Tiếng Việt | English

18/08/2022 - 13:45

Phát triển Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại

Ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) vào sản xuất nông nghiệp nhằm tạo ra các sản phẩm an toàn, chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân được xem là xu thế tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại. Nhận thức được điều này, ngành Nông nghiệp tỉnh đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp để khuyến khích người dân, thu hút doanh nghiệp đầu tư ƯDCNC vào sản xuất. Qua đó, góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp và tăng thu nhập cho nông dân.

Ứng dụng máy cấy mạ khay để giảm chi phí sản xuất tại huyện Thạnh Hóa

Hướng đi đúng

Qua hơn 6 năm triển khai, thực hiện, với sự tập trung quyết liệt của cả hệ thống chính trị, Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng và giá trị nông sản của nông dân. Nhiều địa phương đã chuyển đổi phương thức sản xuất, hình thành được nhiều vùng nguyên liệu tập trung với quy mô lớn, chuyên canh gắn với chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị gia tăng.

Ông Trần Văn Bửu (xã Thái Trị, huyện Vĩnh Hưng) cho biết, gia đình ông có khoảng 2,5ha đất trồng lúa. Trước đây, sản xuất quanh năm nhưng không có lợi nhuận bao nhiêu, thậm chí có năm còn bị lỗ do thất mùa, rớt giá. Nhưng những năm gần đây, nhờ được hướng dẫn cách làm mới, ứng dụng cơ giới hóa từ khâu gieo cấy, bón phân, phun thuốc đến thu hoạch nên giảm rất nhiều chi phí sản xuất (từ 3-7 triệu đồng/ha), nhờ vậy, vụ nào cũng có lời. Cuộc sống của gia đình ông vì thế cũng được cải thiện hơn trước rất nhiều.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Vĩnh Hưng - Lê Quốc Bổn cho biết: “Hiện nay, các diện tích trồng lúa trên địa bàn huyện thực hiện 100% cơ giới hóa trong các khâu sản xuất. Việc trồng lúa áp dụng cơ giới hóa đồng bộ giúp năng suất lúa tăng từ 10-20% trên cùng 1 đơn vị diện tích; đồng thời, giảm chi phí đầu vào từ 2-3 triệu đồng/ha/vụ. Ngoài ra, việc áp dụng cơ giới hóa, ƯDCNC vào sản xuất cũng góp phần giảm công lao động, giống, thuốc bảo vệ thực vật”.

Hiện toàn tỉnh có trên 29.340ha lúa ƯDCNC (kế hoạch 60.000ha), trong đó, trên 11.500ha ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa và kỹ thuật tiên tiến. Có thể nói, qua triển khai xây dựng mô hình ƯDCNC trong sản xuất lúa, người dân trong vùng thấy được hiệu quả của việc dùng giống lúa xác nhận, ưu điểm của việc giảm lượng giống trong gieo sạ, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ từ gieo cấy, bón phân, phun thuốc, thu hoạch đã góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế (lợi nhuận tăng 2-7 triệu đồng/ha). Đặc biệt là khắc phục được tình trạng thiếu hụt lao động ở nông thôn hiện nay, nhất là vào mùa thu hoạch lúa.

Bên cạnh cây lúa, thanh long cũng là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh mà thời gian qua, các cấp, các ngành hết sức quan tâm, tạo điều kiện để phát triển. Tuy nhiên, hơn 2 năm qua, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 và những quy định mới từ phía Hải quan Trung Quốc mà việc xuất khẩu thanh long gặp nhiều khó khăn. Và cũng từ những khó khăn này, nông dân hiểu được sự cần thiết của việc chuyển đổi phương thức sản xuất từ kiểu truyền thống sang ƯDCNC theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, xây dựng mã vùng trồng, mã số doanh nghiệp,...

Đưa chúng tôi đi thăm vườn thanh long xanh mướt, ông Nguyễn Văn Bé (xã An Lục Long, huyện Châu Thành) chia sẻ: “Thời gian qua, mặc dù dịch bệnh ảnh hưởng phức tạp nhưng nhờ sản xuất khoa học, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, tiêu chuẩn, thông qua đối tác là một công ty xuất, nhập khẩu ở Cần Thơ mà toàn bộ thanh long của gia đình đều được thu mua với giá từ 25.000 đồng/kg trở lên”.

Tương tự, nhờ được cấp mã vùng trồng cùng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, ƯDCNC vào sản xuất, hầu hết thành viên của Hội quán Cầu Đôi (xã An Lục Long, huyện Châu Thành) đều đứng vững, bất chấp sự ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và mới đây là lệnh 248, 249 từ phía Hải quan Trung Quốc.

Chủ nhiệm Hội quán Cầu Đôi  - Phan Quốc Chinh chia sẻ: “Từ năm 2020 đến nay, mặc dù tình hình thời tiết cộng với dịch bệnh diễn biến phức tạp, tiếp đó là chủ trương “Zero Covid” từ phía Trung Quốc, thanh long cũng như các mặt hàng nông sản khác của Việt Nam bị xuống giá, ùn ứ, khó tiêu thụ. Tuy nhiên, thanh long của hội quán vẫn tiêu thụ được với giá ổn định nhờ sản xuất theo quy trình GlobalGAP”.

Thông tin từ Sở NN&PTNT, hiện nay, diện tích thanh long toàn tỉnh trên 9.904ha, đạt 82,5% kế hoạch, bằng 83,7% so cùng kỳ. Diện tích cho trái khoảng 8.963,4ha, tập trung chủ yếu ở các huyện: Châu Thành, Tân Trụ, Bến Lức và TP.Tân An. Đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện được hơn 4.000ha thanh long ƯDCNC, đạt gần 67% kế hoạch.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện

Huyện Thạnh Hóa và Bến Lức là 2 địa phương chủ lực trong việc thực hiện ƯDCNC trên cây chanh. Những năm qua, 2 địa phương này dành ngân sách để phát triển nông nghiệp ƯDCNC trên cây chanh: Tổ chức nhiều lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật; hỗ trợ giống chanh; thực hiện các cánh đồng phòng trừ tổng hợp sâu, bệnh trên cây chanh,...

Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh, diện tích chanh toàn tỉnh ước trên 11.703ha, đạt 106,4% kế hoạch, bằng 101,2% so cùng kỳ. Diện tích chanh cho trái khoảng 10.455ha, tập trung ở các huyện: Bến Lức, Đức Huệ, Đức Hòa, Thủ Thừa và Thạnh Hóa. Đến nay, diện tích chanh ƯDCNC của toàn tỉnh trên 345ha, đạt 11,52% kế hoạch giai đoạn 2021-2025.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Kinh Kha cho biết: “Thời gian qua, huyện phối hợp các ngành chức năng và cơ quan chuyên môn tổ chức nhiều buổi tập huấn, hướng dẫn người dân chuyển đổi phương thức canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Tuy nhiên, số diện tích được nông dân chuyển đổi phương thức sản xuất và công nhận đạt chuẩn chưa nhiều. Thời gian tới, huyện tiếp tục làm cầu nối để nông dân và doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi và xây dựng vùng nguyên liệu, thu mua theo hướng ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm”.

Chanh không hạt được đầu tư, chuẩn hóa chất lượng để tiếp cận những thị trường khó tính

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An - Nguyễn Thanh Truyền, để hoàn thành Chương trình đột phá về Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, ngành NN&PTNT tỉnh tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, quán triệt nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng về sản xuất nông nghiệp ƯDCNC, nông nghiệp hữu cơ,...; tập trung công tác quy hoạch, tổ chức lại sản xuất; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp ƯDCNC; tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp ƯDCNC; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp; xây dựng và triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách; chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và kết nối thương mại điện tử, quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng.

“Mục tiêu của chương trình đến năm 2025, diện tích ƯDCNC, công nghệ tiên tiến đối với cây lúa là 60.000ha, thanh long 6.000ha, rau 2.000ha, cây chanh 3.000ha, tôm nước lợ 100ha; xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp ƯDCNC (7 vùng lúa, 1 vùng chanh, 1 vùng thanh long) đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, phấn đấu lợi nhuận của người dân trong vùng triển khai chương trình tăng ít nhất 10% so với ngoài vùng; củng cố các tổ hợp tác, hợp tác xã hiện có và thành lập mới ở những nơi đủ điều kiện. Đến năm 2025, ít nhất 50% hợp tác xã sản xuất nông nghiệp ƯDCNC hoạt động có hiệu quả” - ông Truyền thông tin.

Chương trình ƯDCNC vào sản xuất nông nghiệp đã và đang mang lại nhiều lợi ích thiết thực, góp phần tăng khả năng cạnh tranh của nông sản, tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân. Điều này càng khẳng định, ƯDCNC vào nông nghiệp là hướng đi đúng, bền vững, phù hợp với nền nông nghiệp hiện đại./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích