Tiếng Việt | English

30/05/2022 - 13:42

Quán cơm tấm ‘dễ thương nhất’ Sài Gòn: Học trò tan trường ghé ăn... miễn phí

Bà Mai đã bán cơm tấm hơn nửa cuộc đời. Quán cơm tấm giản dị, bình dân này là "điểm dừng chân" yêu thích của nhiều học trò ở một trường tiểu học gần đó mỗi khi tan trường.

Chủ quán cơm tấm được nhiều người gọi là ‘dễ thương nhất Sài Gòn’

Một video quay lại cảnh bà chủ quán cơm cắt sườn nướng cho các bé học sinh tan trường được chia sẻ trên mạng xã hội. Video này nhanh chóng thu hút nhiều lượt xem và bình luận tích cực từ cộng đồng mạng: "Sài Gòn dễ mến, dễ thương và hào sảng chính là nhờ những hành động ấy".

Quán cơm tấm Xuân Mai có từ năm 1988

Đó là bà Nguyễn Thị Tuyết Mai (52 tuổi), chủ quán cơm tấm Xuân Mai tại góc đường Trần Kế Xương và Phan Đăng Lưu (quận Phú Nhuận, TP.HCM).

Ai đến quán đều ấn tượng với nụ cười và ánh mắt thân thiện, nhiệt tình của bà chủ. Quán khá đơn giản, chuyên bán cơm tấm với các món sườn, bì, chả, trứng thường thấy. Mỗi món một chút chứ không đẫy đà, xếp thành núi như những quán khác.

Tâm sự với PV Thanh Niên, bà Mai nói sau dịch Covid-19, tình hình buôn bán cũng giảm sút nhiều. Nếu trước đây, một ngày bà bán được hơn chục ký sườn thì nay chỉ còn lại hơn nửa. Khách ghé đây chủ yếu mua mang đi, buổi sáng đông hơn chiều.

Những vị khách đặc biệt của bà Mai

Những vị khách đặc biệt của quán là các học sinh của một trường tiểu học gần đó. “Cũng hơn 2 tháng rồi. Ban đầu, tôi cho 1 đứa nhưng thấy mấy đứa kia nhìn thương quá nên hỏi ăn không, tụi nhỏ gật đầu vậy nên tôi cắt cho chúng. Thế là ngày nào tan học, cả đám cũng dừng lại trước quán, xúm xít vui lắm”, bà Mai chia sẻ.

Coi như con cháu trong nhà, bà hay cho các vị khách này nếm thử sườn nướng miễn phí. Những đứa trẻ cũng dần trở nên thân thiết với bà Mai. Nhìn thấy bà, chúng lễ phép chào to: “Con chào bà!”. Đang trò chuyện với tôi, tiếng một cậu bé vang lên: “Miếng sườn hôm qua bà cho con ăn ngon lắm”.

Những đứa nhỏ rất thích bà Mai, đi ngang quán thấy bà đều chào lớn

Bà Mai cười lớn rồi kêu em quay lại, nếm thử vị sườn hôm nay. Thấy có người lạ, cậu bé hơi bẽn lẽn và ngại ngùng. Bà Mai thuyết phục, nói: “Con cứ ăn đi, bà cho mà. Không sao hết nha!”. Một lúc sau, cậu bé nhận miếng sườn, tung tăng đi về. Bà Mai cười tươi rói, bảo với tôi là còn mấy đứa nữa. Dường như với bà, cả một ngày đứng quán bán buôn chờ niềm vui vào chiều tà

Bà trông ngóng những vị khách ấy ghé lại, cười nói rôm rả và tấm tắc khen món sườn. Bà chia sẻ: “Thấy tụi nó nhỏ vậy thôi chứ hỏi tôi những câu trưởng thành, người lớn lắm. Nào là, bà ơi, bà bán có được không? Bà ơi, con ăn như vậy ngại lắm. Con sợ bà lỗ vốn. Bà có thể bán cho con 10.000 sườn được không? Cô nghe vậy có tan chảy không, sao mà dễ thương quá đỗi”.

“Gặp mấy đứa nhỏ dễ thương làm cuộc sống tôi thêm thú vị. Không phải có được nụ cười của mấy đứa mà dễ đâu. Không phải cho bánh, cho kẹo là tụi nó nhận hết. Vì thích tôi, quý tôi nên mấy đứa mới tới. Nhiều khi tụi nó ghé đây ngồi, không ăn mà kể tôi nghe chuyện ở lớp”, bà chủ quán cơm nói thêm.

Đĩa cơm sườn giản dị, mang hương vị Sài Gòn

Mỗi phần cơm sườn của quán có giá 30.000 - 40.000 đồng. Bà bảo lấy thịt của công ty nên giá cao hơn những chỗ khác, đổi lại thịt tươi và có nguồn gốc rõ ràng. Cứ 3 vị khách đặc biệt chia vừa đủ 1 miếng sườn như thế. “Tôi không có tiếc, ngược lại còn thấy rất vui. Không chỉ mấy đứa nhỏ, ai đến đây ăn mà không có tiền, tôi cho nợ. Còn xin thêm cơm, rau hay đồ ăn tôi sẵn sàng cho. Tiền tôi không có, chứ cơm thì thoải mái”, bà Mai chia sẻ.

Quán cơm tấm Xuân Mai có từ năm 1988, chị gái của bà khi ấy đứng bán chính. Sau này, chị gái ra nước ngoài sinh sống để lại quán cơm cho bà và một người chị khác.

Quán cơm tấm giản dị giữa lòng thành phố

Bà Mai kể trước đây, quán đông khách lắm, chưa mở cửa đã có người chờ mua. Nhưng thời thế đổi thay, nhiều quán cơm tấm khác mọc lên nên khách thưa vắng dần. Nhưng tấm lòng của bà chủ quán vẫn chẳng đổi dời. Có khác xưa là thay vì suy nghĩ xem người đó có thật sự đáng để cho hay không, nay bà không suy nghĩ nữa.

“Thà cho nhầm còn hơn bỏ sót. Lỡ người ta đói bụng, nhìn bề ngoài thì có vẻ ổn nhưng họ thật sự không có tiền thì sao. Kệ, có gạt tôi cũng được, mình cứ bao la đi”, bà Mai nói./.

Theo Thanh Niên

Chia sẻ bài viết