Nông dân mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất đạt hiệu quả cao
Nâng cao thu nhập
Tại huyện Cần Giuộc, ND từng bước chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng tăng giá trị sản lượng, chất lượng, giảm chi phí sản xuất bằng cách ứng dụng khoa học - kỹ thuật, CNC. Các quy trình công nghệ tiên tiến về thâm canh: Sản xuất rau, nuôi tôm trong nhà lưới, nhà màng; sử dụng màng phủ nông nghiệp trong canh tác rau; kỹ thuật tưới tự động được ND áp dụng. Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện - Đồng Quang Đôn, thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện phối hợp các ngành chức năng tỉnh tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, hội thảo chuyển giao khoa học - kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi và nhiều đợt tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả cho hội viên, ND. Từ đó, nhiều ND mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đạt hiệu quả cao: Trồng dưa lưới trong nhà màng ở các xã Phước Hậu, Mỹ Lộc hay nuôi tôm nước lợ ƯDCNC ở xã Đông Thạnh, Phước Vĩnh Đông,... Hiện toàn huyện có 497ha rau và 38ha tôm ƯDCNC. Ngoài ra, còn có 10 hợp tác xã (HTX) sản xuất rau, 4 HTX nuôi tôm nước lợ, trong đó có 5 HTX được cấp giấy chứng nhận VietGAP, 2 HTX được cấp giấy chứng nhận theo chuỗi an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong 10 HTX sản xuất rau, có 9 HTX và 2 tổ hợp tác sản xuất rau có ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm để giải quyết đầu ra cho ND, bình quân từ 1-3 tấn rau/ngày/HTX, góp phần tăng thu nhập cho ND.
Ông Lê Phước Hưng (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc) cho biết: “Gia đình tôi có hơn 1.000m2 đất trồng cải và hành lá. Khi áp dụng kỹ thuật canh tác nhà lưới, rau phát triển tốt, ít sâu, bệnh và cỏ dại, lợi nhuận tăng lên 2-3 triệu đồng/vụ. Đầu tư nhà lưới tốn khoảng 20 triệu đồng/1.000m2, có thể sử dụng từ 6-7 năm”.
Qua gần 2 năm triển khai thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ND huyện Thủ Thừa mạnh dạn ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thủ Thừa - Nguyễn Văn Chót cho biết: “Hiện mô hình Máy cấy lúa trên địa bàn tuy chưa phát triển mạnh nhưng bước đầu giúp ND cải thiện chất lượng hạt lúa, nâng cao năng suất. Từ đó cho thấy, việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp là phù hợp với tình hình hiện nay, đồng thời góp phần thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Vụ Đông Xuân 2017-2018, huyện thực hiện mô hình trình diễn ứng dụng máy cấy trong sản xuất lúa nếp với diện tích 100ha tại ấp Bà Nghiệm và Bà Mía, xã Mỹ Lạc”.
Anh Nguyễn Văn Toàn (xã Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa) chia sẻ: “Việc ứng dụng máy cấy lúa và khoa học - kỹ thuật vào sản xuất mang lại nhiều lợi ích, giảm được lực lượng lao động thủ công trong sản xuất, tiết kiệm phân bón và cây lúa ít bị sâu, bệnh,... Ước tính năng suất trong mô hình sản xuất ƯDCNC tăng so với ngoài mô hình và có lợi nhuận cao hơn 5-6 triệu đồng/ha”.
Theo ông Chót, thời gian tới, huyện sẽ tăng cường tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất; xây dựng mô hình sản xuất theo hướng VietGAP, GlobalGAP; tạo liên kết trong sản xuất và tiêu thụ thông qua việc xây dựng các tổ kinh tế hợp tác và HTX,... để ND sản xuất hiệu quả.
Ứng dụng kỹ thuật gieo cấy bằng máy nông dân giảm nhiều chi phí
Cần sự đột phá
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Đinh Thị Phương Khanh, để tạo những bước đi mang tính đột phá cho nền nông nghiệp, tỉnh có Đề án Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, quan điểm tái cơ cấu ngành nông nghiệp là theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững chung của cả nước; gắn với phát triển KT-XH và bảo vệ môi trường để bảo đảm phát triển bền vững. Định hướng tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt sẽ là phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm (lúa, rau, thanh long,...). Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; nhân rộng các mô hình sản xuất tiên tiến, nhất là công tác giống, kỹ thuật canh tác, tăng nhanh tỷ lệ cơ giới hóa trong các khâu sản xuất nông nghiệp, áp dụng rộng rãi công nghệ tưới nước tiết kiệm, bảo quản, chế biến sau thu hoạch, áp dụng các quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp theo chuẩn VietGAP, tạo ra bước đột phá về năng suất, chất lượng, giảm giá thành, thích ứng với biến đổi khí hậu, thân thiện với môi trường, an toàn thực phẩm nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm và nâng cao thu nhập cho ND./.
Huỳnh Phong