Tiếng Việt | English

19/12/2021 - 10:37

Sáng 19/12, thế giới ghi nhận 274,4 triệu ca nhiễm COVID-19

Trong 24 giờ qua, châu Âu là khu vực ghi nhận nhiều ca mắc mới và tử vong nhất so với các châu lục khác trên thế giới, với con số tương ứng là 344.486 ca và 3.057 ca.


Trong 24 giờ qua, châu Âu là khu vực ghi nhận nhiều ca mắc mới và tử vong nhất so với các châu lục khác trên thế giới, với con số tương ứng là 344.486 ca và 3.057 ca. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 8h sáng 19/12 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 274.515.145 ca mắc COVID-19, trong đó có 5.366.036 ca tử vong. Tổng số ca đã khỏi bệnh là 246.315.509 ca.

Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch khi ghi nhận tổng cộng 51.695.291 ca mắc và 827.201 ca tử vong. Kế đến là Ấn Độ với 34.738.584 ca mắc, 477.170 ca tử vong và Brazil với 22.212.343 ca mắc, trong đó có tới 617.784 ca tử vong. 

Trong 24 giờ qua, châu Âu là khu vực ghi nhận nhiều ca mắc mới và tử vong nhất so với các châu lục khác trên thế giới, với con số tương ứng là 344.486 ca và 3.057 ca. Tại khu vực này, Anh là nước có số ca mắc cao nhất với 90.418 ca, trong khi Nga ghi nhận số ca tử vong cao nhất với 1.076 ca. 

Cho đến nay tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp do biến thể mới Omicron có tốc độ lây lan mạnh đã lan rộng sang gần 80 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Ngày 18/12, Ủy ban tư vấn khoa học về các trường hợp khẩn cấp (SAGE) của Chính phủ Anh cảnh báo nước này cần khẩn cấp áp dụng các biện pháp hạn chế chặt chẽ hơn để ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron và ngăn chặn làn sóng bệnh nhân nhập viện vì COVID-19 với quy mô tương tự như mùa Đông năm ngoái.

SAGE cho biết nước này có thể phải đối mặt với kịch bản có “ít nhất 3.000 ca nhập viện mỗi ngày” vào đầu năm tới nếu vẫn tuân theo chiến lược “Phương án B” của Thủ tướng Boris Johnson, đồng thời cảnh báo “một số kịch bản có kết quả còn nghiêm trọng hơn” vào đầu năm 2022.

Các cố vấn cho biết thêm, nếu không có biện pháp mạnh mẽ hơn, số ca tử vong hàng ngày có thể lên tới 600 người vào tháng 2/2022.

SAGE cho rằng cần phải có các biện pháp can thiệp trước Năm mới để hạn chế tiếp xúc xã hội tại các sự kiện trong nhà và tại các địa điểm công cộng nhằm ngăn chặn số ca nhập viện hàng ngày tương tự như tháng 1 năm nay khi có tới gần 4.000 bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện chỉ trong một ngày.

Đơn cử như cần giảm quy mô nhóm, tăng khoảng cách vật lý, giảm thời gian tiếp xúc và đóng cửa các cơ sở có nguy cơ cao bên cạnh việc áp dụng đeo khẩu trang. Ngoài ra, SAGE nhấn mạnh việc tăng tỷ lệ tiêm chủng là “một biện pháp cực kỳ quan trọng” để giảm thiểu bệnh trở nặng.

Giới chức y tế Đức tối 18/12 thông báo bổ sung Anh vào danh sách những nước được đánh giá là có “nguy cơ cao” về COVID-19, đồng nghĩa với việc bị áp dụng những quy định đi lại ngặt nghèo hơn.

Theo Viện Robert Koch (RKI) của Đức, biện pháp này có hiệu lực từ 0h ngày 20/12. Theo đó, những hành khách nhập cảnh vào Đức từ Anh sẽ phải trả qua 2 tuần cách ly ngay cả khi đã tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Cùng ngày tại Italy, Viện Y tế quốc gia (ISS) tuyên bố biến thể Omicron đang lây lan nhanh chóng ở nước này. Báo cáo của ISS cho biết mạng lưới các phòng thí nghiệm khu vực của họ cho đến nay đã xác định được 84 ca mới nhiễm biến thể Omicron, với 33 ca tại vùng miền Bắc Lombardy, gần Milan và 20 ca khác ở vùng miền Nam Campania, trung tâm là thành phố Naples.

Số ca nhiễm mới và tử vong tại Italy đang tăng lên trong những tuần gần đây, nhưng số ca hàng ngày vẫn thấp hơn một số quốc gia châu Âu khác như Anh và Đức. Số liệu của Bộ Y tế Italy cho thấy, ngày 18/12, nước này có 123 ca tử vong vì COVID-19. Số ca mắc mới gia tăng đột biến, bất chấp các quy định mới về siêu thẻ xanh và thực tế là hơn 85% dân số Italy trên 12 tuổi hiện đã được tiêm vaccine đủ liều.

Phần lớn các khu vực tại Italy vẫn thuộc “vùng trắng” có nguy cơ thấp nhất, với những hạn chế tối thiểu, theo hệ thống mã hóa màu các quy định phòng chống COVID-19 của nước này. Hiện có 3 khu vực thuộc "vùng vàng" có nguy cơ ở mức trung bình thấp, áp dụng các quy tắc nghiêm ngặt hơn là Alto Adige, Fruili-Venezia Giulia và Calabria.

Tuy nhiên, từ ngày 20/12, số “vùng vàng” sẽ tăng lên 7 với thêm các khu vực Marche, Veneto, Liguria và Trentino.

Tại Hà Lan, Thủ tướng Mark Rutte thông báo nước này sẽ bước vào đợt phong tỏa trong dịp Giáng sinh. Ông nhấn mạnh phong tỏa là việc “không thể tránh khỏi” trước nguy cơ bùng phát làn sóng dịch COVID-19 thứ 5 do biến thể Omicron có khả năng lây lan "còn dữ dội hơn những gì mà dư luận đã lo ngại."

Trong đợt phong tỏa lần này, tất cả những cửa hàng không thiết yếu, nhà hàng, quán bar, rạp chiếu phim, bảo tàng và nhà hát sẽ phải đóng cửa đến ngày 14/1 năm sau, trong khi các trường học phải đóng cửa ít nhất là đến ngày 9/1/2022.

Số lượng khách mà mỗi gia đình được tiếp tại nhà cũng giảm từ 4 xuống còn 2 người, trừ đúng ngày Giáng sinh (25/12)./.

Minh Tâm (TTXVN/Vietnam+)

Chia sẻ bài viết