Tiếng Việt | English

09/06/2022 - 14:41

Phổ biến các quy định và thực thi cam kết về SPS  

Ngày 09/6, Văn phòng SPS Việt Nam phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An tổ chức Hội nghị phổ biến các quy định và thực thi cam kết về SPS trong Hiệp định thương mại tự do thế giới và cập nhật yêu cầu về SPS tại thị trường Trung Quốc.

Hội nghị phổ biến các quy định và thực thi cam kết về SPS

Tại hội nghị, các chuyên gia, nhà quản lý đã trình bày các nội dung: An Toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật (SPS) khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do; quy định mới về an toàn thực phẩm và đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu thị trường Trung Quốc; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong bảo quản và chế biến nông, lâm, thuỷ sản sau thu hoạch; mã số mã vạch và truy xuất nguồn gốc.

Cũng tại diễn đàn các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp đã trao đổi thảo luận các nội dung, vấn đề liên quan như: mã số vùng trồng, mã số đóng gói,  an toàn thực phẩm nông sản để xuất khẩu, truy xuất nguồn gốc,…

Chi Cục Trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh - Nguyễn Văn Cường thông tin về tình hình sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh

Hiện nay, Long An có rất nhiều nông sản xuất khẩu như gạo, chuối, thanh long, mít,... Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2021 là 503 triệu USD, phần lớn là xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bằng con đường tiểu ngạch.

Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An - Nguyễn Thanh Truyền cho biết, thời gian qua, Sở đã tổ chức nhiều hội nghị triển khai các quy định về quản lý an toàn thực phẩm của Tổng Cục Hải quan Trung Quốc theo Lệnh 248, lệnh 249 và các tiêu chuẩn cơ sở cũng như quy trình thiết lập giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sản xuất theo quy mô nhỏ, siêu nhỏ, chủ yếu mua bán theo hình thức trao tay, không theo thông lệ quốc tế, không rõ chất lượng,...

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh - Nguyễn Thanh Truyền phát biểu tại hội nghị

Trong thời gian tới, Long An xác định thị trường Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh. Do đó, thông qua hội nghị giúp đội ngũ cán bộ quản lý, doanh nghiệp sẽ nhận thức đầy đủ và rõ hơn về SPS cũng như nắm được nhiều thông tin hơn về cam kết SPS trong Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; Các quy định của thị trường Trung Quốc đối với các sản phẩm động, thực vật của Việt Nam; Công nghệ sơ chế, bảo quản một số trái cây xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam - Ngô Xuân Nam cho biết, hiện nay các nước đang thực hiện chính sách cắt giảm thuế cho nhau và vấn đề đặt ra là rào cản kỹ thuật về an toàn thực phẩm, kiểm dịch động, thực vật trở thành rào cản lớn nhất cho việc xuất khẩu nông sản của Việt nam ra thị trường thế giới. Gần đây thị trường Trung Quốc đã có những quy định ngày một chặt chẽ hơn, không chỉ là vấn đề về kỹ thuật như bao bì, nhãn mác sản phẩm mà còn các vấn đề về kiểm tra dư lượng, sinh vật gây hại…

Trong 18 nhóm hàng thực phẩm Trung Quốc yêu cầu đăng ký theo Lệnh 248 phần lớn đã có những thoả thuận giữa Việt Nam và Trung Quốc, đối với nhóm hoa quả truyền thống thì không cần phải đăng ký danh sách doanh nghiệp mà chỉ cần đáp ứng yêu cầu của Trung Quốc về bao bì, nhãn mác, quy cách đóng gói, ghi tên doanh nghiệp xuất, nhập khẩu, mã số vùng trồng,... là đã đáp ứng được yêu cầu của thị trường Trung Quốc.

Các doanh nghiệp cần tổ chức thực hiện sản xuất theo yêu cầu của thị trường

Hiện, Việt Nam đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt trên 2.000 mã sản phẩm được phép xuất khẩu sang thị trường này. Các doanh nghiệp sau khi đăng ký thành công, dự kiến tháng 6/2023, Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ lựa chọn và kiểm tra trực tuyến các doanh nghiệp. Do vậy, các doanh nghiệp cần tổ chức thực hiện sản xuất đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường.

Từ đầu năm đến 31/5/2022, Văn phòng SPS Việt Nam đã cập nhật được 405 thông báo của các thành viên WTO về các dự thảo và quy định có hiệu lực về SPS có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu nông, lâm và thủy sản của Việt Nam. So với cùng kỳ năm ngoái, số thông báo tăng 12%. Đứng đầu về số lượng thông báo là ASEAN, tiếp đến là Nhật Bản, EU, Canada, Mỹ,..../.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết