Tiếng Việt | English

26/02/2024 - 11:29

Quản lý, kiểm soát môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh

Thời gian qua, tỉnh Long An tập trung triển khai hiệu quả các biện pháp, giải pháp tăng cường quản lý, kiểm soát môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.

Toàn tỉnh có 44 doanh nghiệp có nguồn thải lớn lắp đặt trạm quan trắc tự động nước thải, khí thải truyền về trạm Trung tâm Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi và quản lý

Những năm gần đây, môi trường trên địa bàn tỉnh ngày càng được cải thiện. Tình trạng ô nhiễm được kiểm soát, không còn những "điểm nóng" về môi trường so với trước đây. Các địa phương tổ chức thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả, lan tỏa sâu, rộng, kêu gọi cả cộng đồng cùng tham gia bảo vệ môi trường (BVMT). Bên cạnh đó, nhận thức về công tác này của người dân, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn được nâng cao.

Theo đại diện Ban Quản lý Khu công nghiệp Hòa Bình (huyện Thủ Thừa) - Đặng Trung Tín, không chỉ kiểm tra, giám sát trực tiếp, ngành chức năng còn thường xuyên phối hợp tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về BVMT để các DN nắm bắt, thực hiện. Các đơn vị hoạt động sản xuất, kinh doanh trong khu luôn ý thức vai trò, trách nhiệm trong vấn đề BVMT.

Ngoài việc tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật, DN còn nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác BVMT. Là DN hoạt động trong lĩnh vực tái chế rác thải nhựa, Công ty (Cty) Nhựa tái chế Duy Tân đầu tư nhà máy tại huyện Đức Hòa với diện tích 65.000m², tổng công suất 100.000 tấn/năm. Nhà máy cung cấp sản phẩm nhựa tái chế cho thị trường trong nước, góp phần BVMT, tiết kiệm nguyên liệu nhựa phế thải cũng như tạo việc làm cho lao động địa phương.

Giám đốc Phát triển bền vững Cty Cổ phần Nhựa tái chế Duy Tân - Lê Anh chia sẻ: BVMT trong hoạt động sản xuất giúp DN phát triển bền vững, tạo dựng hình ảnh thân thiện hơn với khách hàng và xã hội. Nhà máy tại huyện Đức Hòa đang được vận hành theo tiêu chí "3 không" (không rác thải - không khí thải - không nước thải).

Việc áp dụng tiêu chí này không chỉ giúp Cty thúc đẩy việc sản xuất không gây ô nhiễm môi trường mà còn quan tâm nhiều hơn đến việc tái sử dụng các nguồn năng lượng trong sản xuất. Năm 2023, Cty đã thu gom và tái chế được 31.000 tấn rác thải nhựa, tương đương 2,4 tỉ chai nhựa, tăng 82% so với năm 2022. Trong số này, tỷ lệ tiêu thụ trong nước là 43% và xuất khẩu sang các nước khác là 57%.

Theo ông Lê Anh, bên cạnh các nỗ lực giảm thiểu tác động đến môi trường bằng cách hạn chế rác thải nhựa ra môi trường, Cty đang quan tâm nhiều hơn đến sự phát triển bền vững thông qua mô hình kinh tế tuần hoàn.

Trong mô hình này, yếu tố bền vững được đặt ra không chỉ ở khâu sản xuất hay sử dụng mà là cả chuỗi giá trị từ thiết kế, sản xuất, đến sau tiêu dùng. Từ đó, hướng đến mục tiêu cuối cùng là giảm rác thải ra môi trường và tăng giá trị cho những sản phẩm đã qua sử dụng. Tuy nhiên, giữa nhận thức và hành động vẫn còn một khoảng cách đáng kể.

Để thu hẹp khoảng cách này, cần nâng cao nhận thức về lợi ích của sản phẩm xanh cũng như lợi ích thiết thực của việc BVMT. Thông qua đó, không chỉ góp phần vào mục tiêu bền vững mà còn bảo đảm chất lượng và nâng cao giá trị của các sản phẩm đã qua sử dụng.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 40 khu, cụm công nghiệp hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung và xử lý đạt quy chuẩn trước khi xả vào nguồn tiếp nhận

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - Nguyễn Tân Thuấn, công tác quản lý, kiểm soát ô nhiễm môi trường ngày càng được thực hiện chặt chẽ, không xảy ra "điểm nóng" ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh. Trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, môi trường được quản lý, kiểm soát nghiêm ngặt.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 40 khu, cụm công nghiệp hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung và xử lý đạt quy chuẩn trước khi xả vào nguồn tiếp nhận; 44 DN có nguồn thải lớn lắp đặt trạm quan trắc tự động nước thải và khí thải truyền về trạm Trung tâm Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi và quản lý với tần suất 5 phút/lần để theo dõi, giám sát chất lượng nước thải, khí thải của DN thải ra môi trường để kịp thời yêu cầu DN khắc phục trường hợp vượt quy chuẩn;...

“Sở thường xuyên phối hợp, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, xây dựng các mô hình cụ thể, thiết thực, phổ biến các quy định về pháp luật về BVMT; kiểm tra, giám sát và chấn chỉnh, xử lý kịp thời các đơn vị vi phạm về công tác BVMT (nếu có),... Thông qua các hoạt động, Sở tiếp tục kêu gọi cộng đồng, người dân, DN cùng chung tay, tham gia BVMT” - ông Nguyễn Tân Thuấn thông tin./.

Châu Sơn

Chia sẻ bài viết