Tiếng Việt | English

09/02/2024 - 09:35

Phát triển hệ thống giao thông kết nối, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội

Hàng loạt công trình giao thông trọng điểm được triển khai trên địa bàn tỉnh Long An trong 2 nhiệm kỳ qua tiếp tục khẳng định quyết sách đúng đắn, tầm nhìn chiến lược của tỉnh trong phát triển KT-XH gắn với liên kết vùng, hướng tới mục tiêu đưa Long An trở thành tỉnh phát triển khá trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối

Thời gian qua, tỉnh ưu tiên mọi nguồn lực đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông, đặc biệt tại các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh. Trong đó, phải kể đến các tuyến huyết mạch như Đường tỉnh (ĐT) 830 nối liền 4 huyện công nghiệp đến Cảng Quốc tế Long An, mở ra lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư cho tỉnh. Công trình trọng điểm đường Vành đai TP.Tân An cũng kịp hoàn thành trong những ngày cuối cùng của năm 2023, tạo niềm vui, phấn khởi cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh. 

Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính kiểm tra tiến độ dự án Đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua tỉnh Long An (Ảnh: Thanh mỹ)

Trên công trình trọng điểm đường Vành đai 3 TP.HCM những ngày cuối năm, không khí thi công tại 3 gói thầu xây lắp nhộn nhịp hơn thường ngày. Tại 20 mũi thi công có trên 100 kỹ sư, công nhân, máy móc, phương tiện được huy động trên công trình. Tại gói thầu xây lắp 1, cách nay vài tháng, khó khăn bộn bề bởi nguồn vật liệu xây dựng khan hiếm. Đây cũng là gói thầu cần lượng lớn cát và đất san lấp.

Tuy nhiên, với nhiều nỗ lực của Sở Giao thông Vận tải (GTVT), ngành Tài nguyên và Môi trường, đơn vị thi công, đến nay, nguồn cung vật liệu ổn định với khoảng 63.000m3 cát được tập kết tại công trình; đồng thời, ký hợp đồng với các đơn vị cung cấp cát được khoảng 100.000m3 cát, bảo đảm giải quyết cho khối lượng cát theo tiến độ thi công. Thông tin từ Sở GTVT, đến cuối tháng 12/2023, cả 3 gói thầu xây lắp của dự án (DA) đường Vành đai 3 TP.HCM đều bảo đảm tiến độ, đạt gần 14%. 

Đại diện gói thầu xây lắp 1 - Nguyễn Đức Lộc khẳng định, với ý nghĩa của công trình trọng điểm, các đơn vị liên danh luôn ý thức trách nhiệm, nỗ lực phối hợp Sở GTVT thi công bảo đảm chất lượng, tiến độ để công trình sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng, phục vụ phát triển KT-XH của địa phương.

Còn tại DA ĐT830E, dù gặp nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng nhưng với quyết tâm, nỗ lực của Sở GTVT, huyện Bến Lức cùng các đơn vị thi công, đến nay, đoạn từ nút giao ĐT830 đến đường Nguyễn Văn Nhâm, gói thầu đơn nguyên bên trái tuyến đạt 5,44%; gói thầu đơn nguyên bên phải tuyến đạt 9,66%. Đoạn từ đường Nguyễn Văn Nhâm đến Quốc lộ (QL) 1, gói thầu đơn nguyên bên trái tuyến đạt 3,68% và đơn nguyên bên phải tuyến đạt 9,43%.

Ngoài ra, các DA giao thông thuộc chương trình đột phá như nâng cấp, mở rộng ĐT824 đoạn từ Tua Một đến cầu kênh Ranh; Đường Tân Tập - Long Hậu - QL50 - Cảng Quốc tế Long An hiện hoàn thành, đưa vào sử dụng. Cùng với đó, DA đường cặp kênh Tây; ĐT826E; ĐT823D - Trục mở mới Tây Bắc kết nối Long An - TP.HCM;... cũng được các đơn vị thi công tập trung đẩy nhanh tiến độ. 

Kỳ vọng tạo sự bứt phá

Sau hơn 6 tháng thi công, hình hài tuyến đường Vành đai 3 TP.HCM dần hiện hữu. Chủ tịch UBND huyện Bến Lức - Lê Thành Út cho biết, mặc dù thực hiện DA này rất gấp rút nhưng với trách nhiệm của địa phương, huyện nỗ lực thực hiện các giải pháp tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận của người dân trong giải phóng mặt bằng. Chỉ trong thời gian ngắn, huyện đã gần hoàn tất công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đến cuối tháng 12-2023, toàn DA chỉ còn 4 hộ chưa đồng thuận. Cùng với đó, huyện nỗ lực để phối hợp Sở GTVT, các đơn vị thi công giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện DA.

Trong chuyến khảo sát tiến độ DA, chiếc xe chở Đoàn công tác băng qua những con đường giao thông nông thôn qua địa bàn 3 xã: Tân Bửu, Mỹ Yên và Tân Hòa. Xen những cánh đồng lúa xanh mướt cùng vài vạt rừng tràm nhỏ, tuyến đường Vành đai 3 TP.HCM như một "đại công trường" vẽ lên nền xanh của ruộng đồng một màu nâu thẫm của đất, cát cùng tiếng nổ giòn tan của hàng loạt động cơ máy xúc, máy ủi. “Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, xã Tân Hòa là vùng đất anh hùng cách mạng nhưng đây là xã vùng sâu, khó khăn nhất của huyện Bến Lức, đến đường đi cũng khó khăn chứ chưa nghĩ đến phát triển.

Tuy nhiên, từ khi DA đường Vành đai 3 TP.HCM được triển khai đã mở ra hướng phát triển mới cho huyện và vùng đất khó khăn này. Dọc theo 2 tuyến đường Vành đai 3 TP.HCM đều được quy hoạch những DA công nghiệp, đô thị, thương mại. 3 năm, 5 năm nữa, khi trở lại Tân Hòa nói riêng và huyện Bến Lức nói chung sẽ là sự phát triển vượt bậc” - ông Lê Thành Út kỳ vọng.

Sau 6 tháng thi công, tuyến đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua Long An dần hiện hữu

Còn Giám đốc Sở GTVT - Đặng Hoàng Tuấn khẳng định: “Khi các công trình giao thông thuộc chương trình đột phá và các công trình trọng điểm hoàn thành, hệ thống GTVT của tỉnh sẽ được hoàn thiện theo hướng đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối cao. Đây sẽ là động lực để tỉnh bứt phá trong phát triển KT-XH, thu hút đầu tư, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, bảo đảm an ninh - quốc phòng và giúp tỉnh tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”.

Vui mừng hơn, trong ngày triển khai nhiệm vụ năm mới, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út thông tin, năm 2023, quy mô nền kinh tế tỉnh đạt 168.108 tỉ đồng, đứng thứ 15 của cả nước và giữ vững vị trí đứng đầu Vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, tỉnh tiếp tục là điểm sáng trong thu hút vốn đầu tư FDI với nguồn vốn đạt khoảng 600 triệu USD, đứng đầu Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Kết quả ấy là cả sự nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, nhất là việc cải thiện PCI cùng việc đầu tư hệ thống giao thông ngày càng đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối cao. Với nhiệm vụ “đi trước mở đường”, năm 2024, Nghị quyết Tỉnh ủy tiếp tục xác định tập trung phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại gắn với đẩy mạnh liên kết vùng, huy động mọi nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng KT-XH, ưu tiên đầu tư các công trình trọng điểm, các công trình thuộc chương trình đột phá về giao thông; đồng thời, phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành Trung ương để kiến nghị sớm đầu tư các công trình quan trọng trên địa bàn tỉnh như Đường Vành đai 4 TP.HCM; cao tốc Bắc - Nam phía Tây, đoạn Chơn Thành - Đức Hòa; đường dẫn vào cầu và 3 cầu trên tuyến ĐT827E; nâng cấp, mở rộng QL62, N2; đầu tư QLN1;...

Với quan điểm "Lộ thông tài thông", "Đại lộ sinh đại phú", tỉnh đang tập trung phát triển, hoàn thiện hệ thống GTVT, nhất là các DA giao thông kết nối phục vụ phát triển KT-XH. Đây cũng là tiền đề để tỉnh hiện thực hóa mục tiêu, khát vọng đưa tỉnh Long An tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu Vùng Đồng bằng sông Cửu Long và trở thành tỉnh phát triển khá trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam./.

Thụy Anh

Chia sẻ bài viết


Đặt hàng taobao đơn giản, nhanhHướng dẫn nhập hàng taobao tận gốc hợp đồng tương lai