Chỉ đạo kịp thời
Hiện nay, do quy mô sản xuất nhỏ, chi phí cao, chuỗi giá trị lúa gạo còn rời rạc nên thu nhập của nông dân chưa tương xứng với giá trị lúa gạo. Nhiều nông dân còn lạm dụng vật tư đầu vào như giống, phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới gây ra tình trạng lãng phí, ảnh hưởng không tốt đến môi trường, tăng lượng KNK.
Nông dân thực hiện Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030
Để giải quyết tình trạng trên, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1490/QĐ-TTg, ngày 27/11/2023 phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Thực hiện Đề án này, ngày 05/4/2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Nguyễn Minh Lâm ký Quyết định số 3176/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh.
Tại tỉnh, Đề án đề ra mục tiêu hình thành 125.000ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải KNK, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Đề án triển khai trên địa bàn tỉnh tại 8 huyện, thị xã: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Đức Huệ, Thủ Thừa và thị xã Kiến Tường với diện tích 125.000ha, chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 2024-2025 và 2026-2030.
Quyết định của UBND tỉnh cũng đề cập về tiêu chí lựa chọn vùng tham gia Đề án; nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; nguồn vốn và tổ chức thực hiện.
UBND tỉnh quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án nhằm chỉ đạo thực hiện các công việc chung của Đề án, chỉ đạo phối hợp hỗ trợ giữa các đơn vị sở, ngành để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án và đạt hiệu quả cao nhất. Cơ cấu Ban Chỉ đạo gồm: Lãnh đạo UBND tỉnh (trưởng ban); lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (phó trưởng ban); các thành viên gồm lãnh đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã có liên quan và các tổ chuyên môn.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền, việc xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp trên địa bàn tỉnh mang tính đột phá trong tổ chức lại sản xuất ngành hàng lúa gạo, nâng cao giá trị gia tăng trong toàn chuỗi, bảo đảm phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, đóng góp vào tăng trưởng xanh và góp phần thực hiện các cam kết của Chính phủ tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26), hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Những cải tiến kỹ thuật và công nghệ
Đề án kèm theo những cải tiến kỹ thuật và công nghệ cụ thể để tăng năng suất và giảm phát thải (đa phần là khí mê-tan) so với phương pháp truyền thống.
Ứng dụng tia laser trong san phẳng mặt ruộng là một trong những kỹ thuật được đề cập trong Đề án
Trong khâu làm đất, sau thu hoạch vụ Đông Xuân cần cày và phơi ải, các vụ còn lại áp dụng phương thức xới, trục và trạc; yêu cầu mặt ruộng bằng phẳng, chênh lệch giữa điểm cao nhất và thấp nhất tối đa không quá 5cm, áp dụng biện pháp san ướt dựa theo mực nước hoặc san phẳng ứng dụng tia laser; vệ sinh đồng ruộng, gia cố bờ bao để quản lý nước, đánh rãnh nước (nhất là trong vụ Hè Thu) để thoát phèn, diệt ốc bươu vàng; làm đất xong, rút nước trước khi vận hành máy gieo sạ từ 6-12 giờ;…
Nông dân cần sử dụng giống xác nhận, lượng giống gieo sạ không quá 70kg/ha, xử lý và ngâm ủ hạt giống theo khuyến cáo của nhà sản xuất và phù hợp từng phương pháp gieo sạ. Nông dân cần gieo sạ đồng loạt theo lịch xuống giống của cơ quan chuyên môn; sử dụng máy sạ hàng hoặc sạ cụm, khoảng cách hàng, cụm theo quy định.
Việc quản lý nước rất quan trọng. Khi đất ngập nước (môi trường yếm khí), vi sinh vật trong đất sẽ phân hủy carbon sinh ra khí mê-tan gây hiệu ứng nhà kính. Khi nhu cầu về nước của cây lúa ít đi, nông dân cần rút nước, chuyển từ điều kiện yếm khí sang điều kiện hảo khí để vi sinh vật không hoạt động được. Nông dân không nên để ruộng ngập nước trước gieo sạ quá 30 ngày liên tục; áp dụng rút nước theo nguyên tắc ướt, khô xen kẽ;... Nông dân chỉ đưa nước vào ruộng khi mực nước xuống thấp dưới mặt đất 15cm hoặc mặt ruộng nứt chân chim với mực nước ngập tối đa 5cm; rút nước trước khi thu hoạch từ 7-15 ngày;...
Bón phân cho lúa cần hợp lý, cân đối theo nhu cầu của cây, theo vùng đặc thù và mùa vụ; cần phân tích đất theo định kỳ 5 năm xác định yếu tố hạn chế và xây dựng công thức bón phân phù hợp cho cây lúa theo mùa vụ, vùng đặc thù. Khuyến khích sử dụng 1,5-3 tấn phân hữu cơ cho 1ha đối với lúa gieo sạ; lượng phân đạm trong vụ Hè Thu và Thu Đông giảm 15-20% so với vụ Đông Xuân; khi sạ lúa kết hợp vùi phân nên giảm 10-15% lượng đạm bón so với phương pháp sạ không kết hợp vùi phân; khuyến khích sử dụng bảng so màu lá lúa để điều chỉnh lượng đạm bón phù hợp;... Đồng thời, việc quản lý dịch hại tổng hợp và quản lý, xử lý sau thu hoạch cũng được hướng dẫn cụ thể, rõ ràng.
Nông dân xưa nay có tập quán đốt rơm, rạ hoặc vùi trong nước. Điều này làm tăng lượng phát thải KNK. Nhận thấy điều này, Đề án hướng dẫn không đốt, vùi rơm trong ruộng ngập nước; thu rơm khỏi ruộng bằng máy cuốn rơm, ưu tiên tái sử dụng hay tuần hoàn rơm tại địa phương; rơm khô, chất lượng phù hợp có thể sử dụng để trồng nấm hoặc sản xuất thức ăn cho gia súc, đệm lót sinh học và sản xuất các vật dụng thay thế nhựa như chậu hoa,...; rơm ướt hoặc rơm đã bị hoai mục sử dụng để phủ gốc cây. Riêng rơm đã bị mốc sử dụng để sản xuất phân bón hữu cơ. Tất cả các loại rơm và phụ phẩm hay chất thải từ trồng nấm và chăn nuôi nên được sử dụng làm phân bón hữu cơ.
Đề án cũng khuyến khích áp dụng các biện pháp thúc đẩy phân hủy gốc rạ trong điều kiện không bị ngập nước như cày vùi, băm hay làm dập gốc rạ, phun bổ sung chế phẩm sinh học. Vụ Đông Xuân: Cày hoặc xới vùi gốc rạ ngay sau thu hoạch (càng sớm càng tốt), duy trì điều kiện khô (không ngập nước) ít nhất 3 tuần sau khi vùi. Vụ Hè Thu và Thu Đông: Xới ruộng ngay sau thu hoạch và kết hợp phun chế phẩm sinh học như Trichoderma,... trước khi xới ruộng.
Tỉnh đang có những bước đi cụ thể trong việc xây dựng, phát triển nông nghiệp xanh (cụ thể là đối với cây lúa), giúp nông dân tăng thu nhập, cùng thế giới chung tay chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, đây là câu chuyện dài hơi, cần sự phối hợp chặt chẽ của các bên liên quan; cần khơi dậy cho nông dân thấy lợi ích, hơn hết là ý thức để hành động tình nguyện, từ đó mang lại hiệu quả cao./.
|
Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa CLC và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh Vùng ĐBSCL đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ đang được tỉnh Long An triển khai, thực hiện...
|
Huỳnh Thông