.png)
Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa; Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Nguyễn Thành Thanh; Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh - Nguyễn Tấn Quốc tặng hoa, quà cho các Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân vừa được công nhận
1. Chương trình Nghệ sĩ (NS) và tri âm do Đài Phát thanh và Truyền hình Long An (nay là Báo và Đài Phát thanh Truyền hình Long An) phối hợp Đoàn Nghệ thuật Cải lương (NTCL) Long An tổ chức từ nhiều năm qua thu hút đông đảo khán giả. Chương trình được dàn dựng công phu, có ca nhạc, ca cổ, tấu hài và trích đoạn cải lương, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của mọi lứa tuổi. Ra mắt khán giả năm 2007, đến nay, NS và Tri âm đã tổ chức 174 kỳ, cho thấy sức hút giữa kết hợp cải lương trực tiếp và trực tuyến.
Trưởng phòng Phát thanh và Văn nghệ Giải trí (Báo và Đài Phát thanh Truyền hình Long An) - Nguyễn Minh Hiếu cho biết: “Những năm qua, chương trình NS và Tri âm là món ăn tinh thần hấp dẫn đối với những người yêu thích cải lương. Qua mỗi kỳ sản xuất, chúng tôi luôn tiếp thu ý kiến của khán, thính giả để đổi mới trong kịch bản chương trình. Chủ đề của mỗi kỳ được thay đổi theo dòng sự kiện như sắp tới là Đất nước trọn niềm vui sẽ diễn ra vào dịp lễ 30-4 tại công viên huyện Tân Trụ. Ngoài các tiết mục ca cổ, trích đoạn cải lương, còn có những tiết mục ca nhạc nhằm giúp chương trình thêm phong phú, đa dạng”.
Được biết, NS và Tri âm được tổ chức hàng quí và phục vụ hoàn toàn miễn phí cho người dân thông qua các hình thức: Xem trực tiếp, xem qua chương trình phát sóng trực tiếp trên nhiều hạ tầng (kênh LA34, phát thanh trực tiếp trên sóng FM 96,9Mhz; livestream trên trang YouTube, Fanpage Long An TV của Báo và Đài Phát thanh Truyền hình Long An). Bên cạnh những NS quen thuộc của Đoàn NTCL Long An như NS Nhân dân Hồ Ngọc Trinh, NS Võ Hoàng Dư, NS Trọng Tánh,… trong mỗi kỳ sản xuất còn có sự tham gia của nhiều NS nổi tiếng như NS Nhân dân Trọng Hữu, NS Ưu tú Trọng Phúc, NS Thanh Hằng, NS Ưu tú Ngọc Đợi, NS Ưu tú Võ Minh Lâm,...

Chương trình Nghệ sĩ và Tri âm kỳ 174 với chủ đề "Cháy mãi lửa nghề"
2. Không chỉ thay đổi hình thức tiếp cận khán giả, Đoàn NTCL Long An còn tập trung đầu tư những vở diễn chất lượng, khai thác góc nhìn mới. Một số vở cải lương tái hiện lịch sử hào hùng của Long An qua các giai đoạn như Bên dòng Long Khốt (Vở diễn xuất sắc trong Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2021 tại Long An). Và mới đây là vở Người con của rừng tràm (Huy chương Vàng Liên hoan Cải lương toàn quốc. năm 2024 tại TP.Cần Thơ) để lại dấu ấn trong lòng khán giả với một kịch bản mới, nội dung đầy cảm xúc và kết hợp với những mảng nghệ thuật ấn tượng như múa rối bóng.
Đoàn NTCL Long An tiếp tục “khoác áo mới” với lực lượng NS cải lương trẻ như Trần Minh, Võ Hoàng Dư, Lê Hoàng Nghi, Thu Mỹ, Phương Nhi, Ngọc Hoàng Oanh, Trọng Tánh, Phú Yên,... Hiện tại, ngoài rèn luyện giọng hát, các NS trẻ còn trau dồi thêm về kỹ năng biểu diễn, tìm hiểu và học tập nhiều dạng tính cách để thể hiện được đa dạng vai diễn hơn, để không bị đóng khung trong kiểu vai diễn cố định.
Mỗi năm, Đoàn NTCL Long An duy trì các suất diễn phục vụ miễn phí đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, được các cấp chính quyền địa phương và nhân dân ủng hộ. Ngoài ra, Đoàn còn kết nghĩa giao lưu trao đổi nghệ thuật với các đơn vị nghệ thuật tỉnh, thành phố bạn như Tây Ninh, Tiền Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Bình Thuận, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang,… tạo điều kiện cho khán giả được thưởng thức những chương trình nghệ thuật đặc sắc.
Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn NTCL Long An – Biện Hữu Hùng Dũng thông tin: “Năm 2025, Đoàn tập trung luyện tập các tác phẩm nhằm phục vụ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025) và chào mừng đại hội Đảng các cấp. Ngoài ra, Đoàn còn liên hệ các đối tác biểu diễn doanh thu, phấn đấu thực hiện tốt chỉ tiêu được giao; đồng thời, nâng cao đời sống diễn viên, viên chức, người lao động trong đơn vị. Bên cạnh đó, Đoàn sẽ giao lưu, trao đổi với các đơn vị nghệ thuật tỉnh, thành phố bạn nhằm mang đến cho khán giả những chương trình nghệ thuật phong phú, hấp dẫn”.
Cùng với Đoàn NTCL Long An, trong thời kỳ đổi mới, Đoàn Xiếc nhân dân Long An cũng đã đạt những kết quả nhất định. Sau khi sáp nhập vào Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh, từ năm 2018 đến nay, Đoàn Xiếc nhân dân Long An vẫn duy trì cường độ luyện tập phục vụ nhiệm vụ chính trị, nhu cầu giải trí của nhân dân trong tỉnh.
Giai đoạn 2019-2024, Đoàn phối hợp các tỉnh, doanh nghiệp lưu diễn tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.Đà Nẵng, Công ty Cổ phần Dịch vụ Gia Lai, Sun World Phú Quốc, Khu du lịch Happy Land (huyện Bến Lức) với 619 suất diễn, có 361.400 lượt người xem. Trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, Đoàn phục vụ nhân dân du xuân đón tết từ ngày 29-01 đến 09-02-2025, thu hút khoảng 6.000 lượt khán giả xem và biểu diễn phục vụ tại các buổi họp mặt mừng Đảng - mừng Xuân Ất Tỵ năm 2025.
.png)
Các nghệ sĩ xiếc khắc phục khó khăn, biểu diễn hăng say, duy trì những thành quả mà Đoàn gầy dựng trong nhiều năm qua
Trưởng đoàn Xiếc nhân dân Long An - Nguyễn Văn Thoa cho biết: “Sau dịch Covid-19, hoạt động lưu diễn của Đoàn giảm, không còn những chuyến lưu diễn dài ngày như trước. Nhưng nhờ sự nỗ lực, kiên trì của đội ngũ diễn viên, đổi mới từng tiết mục từ đầu tư trang phục đến đạo cụ nên Đoàn tiếp tục đi biểu diễn phục vụ nhân dân vùng sâu, vùng xa”.
“Chiến lược mới về phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa Việt Nam cho giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tiếp tục được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng dự thảo, cho thấy tiềm năng rất lớn từ ngành Công nghiệp văn hóa trong thời đại hiện nay.
Nghệ thuật biểu diễn là 1 trong 12 lĩnh vực của công nghiệp văn hóa được định hướng phát triển. Do đó, thời gian tới, Đoàn Xiếc nhân dân Long An và Đoàn NTCL Long An cần được sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành trong phát triển đồng bộ về lực lượng diễn viên trẻ và cơ sở vật chất.
|
Bên cạnh phục vụ người dân, Đoàn Xiếc còn dàn dựng 3 tiết mục tham dự cuộc thi Tài năng xiếc toàn quốc năm 2021 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại Thủ đô Hà Nội. Trong đó, tiết mục Chồng đầu trên đu của các diễn viên: Đinh Đại Dũng, Nguyễn Thị Hậu đoạt giải Nhì; tiết mục Tung hứng chậu hoa của diễn viên Lê Văn Hoài Hận - Trương Thiện Hướng đoạt giải Ba.
Trải qua bao thăng trầm, nghệ thuật xiếc và cải lương Long An vẫn sáng đèn sân khấu. Hai loại hình nghệ thuật này không ngừng làm mới để phù hợp với xu hướng phát triển. Góp vào dòng chảy nghệ thuật, xiếc và cải lương Long An vừa mang đến những "món ăn tinh thần" hấp dẫn, vừa góp phần thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền trên mặt trận tư tưởng, văn hóa./.
Bích Ngân