Tiếng Việt | English

17/09/2024 - 10:39

Phòng bệnh sau mưa lũ: Những bệnh ngoài da thường gặp do 'nước ăn chân'

Mưa, ngập lụt khiến vi khuẩn sinh sôi, phát tán trong môi trường gây nên nhiều bệnh ngoài da như viêm da do nhiễm khuẩn, nổi mề đay...

Bác sĩ chuyên khoa 2 Vương Thế Bích Thanh, Khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết bệnh ngoài da vào mùa mưa lũ là thường niên.

"Mùa mưa, ngập lụt kéo dài, trong dòng nước ngập mà chúng ta tiếp xúc không chỉ có vi khuẩn, tạp chất mà còn rác, chất xả, chất thải trong các cống rãnh cũng dâng lên theo, môi trường ô nhiễm dễ gây bệnh", bác sĩ Bích Thanh cho biết.

Một số bệnh như rôm sảy hay mụn có thể tự khỏi nếu chăm sóc, vệ sinh tốt. Còn lại, đa số bệnh về da cần được điều trị bằng thuốc uống và thoa. Những bệnh như nổi mề đay, viêm da do nhiễm khuẩn, nếu kéo dài và diễn tiến nặng thì cần phải điều trị sớm, tránh lây lan sang người thân trong nhà.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Minh Phong, Khoa Da liễu, Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn, cho biết mùa mưa lũ không chỉ gây ra những khó khăn trong sinh hoạt mà còn là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại ký sinh trùng, nấm, vi khuẩn phát triển, gây ra các bệnh về da. Bên cạnh đó, người dân ở khu vực ngập lụt sâu sẽ có nguy cơ mắc các bệnh về da hơn do lúc này da tiếp xúc trong thời gian dài với nguồn nước ô nhiễm, có thể chứa rác thải, xăng dầu, bùn đất… gây ra các bệnh như viêm da tiếp xúc, nhiễm trùng da, nhiễm nấm da, bệnh ghẻ…

Sau mùa mưa lũ, vi khuẩn xâm nhập qua các vết trầy xước, vết thương hở dễ gây nhiễm trùng da (ẢNH: FREEPIK)

Viêm da tiếp xúc

Khi da tiếp xúc trực tiếp với nguồn nước lũ có chứa các chất kích ứng, ô nhiễm có thể dẫn đến viêm da tiếp xúc, gây ra các triệu chứng như đỏ da, sưng nề, ngứa ngáy khó chịu, có thể xuất hiện mụn nước.

Nhiễm trùng da

Đây là tình trạng thường gặp nhất về da sau mùa mưa lũ, do vi khuẩn xâm nhập qua các vết trầy xước, vết thương hở. Trong nguồn nước lũ có thể chứa các rác thải, đặc biệt là những vật sắc nhọn đã bị hoen rỉ gây các vết tổn thương da trong quá trình đi lại, dọn dẹp, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập tấn công gây nhiễm trùng da với các biểu hiện như da đỏ, sưng nề, nóng, đau, có thể xuất hiện mụn mủ, rỉ dịch, đóng mài vàng.

Nhiễm nấm da

Dân gian hay gọi bệnh lý này như nước ăn tay chân. Môi trường ẩm ướt tạo điều kiện thuận lợi cho nấm phát triển và xâm nhập gây tình trạng nấm da, đặc biệt là ở các vùng da như kẽ ngón chân, bẹn, nách. Các triệu chứng thường gặp của nấm da bao gồm: Ngứa ngáy, nổi mẩn đỏ, trợt lở tay chân, bong tróc da. Nấm da có thể được điều trị bằng thuốc mỡ, kem và thuốc chống nấm.

Bệnh ghẻ

Bệnh do ký sinh trùng Sarcoptes scabiei (còn gọi là cái ghẻ) gây ra. Ký sinh trùng này xâm nhập vào lớp ngoài của da, gây ra các triệu chứng đặc trưng như các nốt đỏ, mụn nước xuất hiện chủ yếu ở các vùng da non như kẽ ngón tay, kẽ chân, nách, bụng, vùng sinh dục. Người bệnh thường cảm thấy ngứa ngáy dữ dội, đặc biệt vào ban đêm, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng giấc ngủ và sinh hoạt hằng ngày. Do điều kiện sinh hoạt chật chội, khó khăn trong việc vệ sinh, giặt giũ nên bệnh dễ lây truyền.

Phòng bệnh ngoài da sau mưa lũ

Để phòng ngừa các bệnh da liễu trong mùa mưa lũ, bác sĩ Phong khuyến cáo.

Đun sôi hoặc phơi nắng đồ dùng cá nhân để tiêu diệt vi khuẩn, nấm (ẢNH MINH HỌA: FREEPIK)

- Giữ vệ sinh cá nhân: Tắm rửa thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn, thay quần áo sạch sẽ.

- Hạn chế tiếp xúc với môi trường ẩm ướt, lau khô tay chân

- Không dùng chung đồ dùng cá nhân.

- Bảo vệ da: Sử dụng kem kháng khuẩn, dưỡng ẩm da để bảo vệ da khỏi tác hại của môi trường.

- Khử trùng đồ dùng: Đun sôi hoặc phơi nắng đồ dùng cá nhân để tiêu diệt vi khuẩn, nấm.

- Điều trị sớm các vết thương: Vệ sinh sạch sẽ và băng bó các vết thương để tránh nhiễm trùng.

- Không cào gãi: Gãi sẽ dễ làm tổn thương, trầy xước da và làm bệnh nặng thêm.

Ngoài ra, bác sĩ Bích Thanh khuyến cáo người dân nên dọn dẹp vệ sinh môi trường khi nước rút; tìm kiếm nguồn nước sạch để sinh hoạt. Hạn chế lội hoặc ngâm mình nơi nước bẩn, tù đọng. Khi buộc phải tiếp xúc với nguồn nước bẩn, cần trang bị đầy đủ giày, ủng, găng tay... Sau khi tiếp xúc với nước bẩn, nên tắm rửa ngay bằng nước sạch, lau khô người đặc biệt là những vùng dễ đọng nước như kẽ ngón chân, ngón tay. Không mặc quần áo ẩm ướt dễ gây các bệnh ngoài da.

Khi có các dấu hiệu bất thường trên da, bác sĩ khuyên nên đến bệnh viện khám và điều trị kịp thời. Tránh để lâu bệnh diễn tiến nặng gây tổn thương, nhiễm trùng, thậm chí hoại tử da. Không nên tự sử dụng thuốc uống, bôi và các phương pháp dân gian điều trị tại nhà./.

Theo thanhnien.vn

Nguồn: https://thanhnien.vn/phong-benh-sau-mua-lu-nhung-benh-ngoai-da-thuong-gap-do-nuoc-an-chan-185240913154333676.htm

Chia sẻ bài viết