Đổi mới tổ chức sản xuất
Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân được xác định là mục tiêu cốt lõi trong chương trình XDNTM của xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Trong đó, xã tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất các cây, con chủ lực theo hướng chuyển từ “lượng” sang “chất” với việc xây dựng ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với XDNTM. Các mô hình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm như trồng rau thủy canh trong nhà màng, chăn nuôi gia cầm theo hướng trang trại,... bước đầu được hình thành.
Trồng rau thủy canh mang lại thu nhập cao cho nông dân
Điển hình là mô hình trồng rau thủy canh trong nhà màng của chị Lê Quỳnh Mai (ấp Thuận Nam, xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc). Với 840m2 đất sản xuất, chị Quỳnh Mai mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng xây nhà màng và lắp đặt hệ thống trồng rau thủy canh. Chị Quỳnh Mai cho biết: “Tôi trồng rau thủy canh được gần 4 năm, hiện liên kết tiêu thụ rau với hệ thống siêu thị Co.op. Trung bình mỗi tháng, tôi cung cấp khoảng 2 tấn rau cho siêu thị với giá 30.000 đồng/kg”.
Cũng theo chị Quỳnh Mai, rau thủy canh có giá thành sản xuất từ 17.000-20.000 đồng/kg. Do đó, chỉ cần bán với giá từ 20.000 đồng/kg trở lên là có lãi. Được biết, thời gian tới, chị tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích trồng rau thủy canh.
Bên cạnh cây rau, xã Thuận Thành cũng được biết đến là địa phương có số lượng gia cầm lớn của huyện Cần Giuộc. Những năm gần đây, dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh và giá thức ăn chăn nuôi tăng cao nhưng người dân vẫn nỗ lực duy trì đàn gia cầm. Ông Nguyễn Văn Săng (ấp Thuận Nam, xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc) chia sẻ: “Tôi có gần 20 năm gắn bó với nghề nuôi vịt. Hiện tôi nuôi 150 con vịt đẻ, thu từ 120-130 trứng/ngày, mang lại nguồn thu nhập từ 300.000-400.000 đồng/ngày. Nguồn thu nhập này tuy không nhiều nhưng cũng giúp gia đình tôi ổn định cuộc sống”.
Gia đình ông Nguyễn Văn Săng (ấp Thuận Nam, xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc) có thu nhập ổn định nhờ nuôi vịt đẻ
Những năm qua, với sự tập trung lãnh, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp thường xuyên của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, đến nay, cơ cấu nông nghiệp xã Thuận Thành có sự chuyển dịch rõ rệt theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Từ đó, thu nhập của người dân không ngừng nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm nhanh. Đến nay, xã đạt 9/19 tiêu chí NTM, phấn đấu hoàn thành các tiêu chí còn lại và về đích NTM trong năm 2022.
Phó Chủ tịch UBND xã Thuận Thành - Nguyễn Văn Chiến thông tin: Thời gian tới, xã tiếp tục tập trung đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với phát triển nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ. Đồng thời, địa phương xây dựng các chuỗi hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm cây trồng, vật nuôi chủ lực với các chợ đầu mối hoặc hệ thống cửa hàng, siêu thị. Qua đó, tạo đầu ra ổn định cho nông sản địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân cũng như tạo nguồn lực thúc đẩy lộ trình XDNTM.
Phát triển kinh tế tập thể
Nông dân xã Long Khê, huyện Cần Đước trồng trên 160ha rau màu các loại. Đây được xem là loại cây trồng mang lại thu nhập cao và ổn định cho người dân trong xã. Trên địa bàn xã có 2 hợp tác xã (HTX) hoạt động hiệu quả: HTX Rau an toàn Mười Hai và HTX Rau an toàn Long Khê.
Ông Lê Hùng Cường (ấp 4, xã Long Khê, huyện Cần Đước) bộc bạch: “Nhờ cây rau mà đời sống người dân được nâng cao. Thông qua các HTX, người dân có kế hoạch sản xuất cụ thể và an tâm về đầu ra. Hiện nay, nhiều hộ dân mạnh dạn xây dựng nhà lưới, nhà màng và ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng rau”.
Nông dân thu hoạch rau để bán cho hợp tác xã
Năm 2013, xã Long Khê làm Lễ phát động XDNTM. Sau đó, Đảng ủy xã ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch XDNTM, trong đó phân công, giao trách nhiệm cho từng thành viên và đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm huy động nhiều nguồn lực chung tay XDNTM.
Phó Chủ tịch UBND xã Long Khê - Nguyễn Thị Nhỉ cho biết: Long Khê là xã thuần nông, có xuất phát điểm thấp, do đó xã lấy phát triển sản xuất làm gốc để nâng cao thu nhập cho người dân, tạo nguồn lực XDNTM. Những năm qua, xã chú trọng đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, trọng tâm là phát triển các mô hình sản xuất; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển mô hình rau an toàn; áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, góp phần cơ giới hóa và nâng cao năng suất lao động trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Trên cơ sở phát triển các mô hình sản xuất, thu nhập bình quân đầu người được nâng lên trên 53 triệu đồng/năm, phấn đấu đến năm 2025 đạt trên 62 triệu đồng.
“Thời gian qua, xã chủ động phối hợp các ngành liên quan đẩy mạnh liên kết giữa nông dân với nông dân, nông dân với doanh nghiệp thông qua các HTX và các tổ hợp tác. Đồng thời, xã từng bước xây dựng các chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản để thay thế cho mô hình kinh tế hộ nhỏ, lẻ, manh mún, hiệu quả thấp. Qua đó, từng bước xây dựng và phát triển nền nông nghiệp hàng hóa hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân” - bà Nguyễn Thị Nhỉ cho biết thêm.
Có thể khẳng định, hiệu quả của việc đổi mới tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế tập thể chính là yếu tố quyết định để hướng đến XDNTM bền vững. Do đó, các địa phương cần tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả; đồng thời, quan tâm củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ hợp tác, HTX trong lộ trình XDNTM, NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu./.
Bùi Tùng