Tiếng Việt | English

06/10/2020 - 09:57

Sản xuất sạch - nâng giá trị sản phẩm

Với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, sự đồng thuận cao của người dân, tỉnh ngày càng có nhiều sản phẩm nông nghiệp sạch được hình thành và khẳng định thương hiệu.

Sản xuất sạch

Đẩy mạnh sản xuất theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) để nâng cao chất lượng sản phẩm và giá trị trên một đơn vị diện tích; đồng thời, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng đang được tỉnh chú trọng thực hiện và thực tế đã mang lại hiệu quả khả quan trên nhiều loại cây trồng. Đặc biệt, cây thanh long hiện có trên 2.082,05ha sản xuất ƯDCNC, trong đó có xây dựng mô hình điểm diện tích 841,88ha, ƯDCNC trong sản xuất có kết hợp hướng dẫn nông dân sản xuất theo VietGAP, sử dụng phân hữu cơ vi sinh, phân sinh học, bẫy côn trùng, máy băm dây thanh long, tưới nước tiết kiệm,... Thông qua mô hình giúp nông dân ý thức hơn trong việc vệ sinh vườn, không còn sử dụng phân gà tươi để bón cho thanh long; từng bước hướng dẫn nông dân quen dần với việc sử dụng phân hữu cơ, phân sinh học, chế phẩm sinh học trong quá trình sản xuất thanh long nhằm cải tạo đất, tăng cường hoạt động của rễ giúp hấp thụ chất dinh dưỡng tốt hơn và quản lý một số nấm bệnh vùng rễ; làm quen với việc ghi chép nhật ký sản xuất, sản xuất theo hướng VietGAP và làm cơ sở để tiến đến đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP.

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để tạo ra sản phẩm sạch

Từ khi tham gia sản xuất sạch theo tiêu chuẩn GlobalGAP và có liên kết đầu ra sản phẩm, anh Trương Minh Trung, ngụ xã An Lục Long, huyện Châu Thành, an tâm sản xuất và có lợi nhuận cao hơn so với trước. Anh Trung nói: “Dù có những yêu cầu khắt khe hơn so với cách trồng trước đây nhưng tôi không phải lo về đầu ra và giá cả sản phẩm. Trước đây trồng sợ không có ai mua nhưng giờ chỉ sợ không đủ hàng để bán. Hiện nay, gia đình tôi không còn phải mang thanh long ra chợ bán mà thương lái đến tận vườn thu mua với giá dao động từ 20.000-30.000 đồng/kg, tùy loại”. Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã (HTX) Thanh long Vạn Thành (huyện Châu Thành) - Nguyễn Vạn Thành cho biết: “Đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP chính là một trong những yếu tố quan trọng để khẳng định chất lượng cho thanh long ruột đỏ của địa phương và tạo nên thương hiệu trên thị trường. Mặt khác, hướng tới sản xuất hữu cơ, an toàn không chỉ đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng, nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn tăng năng suất, lợi nhuận cho chính các nhà vườn. Cũng từ đó sản phẩm được các doanh nghiệp, siêu thị lớn trong cả nước bao tiêu.Người dân chỉ cần có nông sản đạt tiêu chuẩn thì doanh nghiệp bao tiêu đầu ra”.

Bên cạnh trái thanh long, hiện nay, chanh và rau cũng là 2 sản phẩm được nông dân hướng đến sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap, GlobalGAP. Hiện tỉnh có khoảng 2.092,5ha rau ƯDCNC trong sản xuất. Việc sử dụng phân hữu cơ sinh học, trồng rau trong nhà lưới, nhà màng giúp cây rau phát triển tốt hơn, sâu, bệnh ít hơn, giảm được lượng phân vô cơ sử dụng từ 10-40kg/ha, giảm số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, năng suất tăng 5-20%, lợi nhuận cao hơn từ 2-5 triệu đồng/1.000m2 so với cách trồng theo phương pháp truyền thống, sản phẩm được kiểm tra đạt an toàn. Về xây dựng vùng sản xuất rau an toàn, đạt chứng nhận VietGAP, tỉnh hiện có 23 HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp sản xuất rau an toàn được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 114,11ha, sản lượng khoảng 10.800 tấn/năm gồm các sản phẩm rau, củ, quả. Giám đốc HTX Rau an toàn Mười Hai (huyện Cần Đước) - Lê Văn Giấy cho biết: “Khi bắt đầu ƯDCNC, chúng tôi chuyển sang dùng phân bón hữu cơ thay cho phân hóa học, qua đó giúp hiệu quả tăng 30-40%, sản phẩm chất lượng, mẫu mã đẹp, giá bán cao hơn. Bằng các giải pháp sản xuất rau trong nhà lưới, tưới phun sương, tưới nhỏ giọt, HTX đã nâng diện tích sản xuất lên 163ha, với 40 chủng loại rau, cung ứng thị trường nội địa thông qua hệ thống Co.opmart Long An và hệ thống siêu thị các tỉnh lân cận. Hiện nay, HTX tiến đến đầu tư nhà kho bảo quản rau sau sơ chế để bảo đảm chất lượng theo yêu cầu của các đơn vị liên kết”.

Còn cây chanh, hiện tỉnh có hơn 11.000ha, trong đó có hàng trăm hécta được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP. Ông Nguyễn Văn Tươi - Tổ trưởng Tổ hợp tác Chanh không hạt tại xã Bình Đức, huyện Bến Lức, chia sẻ: “Để sản xuất chanh hiệu quả và có đầu ra ổn định, tôi học hỏi cách trồng chanh theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Hiện gia đình tôi có 3ha chanh không hạt được chứng nhận đạt chuẩn GlobalGAP và Công ty TNHH MTV The Fruit Republic Cần Thơ ký hợp đồng thu mua toàn bộ sản phẩm. Năm qua, tổ hợp tác cung cấp khoảng 100 tấn chanh với giá 16.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí đầu tư, mỗi thành viên có lãi từ 180-200 triệu đồng/ha”.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Kinh Kha, sản xuất nông nghiệp ƯDCNC giúp nông dân tiếp cận phương thức canh tác mới, sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học giúp cải tạo đất, hạn chế dư lượng các chất hóa học thải ra môi trường và tạo ra sản phẩm sạch. Cách sản xuất này đã được áp dụng trên cây lúa và chanh không hạt ở huyện Thạnh Hóa. Ông Bùi Văn Khắp - Giám đốc HTX Sản xuất Dịch vụ nông nghiệp Thuận Bình (huyện Thạnh Hóa), cho biết, ông đã ƯDCNC vào sản xuất chanh không hạt trên diện tích 1ha từ năm 2011. Sau đó, ông mở rộng sản xuất chanh theo hướng GlobalGAP vào năm 2018, đáp ứng tiêu chuẩn châu Âu của Công ty TNHH The Fruit Republic. Cũng theo tiêu chuẩn này, ông cùng các thành viên sản xuất chanh không hạt tại huyện Thạnh Hóa đã thành lập HTX, chuyên cung ứng chanh không hạt cho các doanh nghiệp xuất khẩu và tạo đầu ra ổn định cho nông sản./.

Phát triển bền vững

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh, việc ƯDCNC vào sản xuất nông nghiệp đã thay đổi được phương thức tổ chức sản xuất. Để làm được hàng loạt sản phẩm đồng đều về mẫu mã, chất lượng và tiêu thụ ổn định, tỉnh đã tạo điều kiện phát triển các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hiện tỉnh xây dựng được nhiều mô hình nông nghiệp ƯDCNC hiệu quả như trồng rau trong nhà lưới, nhà màng, tưới tiết kiệm, rau thủy canh, trồng thanh long tưới nhỏ giọt, phun mưa tự động, trồng lúa, nuôi bò,...; sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, góp phần nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Như vậy, có thể thấy được, việc ƯDCNC vào sản xuất và chế biến nông sản đã tạo nên bước đột phá mới, đưa ngành nông nghiệp của tỉnh phát triển ổn định, bền vững.

Nông dân sản xuất sạch liên kết doanh nghiệp ổn định đầu ra nông sản

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp; đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư, các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển nông nghiệp ƯDCNC, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp, nhất là đầu tư hệ thống giao thông, điện, thủy lợi nội đồng,... đáp ứng yêu cầu ứng dụng cơ giới hóa, vận chuyển hàng hóa, máy móc, trang thiết bị, nông sản hàng hóa được thuận lợi. Riêng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp các ngành liên quan của tỉnh nhằm hỗ trợ, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia chuỗi giá trị; tăng cường hoạt động liên kết, hợp tác với doanh nghiệp trong việc phối hợp thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại; tuyên truyền nâng cao nhận thức, năng lực của doanh nghiệp trong xúc tiến thương mại để việc tham gia chương trình xúc tiến thương mại có hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp; củng cố các chuỗi thực phẩm đã được kiểm soát theo chuỗi, tiếp tục hỗ trợ tổ hợp tác, HTX sản xuất đạt chứng nhận GAP tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm và tham gia chợ phiên nông sản an toàn TP.HCM; thường xuyên gặp gỡ, đối thoại giữa các bên tham gia chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các bên liên quan chuỗi giá trị./.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích