn được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam trao Bằng khen “Gia đình hiếu học tiêu biểu;” dòng họ Nguyễn của gia đình được Hội khuyến học địa phương công nhận “Dòng họ hiếu học.”
Con trai bà Thân - anh Nguyễn Chí Định hiện là Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tiền Giang chia sẻ: “Ba anh sinh ra từ ruộng đồng, dù học chưa hết lớp 5 trường làng nhưng biết quan tâm đến thời cuộc, biết tự đọc sách báo, tài liệu để tổ chức hoạt động sản xuất, nuôi dạy các con khôn lớn. Mẹ anh học chưa hết lớp 3, đọc và viết chữ chưa thành thạo nhưng sớm hiểu được giá trị của việc học. Sinh thời, ba má anh luôn nhắc nhở các con phải cố gắng học hành thật tốt. Sự truyền dạy của ba, má về đạo làm người, về giá trị của việc học, về định hướng nghề nghiệp để khẳng định bản thân đã thấm sâu vào nhận thức của 9 anh em ngay từ thuở nhỏ. Nhận thức ấy lớn dần lên theo năm tháng, trở thành ý chí, hành động, quyết tâm mãnh liệt của 9 anh em khi phải mồ côi cha ở tuổi mười lăm, đôi mươi.
Ba mất sau cơn bệnh hiểm nghèo, gia đình rơi vào cảnh túng thiếu triền miên, mấy mẹ con anh Định vừa làm lụng trên mảnh ruộng, luống rau của mình, vừa phải cày thuê cuốc mướn cho bà con làng trên xóm dưới để đủ tiền trang trải cho việc học. Dù là bà mẹ nghèo khó, nhưng mẹ anh biết đảm đang quán xuyến việc lao động sản xuất và việc học của các con, là hậu phương vững chắc để anh em anh học hành thành đạt.
Một đời tần tảo với ruộng vườn, bà Thân - mẹ anh đã nuôi dạy các con khôn lớn, thành đạt với một tiến sỹ, một nghiên cứu sinh, 4 thạc sỹ, 3 cử nhân, trong đó có những người được nhà nước trao những trọng trách quan trọng trong xã hội.
Được Nhà nước trợ cấp 360.000/tháng cho người cao tuổi, bà Thân dành trọn số tiền đó ủng hộ Quỹ khuyến học của gia đình. Cháu nào báo trúng tuyển đại học, lập tức được bà thưởng nóng 5 triệu đồng. Số tiền ấy tuy không lớn nhưng là tấm lòng, tình cảm, sự động viên, khích lệ của bà đối với việc học hành của con cháu.
Phát huy truyền thống cần cù, hiếu học, coi trọng việc học của gia đình và dòng họ, 9 anh em và 15 cháu trong đại gia đình anh Định luôn tâm nguyện phải học tập liên tục, suốt đời để làm gương cho con cháu; phải phụng dưỡng cha mẹ, ông bà và là công dân tích cực trong việc xây dựng xóm ấp của mình trở thành xã hội học tập.
Qua những gương điển hình về dòng họ, gia đình có thể khẳng định, các dòng họ, gia đình đều coi sự học là linh hồn; là nhiệm vụ xuyên suốt. Truyền thống hiếu học của các gia đình, dòng họ hôm nay là sự tiếp nối, gìn giữ và phát huy nét đẹp trong văn hóa giáo dục, văn hóa đời sống của dân tộc.
Những tấm gương hiếu học, gia đình học tập, dòng họ học tập tiêu biểu trong cộng đồng xuất hiện ngày càng nhiều chính là nguồn lực vững chắc để góp phần xây dựng xã hội học tập trong giai đoạn cách mạng mới./.
M.H (TTXVN/Vietnam+)