Bánh tét Thủ Thừa đậm đà hương vị
Đậm đà hương vị bánh tét Thủ Thừa
Bánh tét là một trong những món ăn của ngày đầu năm mới và là nét văn hóa đặc trưng trong ngày Tết Cổ truyền của gia đình Việt. Theo quan niệm của người xưa, bánh tét được làm nên nhằm thể hiện lòng thành của người dân cảm ơn trời đất cho một năm mùa màng bội thu. Nếu như trước đây, bánh tét chỉ được dùng trong ngày tết thì nay, loại bánh này khá phổ biến, thường dùng trong các dịp giỗ, cúng hay đám tiệc hoặc làm món ăn sáng,... Từ đó, nhiều thương hiệu bánh tét ở miền Tây ra đời. Bất kỳ loại bánh nào cũng có bí quyết riêng để tạo nên hương vị thơm ngon, bánh tét cũng vậy. Trong quá trình làm bánh, mỗi người một ít kinh nghiệm và chia sẻ với nhau để cho ra những đòn bánh tét thơm, ngon, mang hương vị đặc trưng. Bánh tét Thủ Thừa nổi tiếng không chỉ bởi hương vị mà còn bởi truyền thống lâu đời, trở thành một trong những món ngon được không ít người tin dùng và mua làm quà biếu, nhất là những người lưu thông trên tuyến đường thủy qua đoạn sông Vàm Thủ xuống Tiền Giang, Đồng Tháp hoặc ngược lên TP.HCM.
Ở Thủ Thừa, nguyên liệu làm bánh tét hầu hết được khai thác ngay tại địa phương bởi vùng đất Long An nói chung, Thủ Thừa nói riêng có khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp để canh tác lúa, nếp. Bánh tét được làm với nhiều loại nhân khác nhau như chuối, đậu, thịt mỡ, hay thập cẩm,... Chính vì được chia sẻ kinh nghiệm, lưu truyền qua nhiều thế hệ cũng như ứng dụng công nghệ vào quá trình bảo quản sản phẩm nên bánh tét Thủ Thừa không chỉ được tiêu thụ tại địa phương mà còn được người dân các tỉnh, thành khác tin dùng và “xuất ngoại”. Từ đó, món quà quê này trở thành món ăn đặc sản của Thủ Thừa, rồi đến Tân Trụ và trở thành nghề chính của nhiều người, tạo việc làm cũng như thu nhập ổn định cho không ít người dân tại các huyện Thủ Thừa, Tân Trụ.
Đặc sắc gạo huyết rồng Vĩnh Hưng
Gạo Huyết Rồng Vĩnh Hưng trở thành nông sản tiêu biểu, góp phần khẳng định giá trị thương hiệu những sản phẩm đặc sắc của Long An. Thời gian qua, huyện Vĩnh Hưng tiến hành lọc thuần, sản xuất giống tốt để bảo tồn gen và tìm ra giống chất lượng hơn. Huyện phối hợp Viện Nghiên cứu Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long - Trường Đại học Cần Thơ và Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Vĩnh Hưng triển khai thuần lại giống lúa Huyết Rồng. Sự khôi phục thành công giống lúa Huyết Rồng giúp tạo ra sản phẩm lúa gạo đặc trưng cho tỉnh Long An. Và lúa Huyết Rồng hiện nay được Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Vĩnh Hưng nghiên cứu, phối hợp nông dân canh tác, tiêu thụ nội địa, được người tiêu dùng ưu chuộng bởi có nhiều giá trị dinh dưỡng, dược tính tốt.
Gạo Huyết Rồng (Ảnh: Internet)
Vừa qua, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp chứng nhận nhãn hiệu gạo lúa Huyết Rồng Măng Đa, huyện Vĩnh Hưng. Sở Công Thương cũng tiến hành nhiều hoạt động xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm. Đây là động lực để chính quyền và nông dân huyện Vĩnh Hưng phục tráng gạo Huyết Rồng trở thành nông sản sạch, phục vụ cuộc sống hiện đại, đồng thời giữ lại thương hiệu gạo đặc sản của nổi tiếng của Việt Nam.
Lừng danh dưa hấu Long An
Nhắc đến Long An trong ký ức của nhiều người vẫn còn nhớ đến một đặc sản vang danh một thời - dưa hấu Long Trì, được trồng tại xã Long Trì, huyện Châu Thành. Ngày nay, dưa hấu không còn trồng tại xã Long Trì mà được trồng chủ yếu tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười. Dưa hấu Long Trì không còn nhưng nghề trồng dưa phát triển mạnh. Người Long Trì giờ đi khắp nơi thuê đất trồng dưa hấu. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 2.000ha dưa hấu. Sản lượng bình quân trên 45.000 tấn/năm. Mặc dù không bằng dưa hấu Long Trì trước đây nhưng dưa hấu được trồng tại vùng đất khác của tỉnh vẫn rất chất lượng, được thị trường đón nhận với nhiều giống dưa mới như Phù Đổng, Hắc Mỹ Nhân, Mặt Trời Đỏ, dưa vỏ vàng, dưa không hạt,... có vị ngọt thanh, giòn đặc biệt.
Lừng danh dưa hấu Long An
Dưa hấu Long An ngon, nổi tiếng không phải vì giống tốt hay độc quyền mà do thổ nhưỡng. Dưa hấu được trồng tại Long An ngon hơn các vùng khác. Bên cạnh đó, người trồng áp dụng nhiều biện pháp khoa học - kỹ thuật, tăng chất lượng, sản lượng dưa hấu. Giờ đây, dưa hấu Long An được trồng quanh năm nhờ giống và công nghệ trồng mới.
Thanh long chinh phục thị trường khó tính
Thanh long không chỉ được nhắc đến là một trong những nông sản nổi tiếng của Long An mà còn là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cho người dân. Nếu như trước đây, thanh long chỉ được trồng ở Châu Thành thì nay, được trồng ở nhiều nơi khác như Tân An, Tân Trụ, Thửa Thừa,... với khoảng 12.000ha.
Ngoài thanh long truyền thống vỏ đỏ ruột trắng, tại Long An, thanh long ruột đỏ đã tạo thành một thương hiệu nổi tiếng. Bên cạnh đó, những năm gần đây, người dân cũng đã trồng thử nghiệm thành công loại thanh long mới - thanh long tím hồng, thanh long vỏ màu vàng, ruột trắng mang lại giá trị kinh tế khá cao. Để nâng chất lượng thanh long, chính quyền địa phương đang nỗ lực cùng nông dân thực hiện nhiều giải pháp xây dựng, phát triển vùng thanh long theo hướng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, GlobalGAP, VietGAP, an toàn thực phẩm.
Thanh long chinh phục thị trường khó tính
Sản phẩm thanh long hiện nay được tiêu thụ ở thị trường nội địa chỉ chiếm 15%, 85% còn lại được xuất khẩu sang nhiều nước, trong đó có nhiều thị trường khó tính như: Châu Âu, Mỹ, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ, New Zealand, Thụy Sỹ, Nga,... Bên cạnh việc tiêu thụ trái thanh long tươi, hiện nay, Long An đã có một số doanh nghiệp đầu tư, chế biến sản phẩm từ thanh long như thanh long sấy khô, thanh long sấy dẻo, rượu thanh long, nước ép thanh long,... giúp người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn hơn. Với những nỗ lực không ngừng, vừa qua, thanh long Châu Thành của Long An cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý.
Âm vang tiếng trống bình an
Nghề làm trống tại ấp Bình An hình thành từ rất lâu và là niềm tự hào của người dân ở xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ. Bây giờ, trống Bình An được vang danh khắp nơi, mỗi năm cung cấp ra thị trường trong và nước ngoài hơn 1.000 chiếc trống đủ các loại: Trống sấm, trống đình, trống trường học, trống lân, trống chiến, trống đạo, trống lệnh, trống cơm, trống cái, trống bát, trống bồng,...
Danh tiếng trống Bình An nhờ những bí quyết riêng mà không phải người làm trống ở nơi nào cũng có được
Danh tiếng trống Bình An nhờ những bí quyết riêng mà không phải người làm trống ở nơi nào cũng có được. Để cho ra một sản phẩm, người thợ phải trải qua gần 20 công đoạn phức tạp và công phu, từ xử lý và căng da, phơi gỗ, uốn cong thành gỗ, đẽo, chuốt dăm trống đến ghép từng thanh gỗ thành thùng trống, đóng mây,... Chính kỹ thuật ghép gỗ khéo léo cùng bí quyết bào da đã tạo nên sự khác biệt cho từng chiếc trống. Nhiều người nhận xét, trống Bình An không chỉ bền, đẹp, đa dạng mà âm thanh vang vọng, trầm bổng, trong trẻo hơn nhiều loại trống khác. Mỗi chiếc trống được hình thành từ đôi tay tỉ mỉ của người thợ, mặt gỗ phẳng lì, mép ghép nhẵn bóng giữa từng miếng ván, mặt trống căng,... Chính sự tinh xảo từ đôi tay người thợ đã tạo nên âm thanh độc đáo khiến cho trống Bình An không chỉ được dùng những sinh hoạt lễ hội khắp miền Bắc, Trung, Nam... mà được “xuất ngoại” ở nhiều nước như Mỹ, Pháp, Úc,...
Ông Nguyễn Văn An là người làm trống ở thế hệ thứ 5 ở Bình Lãng. Ông An chia sẻ, bây giờ người làm trống đã vận dụng nhiều máy móc trong quá trình lao động, giúp các công đoạn nhanh hơn nhưng vẫn không đủ đáp ứng thị trường. Chính nghề làm trống đã tạo việc làm, thu nhập cho không ít người dân nơi đây. Chắc chắn, nghề này sẽ được lưu truyền qua nhiều thế hệ và trở thành sản phẩm độc đáo, hấp dẫn cho người dân phương xa đến chiêm ngưỡng, tìm hiểu./.
Sở CT - Mai Hương