Tiếng Việt | English

11/06/2015 - 16:21

Sài Gòn xưa đã “xử” chuyện chặt cây xanh

Đó là chi tiết thú vị có thể tìm thấy trong cuốn sách mới nhất về lịch sử vùng đất và con người Sài Gòn của nhà báo Trần Nhật Vy: Từ Bến Nghé tới Sài Gòn.

Hai cuốn sách do NXB Văn hóa Văn nghệ và NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành - Ảnh: L.Điền

Trên cơ sở khảo cứu các tài liệu có được, tác giả tiếp cận các vấn đề thuộc lịch sử Sài Gòn, trong đó có những nội dung gắn với sự biến đổi của các địa danh, quá trình hình thành và mai một của các công trình kiến trúc, những nét nổi bật của Sài Gòn xưa...

Bởi thao tác làm việc theo lối “nói có sách”, nên bạn đọc sẽ được thuyết phục và tập sách Từ Bến Nghé tới Sài Gòn có thể xem là tập tài liệu khả tín có thể dùng trong công việc nghiên cứu.

Một số dấu mốc về sự phát triển đô thị cũng được tác giả ghi nhận: nước và cấp nước, nước đá tới Sài Gòn lúc nào, điện và điện tín, cà phê Sài Gòn…

Đặc biệt, khi đọc phần Đôi nét về quản lý thành phố, thấy từ tháng 5-1865, người Pháp đã có nghị định về quản lý thành phố, trong đó vấn đề bảo vệ cây trồng trong thành phố được giám đốc Nha nội vụ Vial ra thông báo nhắc cụ thể: “Kẻ nào làm hư gãy một cây hay là nhiều cây mà đã biết là cây của người khác thì sẽ phải phạt giam tù không dưới 6 ngày không trên 6 tháng...” (điều 445). Năm 1866, thống đốc Nam kỳ còn quy định “những kẻ nào có ý làm cớ thiệt hại cho những cây trồng trong những đàng sá, đàng cái, đàng nhánh cùng là đất trống... bị phạt từ 1 quan cho tới 10 quan, phạt giam tù từ 1 ngày cho đến 5 ngày”.

Đây có thể là một tham chiếu thú vị khi đúng 150 năm sau, chuyện chặt cây xanh trên phố bất ngờ trở thành chuyện thời sự được quan tâm.

Cũng kể chuyện xưa là Sài Gòn đất và người của nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Lợi. Khảo cứu tư liệu và tiếp cận các nhà nghiên cứu cùng ngành, tác giả góp phần làm sáng tỏ thêm những tồn nghi và đóng góp những kiến giải, ghi nhận hữu ích về vùng đất và đời sống sinh hoạt của người dân Sài Gòn.

Chẳng hạn như tác giả kỳ công tìm hiểu để kê cứu “Những địa danh bị viết sai ở TP.HCM”, khảo về cách đặt tên chợ ở Sài Gòn, các phố chuyên doanh, làng nghề, một số tín ngưỡng như tục thờ cá ông ở Cần Thạnh, thờ Bà Chúa Xứ.../.

LAM ĐIỀN/Theo tuoitre.vn

Chia sẻ bài viết


Kỹ thuật chăm cây nguyệt quế giống