Nông dân tích cực hưởng ứng
Phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững, thân thiện với môi trường là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại. Long An cũng không nằm ngoài hướng đi đó. Theo đó, tỉnh đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao ý thức của nông dân trong sản xuất nông nghiệp gắn với BVMT.
Cụ thể, vừa qua, Chi cục Trồng trọt, BVTV và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh phối hợp các địa phương triển khai, thực hiện kế hoạch thu gom bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng; trong tháng 10 và 11/2022, mở lớp tập huấn trang bị kiến thức về BVMT; tổ chức lễ phát động thu gom bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng. Sau khi kết thúc đợt phát động, địa phương thông báo ngày tập kết vỏ chai, bao bì thuốc BVTV tại các địa điểm quy định để xe tải đến nhận và vận chuyển về nhà máy xử lý, tiêu hủy. Đến nay, các địa phương hoàn thành việc thu gom bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng và nhận được sự hưởng ứng tích cực từ nông dân, giúp phong trào này tiếp tục lan tỏa.
Người dân đem bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng đến điểm tập kết
Ngày 28/11/2022, huyện Đức Huệ phối hợp Chi Cục Trồng trọt, BVTV và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh tiến hành thu gom vỏ chai, bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng tại xã Bình Hòa Nam, Mỹ Thạnh Đông và Mỹ Thạnh Bắc với tổng trọng lượng gần 900kg. Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đức Huệ - Võ Thị Quế Lâm cho biết: “Nhiều nông dân lạm dụng các loại thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp, chưa ý thức được việc BVMT, còn vứt vỏ chai, bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng trên đồng ruộng. Vì vậy, giảm thiểu tác hại từ rác thải thuốc BVTV đang là vấn đề cấp thiết. Vỏ chai, bao bì thuốc BVTV, phân bón “tiện đâu vứt đó” sẽ rất lâu mới có thể phân hủy, có khi cả trăm năm sau, gây ảnh hưởng đến môi trường. Bên cạnh đó, lượng thuốc BVTV còn sót lại sẽ phát tán ra môi trường, ngấm vào nguồn nước. Sau thời gian đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nông dân dần ý thức được tác hại của việc vứt bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng không đúng nơi quy định nên tích cực thu gom, đưa đến nơi tập kết để xử lý”.
Huyện Đức Huệ phối hợp Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng
Những năm qua, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn, mặn, dịch bệnh thường xuyên xảy ra do môi trường ngày càng bị ô nhiễm. Hiểu được tác hại của ô nhiễm môi trường, trong đó, có ô nhiễm do bao bì thuốc BVTV, ông Nguyễn Văn Bắn (xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ) vừa tích cực thu gom bao bì thuốc BVTV đến điểm tập kết, vừa vận động nông dân cùng tham gia. Ông Bắn nói: “Chúng ta chưa thấy tác hại trước mắt của ô nhiễm môi trường từ bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng nhưng đời con cháu sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, phải hành động ngay bây giờ để BVMT sống, bảo vệ sức khỏe thế hệ mai sau. Việc thu gom bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng là hành động nhỏ, dễ thực hiện mà ai cũng có thể làm được".
Nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc thu gom, xử lý bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa thường xuyên lồng ghép tuyên truyền về tác hại của bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng trong các buổi họp chi, tổ hội và thực hiện mô hình 5 không, 3 sạch. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xã Tân Thành - Lê Thị Ngọc Diễm thông tin: “Người dân địa phương chủ yếu sống bằng nghề làm nông. Tuy nhiên, việc lạm dụng thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp làm ảnh hưởng đến môi trường. Vì vậy, Hội phối hợp Hội Nông dân Việt Nam xã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân. Hiện nay, tình trạng "tiện đâu vứt đó” bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng không còn".
Trách nhiệm không của riêng ai
Năm 2016, Hội Nông dân Việt Nam huyện Tân Thạnh thực hiện mô hình Cùng nông dân BVMT. Theo đó, các cấp Hội đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc sản xuất nông nghiệp gắn với BVMT; đồng thời, triển khai xây dựng các hố bêtông, thùng chứa bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng tại các địa phương trên địa bàn huyện.
Nông dân huyện Tân Thạnh chủ động bố trí thùng nhựa đựng bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng
Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam huyện Tân Thạnh - Trần Thanh Hiền chia sẻ: “Sản xuất gắn với BVMT là khẩu hiệu, phương châm hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam các cấp trên địa bàn huyện trong thời gian qua. Nếu trước đây, chỉ một số nông dân đồng tình hưởng ứng phong trào thu gom, xử lý bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng thì nay đã lan tỏa đến từng hộ gia đình. Nhiều hộ còn chủ động trang bị thùng đựng bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng; còn các địa phương trích kinh phí hoặc vận động xã hội hóa xây dựng các hố bêtông, bố trí thùng chứa bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng”.
Gia đình ông Bùi Văn Hoài (ấp Tân Chánh A, xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh) trồng hơn 1ha na Thái. Trung bình khoảng 1 tuần, ông Hoài phun thuốc 1 lần nên bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng rất nhiều. Nhận biết được bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường nếu không biết cách xử lý, ông chủ động xây một khu chứa bao bì thuốc BVTV, cách nhà khoảng 500m, đợi đến ngày xã thông báo sẽ đem đến điểm tập kết để xử lý. Ông Hoài cho biết: “Bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng được thu gom, xử lý nên đồng ruộng sạch sẽ hơn”.
Bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng nếu không biết cách xử lý sẽ ảnh hưởng đến môi trường
Ngoài BVMT trong sản xuất nông nghiệp bằng việc thu gom, xử lý bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng, ngành Nông nghiệp còn tổ chức các lớp tập huấn về sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả theo nguyên tắc “4 đúng”,... Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, BVTV và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh - Huỳnh Kim Toán cho biết: “Trong trồng trọt, việc sử dụng thuốc BVTV để phòng trừ sinh vật gây hại, bảo vệ cây trồng không thể thiếu. Thực trạng mức độ thâm canh cây trồng ngày càng cao nên nhu cầu sử dụng thuốc BVTV ngày càng tăng dẫn đến lượng vỏ chai, bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng ngày càng nhiều, kèm theo đó là tình trạng vứt bỏ tùy tiện trên bờ ruộng hoặc xuống mương. Theo các nhà chuyên môn, vỏ chai, bao bì thuốc BVTV đã qua sử dụng còn sót lại khoảng 2% lượng thuốc BVTV, nếu xử lý không đúng cách sẽ ảnh hưởng xấu đến môi trường và các loài sinh vật có ích. Do đó, việc thu gom, xử lý bao bì thuốc BVTV cần sự chung tay của các cấp, các ngành và toàn xã hội, bởi đây không là trách nhiệm của riêng ai”.
Sản xuất nông nghiệp gắn với BVMT không chỉ góp phần tạo ra nông sản sạch, nâng tầm sản phẩm, bảo vệ sức khỏe con người mà còn giúp các địa phương hoàn thành tiêu chí về môi trường trong xây dựng xã nông thôn mới./.
Lê Ngọc