Tiếng Việt | English

05/06/2023 - 10:04

Rà soát phân loại nợ xấu ngân hàng để có cơ chế xử lỳ phù hợp

Ủy ban Kinh tế đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam làm rõ các nguyên nhân của việc chậm trễ trong quá trình triển khai xử lý các ngân hàng mua bắt buộc và ngân hàng đặt vào kiểm soát đặc biệt.


Giao dịch tại SCB. (Ảnh minh hoạ: CTV/Vietnam+)

Trình bày Tờ trình về dự án Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV vào sáng 5/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, cho biết dự thảo Luật kế thừa quy định tại Luật các tổ chức tín dụng hiện hành và bổ sung việc xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.

Dự luật (sửa đổi) cũng nhằm hoàn thiện quy định và xử lý những vướng mắc, luật hóa để tạo hành lang pháp lý cho việc xử lý nợ xấu và bảo đảm an toàn hệ thống tín dụng; xử lý tình huống người gửi tiền rút tiền hàng loạt và có cơ chế hiệu quả để cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

Để hạn chế rủi ro từ tập trung tín dụng, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng giảm tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng của một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan đồng thời dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định điều chỉnh giới hạn góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng nhằm tăng cường tính đại chúng trong hoạt động của tổ chức tín dụng.

Bên cạnh việc kế thừa các quy định về tài chính, việc hạch toán, kế toán…, dự thảo Luật sửa đổi theo hướng luật hóa một số nội dung đã được áp dụng ổn định, lâu dài như quy định về kiểm toán nội bộ, kiểm toán độc lập, việc trích lập dự phòng rủi ro; quản lý tài chính, sử dụng vốn, doanh thu, chi phí; trích lập và sử dụng các quỹ; mua, đầu tư vào tài sản cố định...

Dự thảo luật xây dựng mới quy trình can thiệp sớm, bổ sung thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước tại giai đoạn can thiệp sớm, quy định một số biện pháp hiện nay đang áp dụng tại giai đoạn kiểm soát đặc biệt lên giai đoạn can thiệp sớm cho phép xử lý từ sớm, từ xa khi tình trạng yếu kém của tổ chức tín dụng chưa đến mức nghiêm trọng.

Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trình bày Tờ trình về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về trường hợp tổ chức tín dụng được vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam và các tổ chức tín dụng khác cả trong trường hợp phát sinh sự cố khách hàng rút tiền hàng loạt; bổ sung quy định cụ thể về tài sản bảo đảm của khoản vay đặc biệt, lãi suất khoản vay đặc biệt; bổ sung quy định về việc Ngân hàng Nhà nước chỉ định cho vay đặc biệt. 

Ngoài ra, dự thảo luật đã luật hóa một số quy định tại Nghị quyết số 42 như bán nợ xấu và tài sản bảo đảm; mua, bán khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; kê biên tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị làm rõ hơn cơ sở đề xuất các tỷ lệ như tại dự thảo luật; đánh giá rõ thực trạng sở hữu cổ phần tại các tổ chức tín dụng để xác định rõ mức độ, nguyên nhân của tình trạng sở hữu chéo để đề xuất giải pháp căn cơ, triệt để và xử lý được tình trạng sở hữu chéo hiện nay.

Đánh giá cần cân nhắc việc sửa đổi các giới hạn cấp tín dụng, Ủy ban Kinh tế cho hay trường hợp áp dụng quy định này cần có lộ trình cho các khoản vay và đối tượng đã vay vốn trước ngày luật có hiệu lực để bảo đảm dòng vốn không bị dừng đột ngột, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ủy ban Kinh tế đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, luật hóa các quy định liên quan đến vốn; sử dụng vốn, tài sản; việc bảo đảm an toàn vốn; doanh thu, chi phí, lợi nhuận, lãi dự thu, trích lập dự phòng, chế độ kế toán, kiểm toán, trích lập các quỹ... để bảo đảm tính minh bạch.

Đề nghị rà soát lại trường hợp đặt tổ chức tín dụng vào kiểm soát đặc biệt, phía Ủy ban Kinh tế cho biết phải làm rõ các nguyên nhân của việc chậm trễ trong quá trình triển khai xử lý các ngân hàng mua bắt buộc và ngân hàng đặt vào kiểm soát đặc biệt; rà soát, cân nhắc kỹ lưỡng, phân loại nợ xấu để áp dụng cơ chế xử lý phù hợp, nhất là đối với các khoản nợ xấu được hạch toán trong bảng cân đối kế toán của tổ chức tín dụng nhưng chưa đến mức độ khó thu hồi hoặc cần phải xử lý tài sản đặc biệt hoặc nợ xấu của khoản vay không đúng quy định…/.

Nhóm PV (Vietnam+)

Chia sẻ bài viết