Anh Đặng Tấn Ân vui đùa cùng con
Biến đam mê thành nguồn thu nhập
Từ nhỏ, anh Đặng Tấn Ân (ấp Trong, xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) có niềm đam mê chơi cây kiểng và đọc sách. Những lúc áp lực, căng thẳng với cuộc sống, anh lại về bên mảnh vườn của ông nội, đọc sách thư giãn. Để duy trì niềm đam mê này, anh bàn bạc với gia đình cải tạo 2.000m2 đất để trồng và kinh doanh các loại cây kiểng.
Anh Ân nhớ lại: “Tôi bén duyên với việc trồng và kinh doanh cây kiểng trong một lần mua được một cây mai vàng với giá 18 triệu đồng, sau khi chăm sóc 1 năm, bán được gần 60 triệu đồng. Từ đó, tôi có ý định cải tạo vườn tạp để trồng và kinh doanh cây kiểng. Đến nay, vườn kiểng giúp gia đình có thu nhập bình quân gần 200 triệu đồng/năm”.
Để có nguồn thu nhập ổn định từ việc trồng và kinh doanh cây kiểng, anh Ân không chỉ có niềm đam mê mà còn chịu khó học hỏi cách cắt cây, tỉa cành, tạo dáng, chăm sóc cây theo từng giai đoạn sinh trưởng. Đặc biệt, để đáp ứng thị hiếu của khách hàng, anh Ân còn học thêm cách thiết kế vườn dựa trên phong thủy, sở thích của từng người.
Anh Ân chia sẻ: “Hiện tôi là cán bộ Kinh tế - Kế hoạch của xã phụ trách mảng xây dựng nông thôn mới. Nhờ có niềm đam mê chơi cây kiểng, tôi áp dụng tốt vào việc xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, góp phần cùng địa phương nâng chất tiêu chí môi trường trong xây dựng xã nông thôn mới.
Ngoài có thu nhập từ việc trồng cây kiểng, việc tạo không gian xanh cho khu vườn còn giúp các thành viên trong gia đình thư giãn. Riêng tôi chỉ cần ngồi dưới bóng cây đọc quyển sách yêu thích và chơi đùa cùng con là tất cả mệt nhọc, khó khăn của cuộc sống đều tan biến hết”.
Tận dụng đất vườn, cải thiện thu nhập
Hiện gia đình ông Phan Văn Tư ươm 15 loại cá giống
Tương tự anh Đặng Tấn Ân, vợ chồng ông Phan Văn Tư và bà Nguyễn Thị Mến (hay còn gọi Tư Hiệp), ngụ ấp 2, xã Long Cang, huyện Cần Đước cũng cải tạo vườn tạp ươm các loại cá giống bán cho người dân với lợi nhuận trên 200 triệu đồng/năm sau khi trừ tất cả chi phí.
Bà Mến chia sẻ: “Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên khi ra riêng cha mẹ cũng không giúp được gì nhiều. Thời điểm đó, tôi ở nhà vừa chăm sóc con, vừa chăn nuôi; còn chồng đi làm thuê ở các trại ươm cá giống. Năm 1988, vợ chồng tôi bàn bạc với nhau nhận cá giống ở các trại ươm bán lại cho người nuôi. Tuy nhiên, việc làm này không mang lại thu nhập ổn định, không đủ trang trải chi phí sinh hoạt trong gia đình. Thế nên, vợ chồng tôi quyết định chuyển sang ươm cá giống và bán cho người nuôi”.
Nghĩ là làm, vợ chồng ông Tư Hiệp cải tạo 8.000m2 đất thành ao ươm cá giống. Nhờ chăm chỉ làm việc cùng với kinh nghiệm học được trong quá trình đi làm thuê, ông bà thắng lớn trong những vụ cá đầu tiên, mang về thu nhập cao cho gia đình. Tuy nhiên, những năm gần đây, thời tiết thay đổi thất thường, nguồn nước bị ô nhiễm dẫn đến việc ươm cá giống gặp nhiều khó khăn, thậm chí có lúc mất trắng.
Ông Tư Hiệp cho biết: “Ươm cá giống không chỉ yêu cầu kiến thức về kỹ thuật mà còn đòi hỏi kinh nghiệm, sự quan tâm tỉ mỉ, bởi cá giống rất nhỏ nên dễ chết. Ươm cá giống khâu đầu tiên cần chú ý là việc quản lý chất lượng nguồn nước trong ao như phải cân bằng độ pH; đồng thời, chủ động phòng trừ các bệnh trên cá. Hiện gia đình ươm trên 15 loại cá giống như cá chép, rô, phi, tai tượng, nàng hai, mùi,…”.
Không chỉ ươm cá giống, vợ chồng ông còn nuôi cá thương phẩm với các loại điêu hồng, rô phi bỏ mối cho các thương lái trong và ngoài huyện. Trên 30 năm gắn bó cùng nghề ươm cá giống, vợ chồng ông Tư Hiệp nhận được nhiều bằng khen, giấy khen về sản xuất, kinh doanh giỏi của các cấp, các ngành. Thế nhưng, điều ông bà cảm thấy hạnh phúc nhất là có điều kiện nuôi các con học hành đến nơi đến chốn, có việc làm ổn định, xây dựng căn nhà khang trang.
Đam mê cùng với sự siêng năng, cần cù, ham học hỏi là những “bí quyết” giúp anh Ân, vợ chồng ông Tư Hiệp có cuộc sống ngày càng ổn định hơn./.
Lê Ngọc - Lê Ngân