Tiếng Việt | English

10/11/2022 - 17:10

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)  

Chiều 10/11, sau khi biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên phát biểu tại phiên thảo luận

Đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An, cho rằng việc sửa đổi Luật lần này cần hướng đến các giải pháp hữu hiệu, kịp thời thể chế hóa các cách làm, hình thức bảo vệ người tiêu dùng đã phát sinh trong xã hội, nhất là điều chỉnh các mối quan hệ, quy định cụ thể các hành vi xâm phạm quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng xảy ra trong thực tiễn cuộc sống.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên thống nhất về sự cần thiết phải sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành, tuy nhiên, một số quy định trong dự án Luật cần được quy định cụ thể, rõ ràng để mang tính khả thi hơn.

Cụ thể, tại Điều 5 quy định về “Chính sách của nhà nước bảo vệ người tiêu dùng” nêu nhiều nội dung, nhưng thực ra các chính sách này hoàn toàn không rõ, không mạnh khi cơ chế cho các chính sách là “tạo điều kiện thuận lợi” hay “khuyến khích hỗ trợ”, “đẩy mạnh, thúc đẩy,…”, với những quy định rất chung này thì tính thực thi rất khó khi không có được cho nguồn lực đảm bảo thi hành do Chính phủ không có cơ chế để quy định chi tiết triển khai.

Tương tự như trên, tại Điều 7 quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương như người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em, phụ nữ mang thai, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người dân tộc, người sống vùng núi, vùng cao, kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, quy định rất nhiều trách nhiệm của các bên cho vay vốn, cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ,… Nhưng các quy định này lại chưa thấy chế tài để thực thi, ví dụ như pháp luật có quy định các dịch vụ phục vụ phải có nơi dành riêng hoặc thiết kế ưu tiên dành cho người khuyết tật nhưng thực tế không có ưu tiên mà còn kỳ thị, phân biệt và đã có trường hợp bị xử phạt trong thời gian qua.

Phó Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)

Đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên cũng đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung thêm quy định về hành vi “mua bán thông tin” để có giải pháp bảo vệ thông tin người tiêu dùng một cách đồng bộ. Vì trong thực tế vừa qua xảy ra rất nhiều trường hợp để lộ, lọt, mất thông tin người tiêu dùng của các tổ chức, cá nhân, trong đó có trường hợp mua bán thông tin người tiêu dùng (có những trường hợp phải xử lý theo các quy định pháp luật), ảnh hưởng đến việc bảo vệ bí mật thông tin và quyền lợi người tiêu dùng.

Tại khoản 2 Điều 14 quy định “Căn cứ vào quy định của Luật này, quy định của Chính phủ và điều kiện cụ thể của địa phương, UBND xã, phường, thị trấn, ban quản lý chợ, khu thương mại triển khai, thực hiện các biện pháp cụ thể để bảo đảm chất lượng, số lượng, an toàn thực phẩm, an toàn tính mạng, tài sản, sức khỏe, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp khác cho người tiêu dùng khi mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh”.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên cho rằng, việc giao trách nhiệm cho UBND cấp xã này là quá lớn, UBND xã không đủ nguồn lực và điều kiện để thực hiện trách nhiệm này, ví dụ như chợ nhóm, chợ xã, quầy hàng rong buôn bán các loại vật dụng sinh hoạt thường ngày, rau quả, thức ăn nhanh, nhìn thì bắt mắt, bền đẹp, xanh sạch,... nhưng thực tế không đảm bảo chất lượng thì UBND cấp xã làm sao đủ điều kiện để xác định. Do đó, đề nghị cân nhắc quy định này.

Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai, thực hiện tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tổ chức xã hội đã phát sinh khó khăn, vướng mắc. Điều này rất khó thực hiện vì không được giao quyền hạn cũng như nguồn lực để thực hiện. Mặt khác, theo hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, khi tự mình khởi kiện vụ án bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì lợi ích công cộng thì tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phải có nghĩa vụ chịu các chi phí phát sinh trong quá trình khởi kiện. Hội Bảo vệ người tiêu dùng là tổ chức phi lợi nhuận, không được ngân sách hỗ trợ, vì vậy không có nguồn kinh phí. Nếu thắng kiện, tiền bồi thường cũng không thuộc về Hội. Từ đó, đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên đề nghị dự án luật cần xem xét chỉ kế thừa quyền khởi kiện của đại diện người tiêu dùng khi có kiến nghị, đề nghị.

Và cũng liên quan đến vấn đề trên tại khoản 1 Điều 72 quy định: “Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có trách nhiệm thông báo công khai bằng hình thức phù hợp về việc khởi kiện và chịu trách nhiệm về thông tin do mình công bố, bảo đảm không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của tổ chức, cá nhân kinh doanh. "Một khi thông tin khởi kiện được công khai ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của tổ chức, cá nhân; Luật lại quy định không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ là rất khó thực hiện. Mặt khác, trong trường hợp bị thua kiện thì vấn đề bồi thường do có thiệt hại do việc thông báo công khai cũng rất dễ xảy ra. Đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên đề nghị Ban soạn thảo xem xét để có quy định phù hợp và có tính khả thi trong triển khai, thực hiện.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên còn đề nghị Ban soạn thảo quan tâm bổ sung MTTQ và các tổ chức thành viên là tổ chức tham gia vào bảo vệ người tiêu dùng. Vì theo quy định tại khoản 2, 3, Điều 76 quy định về trách nhiệm của MTTQ và các tổ chức thành viên nhưng chỉ dừng lại ở góc độ tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và phối hợp giám sát việc triển khai bảo vệ người tiêu dùng. Trong khi số lượng đoàn viên, hội viên của các tổ chức này là rất lớn và cũng là người tiêu dùng chiếm tỉ trọng rất lớn trong xã hội./.

Kiến Quốc

Chia sẻ bài viết