Long An hiện là ngôi nhà chung của hơn 18.000 DN. Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, chủ đầu tư, DN thứ cấp chấp hành tốt các quy định liên quan đến pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT). Công tác quản lý CTRCN được tổ chức triển khai đầy đủ, nghiêm túc theo quy định.
Theo đại diện Khu công nghiệp Hải Sơn (huyện Đức Hòa) - Nguyễn Quang Hiến, công tác BVMT được khu tuân thủ nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật. Riêng trong công tác quản lý CTRCN, ngoài việc tái chế, tái sử dụng, khu có bố trí riêng khu vực thu gom và ký kết hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý theo quy định. Lượng CTRCN mỗi ngày phát sinh trong khu tương đối ít. CTCN nguy hại được bố trí riêng để đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý theo định kỳ. Mỗi năm, trong khu phát sinh khoảng vài trăm kilôgam chất thải nguy hại.
Khu công nghiệp Thuận Đạo (huyện Bến Lức) bố trí khu chứa chất thải công nghiệp riêng biệt theo quy định
Tương tự, đại diện Khu công nghiệp Thuận Đạo (huyện Bến Lức) - Dương Văn Nam chia sẻ: Đơn vị chủ động thu gom, bố trí khu vực riêng và ký kết hợp đồng với DN có chức năng liên quan để xử lý CTCN. Đơn vị thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định để DN thứ cấp, người lao động nắm bắt, thực hiện các quy định pháp luật về BVMT, từ đó hình thành thói quen tốt trong cuộc sống.
Khối lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh khoảng 1.200-1.400 tấn/ngày (Trong ảnh: Công nhân Khu công nghiệp Hải Sơn (huyện Đức Hòa) thu gom chất thải công nghiệp để đơn vị có chức năng vận chuyển, xử lý theo quy định)
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - Nguyễn Tân Thuấn cho biết, hiện nay, công tác quản lý CTRCN thông thường được thực hiện tương đối tốt. Trong quá trình sản xuất, CTRCN phát sinh được DN tự phân loại và quản lý, hầu hết được tái chế, tái sử dụng; phần không tái chế thì hợp đồng với các đơn vị chức năng thu gom, vận chuyển. Khối lượng CTRCN thông thường phát sinh tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh khoảng 1.200-1.400 tấn/ngày. Các loại chất thải này được DN phân loại, bố trí kho chứa riêng biệt với chất thải sinh hoạt và chất thải nguy hại. CTRCN thông thường bao gồm nhiều loại, chủ yếu là phế liệu từ công đoạn sản xuất chính của doanh nghiệp, ngoài ra còn có sắt thép phế liệu, thùng carton, ballet gỗ, vải vụn, bavia,...
Bên cạnh đó, việc quản lý chất thải nguy hại được các ngành, địa phương, DN thực hiện nghiêm túc, tuân thủ theo Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT, ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường như kho chứa phải kín đáo, nền bêtông, có dán bảng biểu cảnh báo, phân loại riêng biệt từng loại chất thải với mã chất thải nguy hại xác định,... Phần lớn các DN trên địa bàn tỉnh ký hợp đồng với các đơn vị bên ngoài tỉnh để xử lý chất thải nguy hại (TP.HCM, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai,...).
Ngoài ra, các DN cũng ký kết hợp đồng với các đơn vị xử lý chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh như Công ty (Cty) Cổ phần Công nghệ môi trường Trái Đất Xanh; Cty TNHH Môi trường Chân Lý; Cty TNHH TM và SX Ngọc Tân Kiên; Cty TNHH MTV SX TM DV Xử lý CTNH Tùng Nguyên HS. Các cơ sở xử lý chất thải nguy hại đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép hoạt động. Hiện nay, qua thống kê trên cơ sở báo cáo hàng năm, công tác quản lý của chủ nguồn thải tại các DN sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh thì khối lượng chất thải nguy hại phát sinh trong năm 2023 từ 24.000-26.000 tấn/năm được chủ đầu tư tự quản lý và ký hợp đồng với các đơn vị có chức năng thu gom, xử lý.
“Công tác BVMT thời gian qua đã đạt một số kết quả tích cực, nhiều vấn đề môi trường đã được quan tâm giải quyết. Áp lực từ các hoạt động phát triển KT-XH lên môi trường đã dần được kiểm soát tốt hơn; nhiều cơ sở, nguồn gây ô nhiễm, tác động xấu lên môi trường được hạn chế, giảm thiểu. Chất lượng môi trường ở một số nơi đã được cải thiện đáng kể; một số dự báo tác động xấu tới môi trường từ các hoạt động phát triển KT-XH đã được ngăn ngừa hiệu quả.
Việc thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt, CTR sinh hoạt, CTRCN cũng được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả với xu hướng giảm dần tỷ lệ chôn lấp, tăng tỷ lệ chất thải được tái chế, tái sử dụng. Chất thải nguy hại được quản lý tốt hơn thông qua việc kiểm soát nguồn phát thải, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý. Một số khu vực bị ô nhiễm nghiêm trọng đã từng bước được cải tạo, phục hồi. Sở tiếp tục phối hợp thực hiện quan trắc môi trường nước mặt liên vùng giữa TP.HCM và tỉnh Long An, đặc biệt là kênh Thầy Cai, kênh Ranh, sông Bến Lức - Chợ Đệm; chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan, địa phương thường xuyên kiểm tra, kiểm soát và giám sát các DN hoạt động sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước lĩnh vực chuyên ngành” - ông Nguyễn Tân Thuấn cho biết thêm./.
|
Thời gian qua, UBND tỉnh Long An tập trung các biện pháp, giải pháp khắc phục các tồn tại, vướng mắc, nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh.
|
Châu Sơn