Tuyên truyền sâu, rộng đến người dân
Thực hiện Chương trình đột phá Đầu tư phát triển nông nghiệp ƯDCNC, Thủ Thừa xác định chọn 3 loại cây trồng và 1 vật nuôi thực hiện đầu tư phát triển nông nghiệp ƯDCNC vào các khâu chính (giống, kỹ thuật, canh tác, thu hoạch và sau thu hoạch) để phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện có ít nhất 2 vùng sản xuất nông nghiệp ƯDCNC trên các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực. Trong đó, năm 2021, huyện xác định xây dựng mô hình ƯDCNC trên cây mai vàng diện tích 0,5ha, xã Long Thạnh; xây dựng 20ha cây chanh ƯDCNC, xã Tân Thành; xây dựng 50ha cây lúa nếp ƯDCNC, xã Long Thuận và bò cái sinh sản có chất lượng cao từ F2 trở lên trên địa bàn huyện (tính lũy kế là 701 con).
Nông sản chanh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất tại xã Tân Thành
Với mục tiêu đó, các địa phương, đặc biệt là xã Long Thạnh, Long Thuận và Tân Thành quyết tâm, nỗ lực trong cụ thể hóa NQ và tuyên truyền sâu, rộng đến người dân. Tại xã Tân Thành, Đảng ủy xã xây dựng NQ chuyên đề về nông nghiệp ƯDCNC. Theo đó, Đảng ủy, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức triển khai, quán triệt, tuyên truyền sâu, rộng nội dung Chương trình Đầu tư phát triển nông nghiệp ƯDCNC đến từng cán bộ, đảng viên và người dân, đặc biệt là lồng ghép trong các cuộc họp của tổ, ấp, hội đoàn thể. Thông qua hoạt động đó, từng cán bộ, đảng viên và người dân nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong phối hợp thực hiện và làm chuyển biến mạnh mẽ trong quá trình triển khai, thực hiện NQ.
Song song với công tác tuyên truyền, Tân Thành nỗ lực trong phát triển hạ tầng kỹ thuật, đê bao, hệ thống tưới, tiêu nội đồng nhằm phục vụ người dân sản xuất nông nghiệp ƯDCNC thuận lợi. Đồng thời, xã có kế hoạch liên kết với các doanh nghiệp nhằm trang bị vật tư nông nghiệp, máy móc và đầu ra của chanh, giúp người dân an tâm sản xuất.
Bí thư Đảng ủy xã Tân Thành - Lê Tấn Đức nhấn mạnh: “Để NQ đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, công tác tuyên truyền nhằm thay đổi tập quán sản xuất của người dân hết sức quan trọng. Đây là chặng đường dài và phải đi từng bước chắc chắn. Do đó, xã chọn khu vực thí điểm tại ấp 3 và quyết tâm thực hiện để người dân thấy được hiệu quả, từ đó tin tưởng làm theo. Ngoài ra, xã còn chú trọng công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật, liên kết với các nhà khoa học và tìm kiếm đầu ra lâu dài cho sản phẩm nông nghiệp của địa phương”.
Nghị quyết từng bước đi vào cuộc sống
Hiểu rõ sản xuất theo kiểu truyền thống không mang lại hiệu quả cao, ông Võ Văn Dững (SN 1962, ngụ ấp 2, xã Long Thạnh) quyết tâm ƯDCNC vào trồng mai. Theo đó, ông Dững tiến hành xử lý đất phèn toàn bộ 1,2ha đất trước khi lên liếp trồng 3.000 gốc mai. Ông Dững chia sẻ: “Đất phèn kìm hãm sự phát triển của cây trồng nên tôi rất chú trọng khâu xử lý đất. Tôi tiến hành đổ cát ở dưới cho rỏ phèn rồi đổ đất thịt lên trước khi lên liếp. Sau đó, tôi bón tro trấu, xơ dừa và bao quanh gốc lại trước khi trồng mai. Nhờ vậy, cây mai phát triển tốt; đồng thời, chất dinh dưỡng cũng không bị thất thoát ra ngoài”.
Vườn mai của gia đình ông Võ Văn Dững từng bước sản xuất theo ứng dụng công nghệ cao
Ngoài ra, ông Dững còn đầu tư hệ thống tưới mai tự động và có lịch trình chăm sóc, tạo dáng cho cây, bón phân cụ thể cho từng giai đoạn của cây mai. Ông Dững kể: “Không ngừng ở những đổi mới đó trong sản xuất, tôi còn tham khảo, học hỏi những người trồng mai giỏi, đọc thêm các tài liệu về kỹ thuật trồng mai để vườn mai của gia đình ngày càng phát triển hơn. Tôi tin tưởng đây là hướng đi thành công”.
Hộ ông Dững cũng là một trong những hộ đang thí điểm trồng mai ƯDCNC của xã Long Thạnh, từ đó nhân rộng trên phạm vi các ấp. Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã Long Thạnh - Nguyễn Văn Bảy chia sẻ: “Xã chọn tập trung thí điểm tại các hộ trồng mai trước đó trên địa bàn, đặc biệt là các hộ trong Tổ hợp tác Hoa kiểng để thấy được hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp ƯDCNC, từ đó nhân rộng đến các hộ khác trên địa bàn”.
Bên cạnh đó, để người dân thuận lợi trong thực hiện nông nghiệp ƯDCNC, huyện tăng cường chuyển giao khoa học - kỹ thuật, tiếp tục hỗ trợ nhân rộng nhiều mô hình mới có hiệu quả trong sản xuất theo hướng an toàn sinh học; chủ động, kịp thời dự báo, dự tính tình hình thời tiết, tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; thực hiện cơ cấu giống hợp lý, khuyến khích, tạo điều kiện cho nông dân sử dụng giống kỹ thuật, giống xác nhận để từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, huyện quan tâm tổ chức lại sản xuất theo hướng phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp, phát triển sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị trên cơ sở thúc đẩy phát triển kinh tế gia trại, trang trại; chú trọng việc xây dựng và phát huy hiệu quả mô hình điểm để tạo sự lan tỏa; củng cố, kiện toàn và từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã hiện có và quan tâm xây dựng tổ hợp tác, hợp tác xã làm nòng cốt cho từng vùng, khu vực; đặc biệt là chú trọng việc đầu tư hệ thống thủy lợi, đê bao phục vụ nhu cầu sản xuất và các đợt biến đổi khí hậu, khắc phục hạn, mặn, bảo đảm việc ngăn mặn, trữ ngọt.
Nhờ sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là tuyên truyền sâu, rộng đến từng cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong thực hiện NQ của Huyện ủy, người dân dần hiểu và tin tưởng hướng đi mới là sản xuất nông nghiệp ƯDCNC.
Ngọc Thạch
Năm 2021, Thủ Thừa tập trung triển khai, quán triệt, cụ thể hóa NQĐH XII Đảng bộ huyện, sớm đưa NQ vào cuộc sống; trọng tâm là hoàn thành việc cụ thể hóa các chương trình đột phá, lộ trình thực hiện công trình trọng điểm của NQĐH để lãnh đạo, tổ chức thực hiện.
Thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững, bảo đảm cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Tăng cường công tác cải cách hành chính, phát huy dân chủ, giữ vững kỷ luật, kỷ cương hành chính. Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tạo quyết tâm chính trị cao để thực hiện thắng lợi NQ Huyện ủy năm 2021 và NQĐH.
Được biết, ĐH XII Đảng bộ huyện xác định 2 chương trình đột phá: Đầu tư phát triển nông nghiệp ƯDCNC (cây hoa cảnh, cây ăn quả, nếp, con bò), Nâng cao hiệu quả công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư các dự án trên địa bàn huyện; 4 công trình trọng điểm: Đường trục giữa từ thị trấn Thủ Thừa đến Quốc lộ N2 (giai đoạn 1), Cầu qua kênh Bo Bo (bờ Nam kênh T3), Cầu qua kênh Thủ Thừa (nối xã Tân Thành và Nhị Thành), Xây dựng Trung tâm văn hóa - thể thao khu vực phía Bắc huyện./.
|