Tiếng Việt | English

19/08/2019 - 14:13

Sản xuất sạch để tạo ra sản phẩm an toàn

Những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh Long An tích cực tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sản xuất sạch nhằm tạo ra sản phẩm an toàn. Qua đó, giúp nông dân tăng năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường và hướng tới một nền nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường.

Đáp ứng nhu cầu thị trường

Hiện nay, vì lợi nhuận nên không ít người sử dụng hóa chất trong sản xuất rau, củ và tăng trọng lượng các loại thịt, ảnh hưởng đến lợi ích và sức khỏe người tiêu dùng. Vì vậy, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hiệu quả và không sử dụng chất cấm trong nông nghiệp nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) cho người tiêu dùng. Đối với cây rau, ngành cùng các địa phương quan tâm, thực hiện một số mô hình sản xuất rau, củ, quả sạch cung ứng cho người tiêu dùng. Cụ thể như mô hình sản xuất dưa lưới trong nhà màng, theo công nghệ Israel tại Hợp tác xã (HTX) Tâm Nông Việt (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An). Điều đặc biệt ở mô hình này là dưa được trồng với quy trình bón phân được kết hợp tưới nước nhỏ giọt được dẫn đến tận gốc, theo đúng mức độ yêu cầu, tuyệt đối không sử dụng thuốc BVTV. 

Theo Giám đốc HTX Tâm Nông Việt - Đinh Bạt Quy, đầu năm 2018, anh đầu tư hơn 400 triệu đồng xây dựng nhà lưới cùng hệ thống tưới nước tự động và trồng thử nghiệm hơn 1.000m2 dưa lưới TL3 có xuất xứ từ Thái Lan. “Dưa lưới từ khi trồng đến thu hoạch 65 ngày, mỗi năm trồng 4 vụ. 1.000m2 dưa ứng dụng công nghệ Israel cho năng suất 3 tấn, bán với giá trung bình 45.000 đồng/kg, thu lãi hơn 150 triệu đồng. Hiện nay, tôi đang mở rộng mô hình lên 1ha dưa lưới sạch. Việc trồng dưa lưới trong nhà màng mang lại nhiều hiệu quả, vừa giúp chắn mưa, vừa ngăn côn trùng xâm nhập, giảm chi phí sản xuất,...Bên cạnh đó, trồng dưa không sử dụng thuốc BVTV (chỉ dùng các chế phẩm sinh học tự nhiên) nên sản phẩm được người tiêu dùng rất ưa chuộng.Hiện dưa lưới sạch của HTX được tiêu thụ ở thị trường trong và ngoài tỉnh” - anh Quy chia sẻ.

Giám đốc HTX Rau an toàn Phước Hòa (huyện Cần Đước, tỉnh Long An) - Kiều Anh Dũng cho biết: “HTX có 42 thành viên với diện tích 15ha, sản phẩm đạt chứng nhận an toàn, mỗi ngày xuất ra thị trường khoảng 2,5 tấn rau. HTX còn đầu tư nhà màng sản xuất rau thủy canh với diện tích 500m2. Hiện tại, sản phẩm rau của HTX cung cấp cho thị trường trong, ngoài tỉnh và 2 chuỗi cửa hàng của HTX (tại chợ phường 2, TP.Tân An và chợ Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa). Ngoài ra, HTX còn đầu tư máy gieo hạt và hệ thống nước lọc với số tiền hơn 150 triệu đồng”.

Nhằm sản xuất sản phẩm sạch, tỉnh triển khai thực hiện Đề án Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh có trên 13.364ha lúa ƯDCNC, đạt 66,82% kế hoạch; gần 1.446ha rau ƯDCNC, đạt 72% kế hoạch; khoảng 1.634ha thanh long ƯDCNC, đạt 81,7% kế hoạch. Tỉnh phấn đấu đến năm 2020, có 4 vùng sản xuất nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, theo đó lúa 20.000ha, thanh long 2.000ha, rau 2.000ha và bò thịt 5.000 con; có từ 1-2 doanh nghiệp nông nghiệp ƯDCNC. 

Nông dân sản xuất sạch để đáp ứng nhu cầu thị trường

Nông dân sản xuất sạch để đáp ứng nhu cầu thị trường

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản - Nguyễn Văn Cường cho biết: “Những năm qua, ngoài tuyên truyền nông dân sản xuất sạch, tỉnh còn tập trung triển khai thực hiện kế hoạch xây dựng chuỗi nông sản, từ đó, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng các chuỗi cung cấp nông, lâm, thủy sản an toàn, kiểm soát được chất lượng từ sản xuất, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ trên thị trường, bảo đảm ATTP, liên kết phân phối sản phẩm ở thị trường trong tỉnh. Đồng thời, xây dựng thương hiệu, tạo lòng tin của người tiêu dùng vào sản phẩm chuỗi an toàn; hình thành thói quen, tập quán tiêu dùng thực phẩm an toàn có địa chỉ, nhãn mác hàng hóa, truy xuất được nguồn gốc thực phẩm. Đến nay, tỉnh xây dựng được 12 chuỗi phân phối sản phẩm sạch (rau, gạo, thịt gà, thịt heo,…); phối hợp Ban Quản lý ATTP TP.HCM khảo sát, xây dựng, trao 9 giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia chuỗi và tổ chức được 14 điểm bán thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh”.

“Ngoài ra, để bảo đảm ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp, ngành tăng cường kiểm tra, giám sát. 6 tháng đầu năm 2019, chi cục thu 454 mẫu (149 mẫu rau, 195 mẫu thịt, 100 mẫu khô, 10 mẫu sản phẩm từ thịt) kiểm tra, giám sát ATTP nông, lâm, thủy sản, kết quả có 452 mẫu đạt, 2 mẫu nhiễm hàn the (2 mẫu khô chỉ vàng); kiểm nghiệm chỉ tiêu ATTP thu 52 mẫu (10 mẫu heo, 4 mẫu gà, 8 mẫu rau, 6 mẫu thanh long, 4 mẫu gạo, 6 mẫu chanh, 1 mẫu bột nghệ), kết quả 1 mẫu bò viên nhiễm Benzoat (hộ kinh doanh Cao Thị Huyền, thị trấn Tân Trụ, huyện Tân Trụ); tổ chức thẩm định 105 cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản, trong đó xếp loại A 17 cơ sở, loại B 88 cơ sở; tổ chức 48.906 hộ tham gia ký cam kết sản xuất an toàn, tăng hơn 28.000 hộ so cùng kỳ năm 2018” - ông Cường thông tin thêm.

Tăng cường tuyên truyền

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh cho biết: “Để nông sản sạch có mặt ở thị trường và nông dân trên địa bàn tỉnh sản xuất có đầu ra ổn định, ngành nông nghiệp cùng chính quyền địa phương tiếp tục lồng ghép vào các hoạt động khuyến nông thường xuyên tuyên truyền về tác hại, thiệt hại của việc sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất rau, quả không đúng quy định; đặc biệt là tác hại của việc sử dụng thực phẩm không an toàn; không sử dụng chất cấm, chất bảo quản, phụ gia, thuốc BVTV, thuốc ngoài danh mục, tuân thủ “4 đúng” về sử dụng thuốc BVTV, thuốc thú y,… Tuyên truyền về lợi ích của việc xây dựng chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, áp dụng quy trình thực hành sản xuất tốt (GAP, GMP). Triển khai xây dựng, nhân rộng, phát triển mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, trước mắt tập trung cho các cơ sở sản xuất đã được chứng nhận VietGAP, sản phẩm rau, thịt,...; liên kết chặt chẽ giữa nhà quản lý, nhà khoa học, nông dân, doanh nghiệp và HTX,... để bảo đảm nền sản xuất nông nghiệp hiện đại an toàn theo chuỗi giá trị; từ đó, gia tăng năng suất lao động, nâng cao đời sống của lực lượng lao động trong nông nghiệp vốn có thu nhập thấp và không ổn định; tiếp tục phối hợp Ban Quản lý ATTP TP.HCM xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý nhà nước về quản lý thị trường, tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích các sản phẩm bảo đảm yêu cầu về chất lượng và vệ sinh ATTP chiếm lĩnh thị trường trong, ngoài tỉnh. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ thông tin thị trường đối với từng sản phẩm hàng hóa; tổ chức quản lý, sử dụng hiệu quả các chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể và thương hiệu đã xây dựng, được bảo hộ gắn với phát triển chuỗi giá trị. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm, phát huy vai trò của nhân dân trong việc đấu tranh, phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm quy định về quản lý vật tư nông nghiệp,… 

Riêng sở tiếp tục hỗ trợ cơ sở sản xuất, kinh doanh chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), cơ sở đủ điều kiện bảo đảm ATTP, lấy mẫu giám sát, xác nhận sản phẩm an toàn khi đến tay người tiêu dùng; tổ chức tái kiểm tra 100% các cơ sở xếp loại C và xử lý dứt điểm các cơ sở bị xếp loại C; tổ chức xúc tiến thương mại, kết nối sản xuất – tiêu thụ và quảng bá sản phẩm an toàn có xác nhận”./.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích