Tiếng Việt | English

26/10/2023 - 09:24

Phòng trừ sâu, bệnh trên lúa Thu Đông

Đến nay, toàn tỉnh Long An đã gieo sạ trên 70.350ha lúa Thu Đông (TĐ). Lúa chủ yếu đang ở giai đoạn mạ, đẻ nhánh, làm đòng. Để bảo đảm năng suất cho vụ lúa này, ngành Nông nghiệp tỉnh đưa ra nhiều khuyến cáo cho nông dân.

Nông dân chăm sóc lúa Thu Đông

Do điều kiện thời tiết mưa nhiều, ẩm độ cao thuận lợi cho bệnh phát sinh gây hại nên Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh đã cử cán bộ đi thăm đồng và đưa ra dự báo. Theo đó, trong tuần cuối tháng 10/2023, rầy thành trùng - tuổi 1 xuất hiện rải rác, các đối tượng như ốc bươu vàng, bọ trĩ,... giảm diện tích nhiễm trên lúa TĐ giai đoạn mạ. Các đối tượng như sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đạo ôn lá, ngộ độc phèn, rầy nâu,... gia tăng diện tích nhiễm trên lúa TĐ giai đoạn đẻ nhánh, tập trung ở hầu hết các huyện và TP.Tân An.

Anh Nguyễn Văn Bình (xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ) chia sẻ: “Vụ TĐ này, tôi sản xuất 1,4ha lúa, giống OM18. Sâu, bệnh có xuất hiện nhưng không nhiều, chủ yếu là bệnh đạo ôn lá và rầy nâu. Nhờ được ngành Nông nghiệp huyện hướng dẫn cách phòng trị nên lúa không bị thiệt hại”.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Trụ - Đặng Văn Tây Lo cho biết: “Vụ TĐ năm nay, toàn huyện gieo sạ khoảng 5.000ha, phần lớn nông dân trong huyện tuân thủ sản xuất theo lịch thời vụ nên trà lúa TĐ phát triển tốt. Ngành Nông nghiệp huyện thường xuyên phối hợp các địa phương tuyên truyền, khuyến cáo nông dân chủ động phòng trừ sâu, bệnh nhằm hạn chế thiệt hại, bảo đảm sản xuất hiệu quả”.

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ lúa TĐ 2023, toàn tỉnh đã gieo sạ trên 70.350ha, bằng 123% kế hoạch, bằng 109,9% so cùng kỳ năm 2022, tập trung ở các huyện: Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Tân Hưng và thị xã Kiến Tường; đã thu hoạch 38.603ha, năng suất ước 54,3 tạ/ha, sản lượng 209.514 tấn.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh - Nguyễn Văn Cường khuyến cáo: “Nông dân nên áp dụng tốt các giải pháp kỹ thuật 3 giảm, 3 tăng; 1 phải, 5 giảm; quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý nước hợp lý,... giúp lúa sinh trưởng và phát triển tốt, hạn chế thấp nhất sự phát sinh gây hại của các đối tượng dịch hại, giảm chi phí, tăng chất lượng và lợi nhuận.

Bên cạnh đó, nông dân nên thăm đồng thường xuyên để phát hiện sớm bệnh đạo ôn lá, cháy bìa lá,... và có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả, hạn chế ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây lúa giai đoạn sau; có thể phun ngừa bệnh đạo ôn cổ bông, lem lép hạt ở giai đoạn trổ lẹt xẹt và trổ đều; không phun thuốc trừ sâu, bệnh, thuốc kích thích sinh trưởng cho lúa ít nhất 20 ngày trước khi thu hoạch nhằm bảo đảm thời gian cách ly, an toàn thực phẩm. Nông dân cũng phải tuân thủ tốt nguyên tắc 4 đúng khi phun thuốc và thu gom bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng để hạn chế ô nhiễm môi trường”./.

Minh Tuệ

Chia sẻ bài viết