Tiếng Việt | English

14/01/2022 - 11:53

Rằm tháng Chạp, nhớ ông Thiên hộ Dương

Chiều chiều gió giật mây vần/ Cảm thương ông Thiên Hộ xả thân cứu đời. Về Đồng Tháp Mười (ĐTM), nghe ai hát ru 2 câu ca dao ấy, thật khó kìm cảm xúc. Và rằm tháng Chạp này là giỗ thứ 156 của Thiên hộ Võ Duy Dương. Lễ giỗ ông Thiên Hộ diễn ra tại 3 điểm: Gò Tháp, Cao Lãnh và Sa Đéc - những nơi ghi nhiều công trận của vị tướng soái họ Võ. Tại Kiến Tường (Long An) có đền thờ Thiên hộ Dương ở ngay trung tâm thị xã, luôn có hương khói và hương hoa cho vị anh hùng trong bộ “Tứ bất tử” ở Nam bộ thời kỳ đầu chống thực dân Pháp.

Chân dung Võ Duy Dương (1827-1866) (Ảnh chân dung nhân vật do họa sĩ Hoàng Sơn ở khu di tích Bến Nhà Rồng phỏng họa)

Xuất thân từ cậu bé chăn trâu mướn trên đất võ Cù Lâm Nam (thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định), có anh trai là Võ Duy Tân, nghĩa binh dưới cờ khởi nghĩa của Bình Tây nguyên soái Mai Xuân Thưởng, Võ Duy Dương học võ rất sáng, có sức khỏe hơn người. Trong một cuộc thi võ do triều đình tổ chức, họ Võ cùng lúc nhấc bổng 5 trái linh, mỗi trái 60 cân, được gọi “Ngũ linh Dương”.

Năm 1857, 30 tuổi, “Ngũ linh Dương” theo đại thần Nguyễn Tri Phương vào Nam chiêu mộ dân khẩn hoang lập ấp trên đất Ba Giồng (Cái Bè, Cai Lậy). Tại đây, hào kiệt gặp hào kiệt, họ Võ kết thân với Giáo thọ Thủ khoa Huân và sớm chứng tỏ mình là nhà doanh điền giỏi mộ dân tứ xứ tới khai hoang ngàn mẫu đất ven ĐTM. Tháng 02/1859, Pháp tấn công thành Gia Định, họ Võ cùng Thủ khoa Huân đứng ra chiêu mộ nghĩa dõng, kéo lên ứng cứu thành Gia Định, nhưng lực bất tòng tâm, thành vỡ do thế giặc mạnh vì vũ khí tối tân, ta chỉ có vũ khí thô sơ.

Võ Duy Dương thoắt vượt biển về triều dâng kế sách chống giặc. Triều đình giữ lại, phái đi dẹp giặc cướp và loạn Đá Vách ở Quảng Ngãi. Võ Duy Dương đã làm tốt nhiệm vụ và được triều đình phong chức Chánh Bát phẩm Thiên hộ. Năm 1861, Thiên hộ Dương được sung vào Khâm phái quân vụ dưới quyền chỉ huy của Đỗ Thúc Tịnh, ông đã nhanh chóng chiêu mộ được 1.000 nghĩa dõng cho căn cứ Bình Cách (Chợ Gạo, Tiền Giang) và được phong chức Quản cơ cùng với Trương Định. Từ đây, họ Võ được tôn lên hàng chỉ huy cùng với họ Trương.

Cả 2 tướng soái cùng làm cho chỉ huy Pháp phải hoang mang, lo sợ và rút bỏ nhiều đồn, bót trên địa bàn Gia Định, Định Tường sau những tổn thất nặng nề. Tuy nhiên, sau đó, địch tập trung lực lượng lớn tấn công đồn Mỹ Quý trước sự kháng cự quyết liệt của quân ta suốt gần 2 tháng, rất khó khăn địch mới hạ được đồn. Chỉ huy đồn Đỗ Thúc Tịnh hy sinh. Thủ khoa Huân và Võ Duy Dương chạy về đồn Bình Cách.

Sau rất nhiều mưu mô xảo quyệt, Pháp gây áp lực, buộc triều đình Huế phải ký Hòa ước Nhâm Tuất (tháng 5/1862) nhường 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ, gồm: Biên Hòa, Gia Định và Định Tường cho Pháp; đồng thời, giải giáp nghĩa quân ra khỏi vùng nhượng địa theo Hòa ước này. Triều đình đã phái người đi kêu gọi Bình Tây nguyên soái Trương Định giải giáp, được trả lời đanh thép như tiếng hô “Sát Thát” của bô lão dự Hội nghị Diên Hồng đời vua Trần Nhân Tông ở thế kỷ XIII. Còn Võ tướng quân Tư lệnh căn cứ Gò Tháp vẫn lập trường như họ Trương - dõng dạc trả lời: “Tôi rút vào Tháp Mười ẩn náu, chờ đợi thời cơ để quật trả một trận. Ngài hãy tâu với hoàng thượng rằng tôi sẵn sàng đáp lời kêu gọi của dân chúng”.

Từ Tổng hành dinh Gò Tháp, Thiên hộ Dương tiếp tục ra lời kêu gọi toàn dân tham gia kháng chiến. Trước đó, ông đã thiết kế xây dựng đại đồn Gò Tháp với 3 đồn lớn án ngữ trên 3 trục đường vào Tổng hành dinh, gồm đồn Tiền, đồn Hữu và đồn Tả (đồn Tả nằm ở Bắc Chang, Mộc Hóa, Long An); thêm vào mạng lưới là 10 đồn nhỏ. Theo sử liệu, dù khi Trương Định tuẫn tiết ở Gò Công và Thủ khoa Huân do Thiên hộ Dương cử đi dân vận, đã được dân chúng ủng hộ nhiều tiền của, mua sắm được nhiều vũ khí cho Gò Tháp, cất giấu ở Châu Đốc, bị Tuần phủ An Giang - Phan Khắc Thận lần ra, bắt giữ cả người và tang vật dâng cho Pháp.

Thủ khoa Huân bị giặc Pháp xử chém. Trong vô vàn khó khăn, Thiên hộ Dương vẫn kiên cường chỉ huy kháng chiến. Căn cứ ĐTM như một “thủ đô kháng chiến” quy tụ hào kiệt các nơi, trong đó có Bùi Quang Diệu (Quản Là) - chỉ huy trận Cần Giuộc (tháng 02/1861 mà bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu đã ghi). Căn cứ còn thu nạp nhiều người nước ngoài - kể cả binh lính Pháp mang vũ khí xin theo, nâng quân số tại đây lên 2.000 người, gây thanh thế ngày càng lớn. Là “căn cứ lòng dân” đầu tiên ở ĐTM, nên “đường đi nước bước” có khó khăn gì, dân liệu là xong, nhất là lương thực, dân hình thành đường Lương, đường Gạo, mùa khô dùng trâu kéo, mùa nước nổi dùng ghe xuồng vận chuyển. Xung quanh căn cứ là ngút ngàn lau sậy, thêm trấp sâu đi sụp là chết. Rồi nào muỗi bu mở mắt không ra, hít thở không được, thêm “đỉa lội tợ bánh canh, rắn đồng biết gáy” gây cho bọn lính đến từ châu Âu rất sợ hãi “đội quân trời cho” ấy!.

Theo truyền thuyết, ở căn cứ Tháp Mười còn có người luyện đàn trâu trăm con ém dưới nước, hễ giặc tới là bùng lên, dùng sừng nhọn mà húc từng tên. Lại có loài ong cực độc được huấn luyện để đánh khi giặc lội vào. Tuy nhiên, năm 1866, viên Thủy sư Đô đốc cáo già De Lagrandière mà trước đó (năm 1863) được Chính phủ Pháp cử sang thay thế tướng Bonard. De Lagrandière đã móc nối bọn Việt gian “nối giáo cho giặc” là Tổng đốc Trần Bá Lộc từ Cái Nứa, Phạm Văn Khanh từ Cần Lố và Huỳnh Công Tấn từ Mộc Hóa dẫn đường cho quân giặc cùng tàu chiến trang bị hiện đại do De Lagrandière chỉ huy tấn công tổng lực vào căn cứ ĐTM chỉ có vũ khí thô sơ.

Tuy nhiên, quân ta vẫn chiến đấu ngoan cường suốt 10 ngày đêm địch mới chọc thủng được đồn Tả. Để bảo toàn lực lượng, Thiên hộ Dương cho Đốc binh Kiều cầm quân cản hậu để ông rút quân. Đốc binh Kiều hy sinh khi ông Thiên hộ đã dẫn quân xuống Cái Thia, Cao Lãnh, rồi tìm cách lên Tây Ninh tiếp tục đại cuộc kháng chiến lâu dài...

Vĩ thanh - Về cái chết của anh hùng Thiên hộ Dương, ấn phẩm nghiên cứu khoa học của Hội Khoa học lịch sử Đồng Tháp Xưa&Nay Đồng Tháp ra tháng 9/2006 đã nêu tất cả các nguồn tư liệu trái ngược nhau, cụ thể: Ở Mộc Hóa, Long An, cho rằng ông Thiên Hộ chết vì bệnh; ở Mỹ Thọ, Cao Lãnh, ông chết vì bị cướp giết ở cửa biển Rạch Giá; ở Định Tường, ông chết vì bệnh thương hàn. Đại Nam thực lục triều Nguyễn, ông chết vì bị đắm thuyền ở biển Cần Giờ trên đường đi Bình Thuận. Schreiner (viết trong Đại Nam Quốc Sử): Võ Duy Dương bị cướp tàu ô đánh chết chìm tại mũi Dinh (Padaran)... Vậy ông Thiên Hộ chết vì bệnh hay chết vì bị một tên cướp tàu ô đánh chết? Chuyện này gây tranh cãi vì là “Ngũ Linh anh kiệt”, võ nghệ cao cường và đầy tài trí như Thiên hộ Võ Duy Dương lại chết dưới tay một tên cướp biển tầm thường được sao?

Thôi thì... xin kết thúc bằng đọc cặp liễn treo ở đền thờ ông Thiên hộ: Ẩm hận anh hùng, tự Bắc tự Nam, Thập Tháp hương yên trường điếu điếu/ Kiên gan tuấn kiệt, như kim như cổ, Ngũ Linh phong độ thượng y y (Nghĩa: Ngậm ức anh hùng, tiếng dội Bắc Nam, Tháp Mười hương khói còn phơi phới/Bền gan tuấn kiệt, danh truyền kim cổ, Ngũ Linh dáng cách vẫn như xưa)./.

Bút ký của QUANG HẢO

Chia sẻ bài viết